Điểm nhấn tái cơ cấu nông nghiệp ở Quản Bạ
- Thứ tư - 15/11/2017 22:31
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Điểm nhấn sản xuất, chế biến dược liệu
Hiện, huyện Quản Bạ có khoảng 2.500 ha dược liệu, trong đó: Thảo quả chiếm khoảng 2.000ha; 100 ha là Actiso, Đương quy, Đan sâm, Hương thảo...; còn lại là các loại như gừng, nghệ. Thực hiện TCC ngành Nông nghiệp, huyện Quản Bạ đặt mục tiêu đến năm 2020, tổng diện tích cây dược liệu đạt 2.940 ha; trong đó, diện tích chuyên canh đến năm 2020 đạt 500 ha, tạo ra một số sản phẩm dược liệu có nhãn hiệu hàng hóa như Actiso, Đương quy, Bạch chỉ...
Lĩnh vực sản xuất chế biến dược liệu ở Quản Bạ đạt nhiều thành công. Trong ảnh: Một số sản phẩm sản xuất từ dược liệu của HTX cộng đồng Nặm Đăm. |
Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quản Bạ, Phạm Ngọc Pha cho biết: Từ đầu năm đến nay, toàn huyện trồng được trên 351 ha dược liệu, gồm: Đương quy, Ý dĩ, Actiso, Hương thảo... Ngoài ra, người dân và doanh nghiệp, HTX trên địa bàn đã thực hiện tốt khâu liên kết trong trồng và chế biến; nhiều loại dược liệu được chế biến, đóng hộp, gói có tem, nhãn đưa ra thị trường, có thể truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ.
Đến thăm HTX cộng đồng Nặm Đăm, xã Quản Bạ - HTX đang hoạt động rất hiệu quả trong khâu liên kết sản xuất và chế biến dược liệu. Từ năm 2015 trở về trước, HTX chủ yếu trồng và sơ chế dược liệu tươi hoặc nấu thành cao lỏng bán. Nhưng hiện nay, HTX đã chế biến thành phẩm được gần 10 loại thuốc, thực phẩm chức năng từ dược liệu. Giám đốc HTX cộng đồng Nặm Đăm, Lý Tà Rèn cho biết: Được sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo huyện và ngành chức năng, HTX đã được Bộ Y tế cấp phép cho sản xuất và đưa ra thị trường nhiều loại sản phẩm, như: Cao mạnh gân cốt, cao Actiso, trà gừng, bổ khí ích não, cao Đương quy, thuốc chữa sỏi thận... Doanh thu từ đầu năm đến nay đạt trên 900 triệu đồng.
Ngoài HTX cộng đồng Nặm Đăm, HTX dược liệu Nà Chang, thị trấn Tam Sơn; Công ty Cổ phần phát triển dược liệu Anvy và Công ty Cổ phần thương mại phát triển Nông - lâm nghiệp Bình Minh 3, xã Quyết Tiến cũng đã sản xuất, chế biến và đưa ra thị trường một số sản phẩm thuốc từ dược liệu. Bên cạnh đó, Công ty Cổ phần dược khoa (Hà Nội) gần đây đều ký kết bao tiêu củ Đương quy và cao Actiso trên địa bàn huyện; Công ty Cổ phần thảo dược Cao nguyên đá thành lập để bao tiêu, kinh doanh các sản phẩm dược liệu của huyện...
Hình thành trang trại gia súc quy mô lớn
Thực hiện Đề án TCC ngành Nông nghiệp, huyện Quản Bạ lựa chọn con bò, dê, ngựa để phát triển; nhưng tập trung mạnh vào con bò. Bởi đây là con có thế mạnh và là một trong 3 con chủ lực TCC ngành Nông nghiệp của tỉnh. Mục tiêu của huyện, đến năm 2020, tổng đàn trâu, bò đạt 21.000 con và hình thành các gia trại, trang trại quy mô lớn... Tính đến hết tháng 10 năm nay, tổng đàn trâu, bò của Quản Bạ đạt trên 21.400 con, tăng trên 2.770 con so với năm 2015, đạt mục tiêu của đề án. Tổng sản lượng trâu, bò hơi xuất chuồng của huyện cũng đạt khá cao, ước năm 2017 đạt trên 956 tấn.
