Doanh nghiệp, doanh nhân là hạt nhân trong tái cơ cấu nông nghiệp

Doanh nghiệp, doanh nhân là hạt nhân trong tái cơ cấu nông nghiệp
Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT, trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, nếu không có lực lượng doanh nghiệp (DN) làm hạt nhân, rường cột để cùng tổ chức lại sản xuất thì chúng ta không thể thành công.

Sản xuất nông nghiệp phát triển tầm cao mới

Nhìn lại 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, Bộ trưởng có tâm đắc với những kết quả đạt được của ngành nông nghiệp không?

- Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 26 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 khóa X cho thấy, đây là một nghị quyết rất trúng, rất đúng và đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Chính vì thế, nghị quyết triển khai đi vào cuộc sống được sự đồng tình ủng hộ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

 doanh nghiep, doanh nhan la hat nhan trong tai co cau nong nghiep hinh anh 1

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường (trái) thăm vườn vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP tại thôn Ngọt, xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang). Ảnh: T.L

"Điều đáng mừng, trong giai đoạn vừa qua, bằng cơ chế chính sách, bằng sự chỉ đạo quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp đã quan tâm nhiều hơn tới nông nghiệp. Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Việt Nam đã tập trung, ưu tiên vào khu vực nông nghiệp”.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT
Nguyễn Xuân Cường

Do đó đã tạo ra được một bước ngoặt trong lĩnh vực nông nghiệp, thứ nhất về nhận thức, chúng ta nhận thức rất trúng, đúng về vai trò, vị thế mới của người nông dân, vai trò của nông nghiệp và vấn đề xây dựng nông thôn mới.

Thứ hai, từ nhận thức đúng đã chuyển thành sự chỉ đạo quyết liệt, cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương. Chính sự chỉ đạo tích cực đó đã lan tỏa đến các cộng đồng, các thành phần kinh tế xã hội, tạo ra một nguồn lực chung.

Thứ ba, tổng huy động được nguồn lực bằng các cơ chế chính sách và hoàn thiện thể chế giai đoạn vừa qua. Ví dụ như về thể chế, trong 10 năm qua, chúng ta đã hoàn thiện được những bộ luật cơ bản như: Luật Đất đai 2013, Luật HTX 2012, riêng luật chuyên ngành, đã có 9 bộ luật hình thành trong giai đoạn này, đó là một khối lượng công việc khổng lồ.

Chỉ riêng chương trình xây dựng nông thôn mới, chúng ta đã đầu tư khoảng 1,7 triệu tỷ đồng trong vòng 7 năm, trong đó ngân sách nhà nước chiếm 28%, cho thấy chúng ta đã dồn được nguồn lực vào khu vực này.

Từ những điều trên cho thấy, sản xuất nông nghiệp tiếp tục được củng cố, phát triển lên một tầm cao mới, thể hiện qua những trụ cột của tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp.

Việt Nam tiếp tục trở thành một trong những quốc gia có sức sản xuất nông nghiệp lớn, đáp ứng cho nhu cầu cho 100 triệu dân, trở thành nước xuất khẩu nông sản thứ 15 trên thế giới. Hàng nông sản Việt Nam đã đến được 180 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Bên cạnh đó, trục sản phẩm cấp quốc gia được củng cố theo hướng hiện đại, liên kết rõ hơn, trục sản phẩm cấp tỉnh ngày càng ý thức tổ chức liên kết chặt chẽ, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Ví dụ vải thiều Bắc Giang, nhãn Hưng Yên…, một loạt sản phẩm cấp địa phương, tỉnh, thành đều được tổ chức trên một nền tảng ứng dụng khoa học công nghệ, tổ chức chặt chẽ, gắn từ vùng nguyên liệu đến chế biến và tổ chức thương mại... Thủ tướng Chính phủ đã coi đây là một chương trình chung của quốc gia gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới.

Về thu nhập của nông dân, mục tiêu của nghị quyết đề ra, trong 10 năm tăng 2,5 lần mức thu nhập của nông dân vùng nông thôn. Lúc đó, bình quân thu nhập người nông thôn là 9,1 triệu đồng/người, tới năm 2017 đã đạt 32 triệu đồng/người, tăng 3,6 lần, vượt mục tiêu đề ra.

