Gần 165 tỷ đồng cho tái cơ cấu ngành thủy sản giai đoạn 2017-2020

Gần 165 tỷ đồng cho tái cơ cấu ngành thủy sản giai đoạn 2017-2020
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa phê duyệt Kế hoạch chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ tái cơ cấu ngành thủy sản giai đoạn 2017-2020.
 
Thu mua cá ngừ đại dương. (Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN)


Tổng kinh phí thực hiện trong giai đoạn này là 164,8 tỷ đồng; trong đó, ngân sách nhà nước là 81,3 tỷ đồng, còn lại 83,5 tỷ đồng từ các nguồn khác.

Mục tiêu của kế hoạch là nhằm thúc đẩy các hoạt động chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ vào các lĩnh vực khai thác, bảo quản sản phẩm trên tàu cá và nuôi trồng thủy sản để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; giảm tổn thất sau thu hoạch và phát triển bền vững ngành thủy sản.

Cụ thể, tạo được cơ sở dữ liệu khoa học công nghệ và kênh thông tin kết nối, huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân để phát triển thị trường khoa học công nghệ, thực hiện giao dịch, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến để tăng năng suất, hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Thúc đẩy, công nhận và phát hành rộng rãi tối thiểu 12 tiến bộ kỹ thuật (5 tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực khai thác thủy sản và 7 tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản) để nâng cao hiệu quả khai thác (tăng trên 25% so với hiện tại), giảm tổn thất sau thu hoạch (giảm trên 20% so với hiện tại) các đối tượng khai thác chủ lực như cá ngừ đại dương, mực, cá nổi lớn và cá nổi nhỏ trên tàu cá nghề lưới vây, lưới rê, lưới chụp và nghề câu.

Nâng cao chất lượng giống, năng suất nuôi và chất lượng sản phẩm các đối tượng nuôi chủ lực và đặc sản: cá tra, tôm nước lợ, nhuyễn thể, các rô phi và tôm hùm.

Xây dựng tối thiểu được 40 mô hình trình diễn ứng dụng khoa học công nghệ gắn với mô hình hợp tác xã và tổ hợp tác đạt hiệu quả kinh tế tăng trên 25% so với mô hình sản xuất truyền thống; Tối thiểu 1.500 tổ chức, cá nhân được đào tạo, tập huấn các kỹ thuật, kỹ năng để ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong khai thác và nuôi trồng các đối tượng chủ lực, đặc sản vào thực tế sản xuất…

Các giải pháp thực hiện gồm tập trung nguồn lực cho chuyển giao khoa học công nghệ trọng yếu gắn với tái cơ cấu ngành thủy sản và xây dựng nông thôn mới thông qua việc sắp xếp, điều phối các chương trình nghiên cứu khoa học cấp quốc gia, cấp Bộ; dự án khuyến ngư, xây dựng nông thôn mới… do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý.

Bên cạnh đó, các địa phương xây dựng kế hoạch chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ riêng cho địa phương theo định hướng chung của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Đặt hàng các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học công nghệ để tạo ra các sản phẩm khoa học công nghệ trọng tâm nêu trong Kế hoạch.

Thực hiện khảo sát, tổng kết các kinh nghiệm, mô hình sản xuất tiên tiến trong thực tế để xây dựng thành các tiến bộ kỹ thuật phục vụ việc chuyển giao, ứng dụng, nhân rộng trong thực tế, đồng thời tổ chức lại sản xuất theo hướng lấy thị trường đầu ra làm trọng tâm, với quy mô phù hợp theo hướng liên kết chuỗi để thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ và thực tế sản xuất…/. 

 

(Nguồn tin:TTXVN/VN+)