Sau 2 năm tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, huyện Quản Bạ đã có một số trang trại, gia trại chăn nuôi bò quy mô lớn. Trong ảnh: Trang trại chăn nuôi bò của anh Lò Xín Quân, xã Quyết Tiến. |
Điểm đáng ghi nhận ở Quản Bạ trong phát triển chăn nuôi đại gia súc không chỉ dừng lại ở sự tăng đàn mà là việc hình thành nhiều gia trại, trang trại chăn nuôi quy mô lớn. Phó Chủ tịch UBND huyện Quản Bạ, Hạng Dương Thành cho biết: Thực hiện quyết liệt TCC ngành Nông nghiệp trong phát triển chăn nuôi, hiện nay, trên địa bàn huyện đã hình thành 2 trang trại nuôi bò với quy mô từ 50 đến 100 con và hướng đến trên 100 con. Ngoài ra, 6 xã có mô hình gia trại nuôi bò từ 20 con trở lên, số hộ nuôi 10 con bò đến dưới 20 con rất nhiều.
Được biết, Nghị quyết 209 đóng vai trò rất lớn vào kết quả phát triển chăn nuôi của huyện trong TCC ngành Nông nghiệp. Đến cuối tháng 10,2017, huyện đã giải ngân trên 42 tỷ đồng vốn vay theo Nghị quyết 209; trong đó, trên 33,8 tỷ đồng cho phát triển chăn nuôi trâu, bò; có 2 hộ được giải ngân từ 1,1 đến 2,3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Quản Bạ còn có một số chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi riêng, như: Hỗ trợ 22 triệu đồng/ha cỏ đối với các trang trại, gia trại chăn nuôi theo quy mô lớn và đang xây dựng cơ chế hỗ trợ các gia trại chăn nuôi từ 10 con trở lên; đầu tư xây dựng chợ gia súc quy mô tối thiểu 100 con/mỗi phiên...
Anh Lò Xín Quân, chủ một trang trại chăn nuôi bò ở thôn Dình Sán, xã Quyết Tiến cho biết: Gia đình tôi được giải ngân 1,1 tỷ đồng từ chính sách Nghị quyết 209 để làm chuồng trại và mua con giống phát triển gia trại quy mô 100 con. Hiện, tôi có 51 con bò lớn, nhỏ. Từ lúc mua bò giống đến nay, đàn bò của gia đình tôi đã sinh thêm 8 bê con và nhiều con đang có chửa. Ngoài ra, tôi cũng được huyện cho vay đầu tư tái thu hồi hơn 100 triệu đồng để chăn nuôi hơn 20 con hươu và hỗ trợ gần 70 triệu đồng để trồng cỏ.
Xây dựng thêm nhiều nhãn hiệu nhiều sản phẩm địa phương
Đồng chí Hạng Dương Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Quản Bạ, cho biết: Quan điểm của huyện, ngoài các cây, con chủ lực được lựa chọn để tái cơ cấu, thì tất cả những sản phẩm đặc trưng của Quản Bạ, các vùng có sản phẩm thế mạnh có thể nâng tầm thành hàng hóa; huyện tạo điều kiện hỗ trợ kiểm tra, đăng ký chất lượng, nhãn hiệu để xây dựng thương hiệu, đưa ra thị trường.
Với chủ trương và quan điểm trên, hiện nay, huyện Quản Bạ đã xây dựng được nhãn hiệu một số sản phẩm, như: Mật ong Bạc hà, dược liệu; rau an toàn Quyết Tiến; thịt lợn đen treo gác bếp; trà Mướp đắng, trà Nụ vối... được chứng nhận đảm bảo tiêu chuẩn, có thể truy xuất nguồn gốc từ các thiết bị di động thông minh. Riêng sản phẩm hồng không hạt Quản Bạ đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Chứng nhận Chỉ dẫn địa lý. Những sản phẩm này đã và đang khẳng định được thương hiệu đối với thực khách và du khách.
DUY TUẤN/baohagiang.vn