Diễn đàn Hợp tác kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long - Sóc Trăng 2014 Tìm giải pháp đẩy nhanh tái cơ cấu nông nghiệp
- Thứ ba - 04/11/2014 19:10
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Hiệu quả của "tái cơ cấu"
Năm 2005, trước thu nhập bấp bênh từ độc canh cây lúa, ông Triệu Công Đỉnh cùng một số hộ dân ở phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ quyết định tập trung vốn đầu tư, chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng màu. Kết quả của việc mạnh dạn "tái cơ cấu" này là hợp tác xã (HTX) sản xuất rau an toàn phường Long Tuyền ra đời.
Hiện nay HTX có 16 hộ tham gia, diện tích canh tác mở rộng hơn 30ha. Được chính quyền và ngành chức năng địa phương ủng hộ, toàn bộ diện tích canh tác của HTX đều có đê bao khép kín, hệ thống tưới tiêu được xây dựng hoàn chỉnh, xã viên được tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, tham gia tập huấn kỹ thuật… Sản phẩm của HTX đã được thị trường tin dùng, các siêu thị trên địa bàn đang xúc tiến ký kết hợp đồng bao tiêu. Nhờ sản xuất rau an toàn, mỗi héc-ta đất của HTX hằng năm cho doanh thu từ 350 - 400 triệu đồng; trừ các khoản chi phí, lợi nhuận khoảng 120 - 150 triệu đồng. Ông Đỉnh so sánh: "Một công đất (1000m2) trồng dưa hấu sẽ cho thu nhập cao hơn gấp 5 lần so với trồng lúa. Nếu cứ khư khư ôm cây lúa, không quyết tâm chuyển đổi cây trồng, chắc giờ đây chúng tôi đều nghèo, thậm chí có người bán đất, vào thành phố tìm việc làm thuê. Điều quan trọng là HTX của chúng tôi và các HTX trên địa bàn thành phố đã xây dựng được cơ chế liên kết trong sản xuất, cùng phát huy thế mạnh, tránh đầu tư sản xuất trùng lắp để hạn chế hiện tượng dồn hàng, bị thương lái ép giá".
Tái cơ cấu nông nghiệp được kỳ vọng giúp người nông dân nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm làm ra. |
Tái cơ cấu nông nghiệp - đòi hỏi cấp thiết
Những năm gần đây, nền nông nghiệp ĐBSCL đứng trước không ít khó khăn và thách thức. Là vùng trọng điểm về sản xuất lương thực, trái cây, nuôi trồng và chế biến thủy sản của cả nước, thế nhưng sự phát triển của ĐBSCL vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và nguồn lực vốn có; kinh tế phát triển chưa bền vững, chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh còn thấp.
Năm 2014, do giá lúa thiếu ổn định, nông dân ĐBSCL đã phải ngậm "quả đắng" thất bại khi chuyển dịch sang mô hình canh tác, sản xuất khác. Hầu như ở địa phương nào ở ĐBSCL cũng có sản phẩm do nông dân làm ra nhưng không tiêu thụ được hoặc tiêu thụ cầm chừng, nhỏ giọt với mức giá thấp đến khó chấp nhận. Ngoài hạt lúa, nổi bật là những sản phẩm nông nghiệp như: Thanh long, khoai lang tím, dưa hấu, bắp lai, đậu nành, ớt, rau màu các loại… Như vậy có thể thấy, "tái cơ cấu nông nghiệp" không đơn giản chỉ bằng mỗi việc thay đổi giống cây trồng, vật nuôi, biện pháp canh tác. Tái cơ cấu phải theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; người nông dân không phải tự lo tìm kiếm thị trường tiêu thụ, họ phải được định hướng, hỗ trợ vốn, kỹ thuật để làm ra sản phẩm có đủ sức cạnh tranh.
Công tác an sinh xã hội vẫn được xác định là một trong những mục tiêu quan trọng tại MDEC-Sóc Trăng 2014. Thông qua diễn đàn, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các địa phương huy động các nguồn lực giúp đỡ đối tượng nghèo, gia đình chính sách và đầu tư xây dựng những công trình phúc lợi xã hội. Trước khi MDEC-Sóc Trăng 2014 chính thức khai mạc, ngành ngân hàng đã xác nhận tài trợ an sinh xã hội năm 2014 cho vùng ĐBSCL hơn 385 tỷ đồng. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ vận động các ngân hàng ủng hộ kinh phí trong 3 năm (2014-2016) xây dựng Bệnh viện Đa khoa huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng quy mô 100 giường, tổng vốn đầu tư khoảng 120 tỷ đồng. |
Nhiều kỳ vọng từ diễn đàn
Với quyết tâm khẳng định định hướng tái cơ cấu nông nghiệp-xây dựng nông thôn mới cho vùng ĐBSCL, MDEC-Sóc Trăng 2014 có đến 10 hoạt động (gồm hoạt động chính và hoạt động kết hợp). Bám sát chủ đề chính, tiêu biểu có những hoạt động: Hội thảo tái cơ cấu nông nghiệp-xây dựng nông thôn mới thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL; hội thảo vai trò của ngân hàng trong việc tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; hội nghị xúc tiến thương mại, đầu tư nông nghiệp, nông thôn...
Hội thảo tái cơ cấu nông nghiệp-xây dựng nông thôn mới thích ứng với biến đổi khí hậu do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và UBND tỉnh Sóc Trăng đồng chủ trì. Theo ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hội thảo nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng lập và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch hành động về tái cơ cấu phát triển sản xuất nông nghiệp mà vấn đề liên kết, hợp tác sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản theo chuỗi là một trong những điểm nhấn quan trọng.
"MDEC-Sóc Trăng 2014 là sự kiện có quy mô lớn, thông qua diễn đàn, Sóc Trăng sẽ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch và đầu tư; hướng đến mục tiêu tăng cường hiệu quả hợp tác giữa các địa phương trong khu vực, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của toàn vùng"-ông Nguyễn Trung Hiếu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, Trưởng ban tổ chức MDEC-Sóc Trăng 2014 nói.
Ông Nguyễn Phong Quang, Phó trưởng ban Thường trực, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ khẳng định: MDEC kỳ này tập trung nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện những giải pháp, cơ chế, chính sách nhằm đẩy nhanh tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL; trao đổi, tập hợp sáng kiến, tìm kiếm giải pháp thúc đẩy liên kết vùng trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, nhất là những mặt hàng nông sản chủ lực của vùng như lúa gạo, thủy sản, cây ăn quả…
Bài, ảnh Hồng Hiếu
Nguồn qdnd.vn
Nguồn qdnd.vn