Trong xây dựng nông thôn mới, mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 phải đạt 50% số xã, khả năng đến năm 2019 chúng ta sẽ đạt được mục tiêu 50% số xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới.

Các DN quan tâm hơn tới nông nghiệp

Trong giai đoạn tới, ngành nông nghiệp sẽ làm gì để hiện đại hóa ngành nông nghiệp, thưa ông?

- Quan trọng nhất là giai đoạn tới, chúng ta phải xác định được cơ hội và thách thức. Cơ hội lớn là những kết quả nền tảng trong giai đoạn vừa qua, là tiền đề tốt, hội nhập kinh tế vào đời sống toàn cầu rất tốt.

Thứ hai, hiện nay tiến bộ khoa học công nghệ thời đại 4.0 đã mở ra một triển vọng cho phát triển kinh tế nói chung, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp, đây là cơ hội tốt để nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam tiếp tục phát triển trong quá trình công nghiệp hóa kinh tế đất nước.

Tuy nhiên, chúng ta phải xác định trước là cũng có nhiều thách thức. Thách thức lớn nhất là phải tổ chức thật nhanh, thật hiệu quả nền sản xuất nhỏ, quy mô hộ thành liên kết sản xuất lớn, không có yếu tố này sẽ không thể thành công được.

Thách thức thứ hai là biến đổi khí hậu, càng ngày càng thấy rõ mặt trái của biến đổi khí hậu tác động cực đoan đến thời tiết, khí hậu Việt Nam. Trong đó, có vùng nông nghiệp, nông dân, nông thôn ngày càng cực đoan, khốc liệt.

Hội nhập cũng mang lại mặt trái, nếu chúng ta không cố gắng thì sẽ thua trên sân nhà, mất thị trường ở ngay sân nhà. Chúng ta cần xác định vai trò của nông dân, nông nghiệp và nông thôn vẫn rất quan trọng trong lộ trình công nghiệp hóa đất nước.

Muốn sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa thì phải thu hút thêm DN đầu tư vào nông nghiệp. Bộ NNPTNT đã có giải pháp gì cho vấn đề này, thưa ông?

- Trong tái cơ cấu nông nghiệp, nếu không có DN làm hạt nhân, rường cột để cùng tổ chức lại thì chúng ta không thể thành công. Điều đáng mừng, trong giai đoạn vừa qua, bằng cơ chế chính sách, bằng sự chỉ đạo quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các DN đã quan tâm nhiều hơn tới nông nghiệp. Nhiều DN, tập đoàn lớn đã tập trung, ưu tiên vào khu vực nông nghiệp.

Đây là tín hiệu rất tốt, cùng với tín hiệu này, Bộ NNPTNT đã hoàn thiện các cơ chế, chính sách như: Nghị định 57 thay Nghị định 210, Nghị định 98, sửa tiếp Nghị định 55 về công tác tín dụng… cùng với đó là một loạt nút thắt cần tháo gỡ tiếp.

Trên cơ sở đó, ngành nông nghiệp thu hút thêm nhiều hơn DN, ưu tiên DN vùng dân tộc, đặc thù vùng miền để liên kết bà con nông dân, liên kết với các HTX để phát huy tiềm năng lợi thế, đưa sự nghiệp nông nghiệp, nông dân, nông thôn tiếp tục phát triển.

Ngành nông nghiệp đang đặt mục tiêu đến năm 2020 có 15.000 HTX để đẩy mạnh liên kết, gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản. Liên kết giúp nâng cao lợi ích của các tác nhân tham gia, đặc biệt đối với nông dân; hạn chế tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, tăng quy mô sản xuất hàng hóa… Việc này đòi hỏi có sự đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, DN và các hộ nông dân. Tái cơ cấu sản xuất thông qua hình thức liên kết, hình thành HTX kiểu mới để tăng năng lực sản xuất là con đường “an sinh kinh tế”.

Xin cảm ơn ông!

Theo Đình Thắng/danviet.vn