Gắn kết để có hiệu quả từ tái cơ cấu nông nghiệp

Sau gần 2 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu, ngành Nông nghiệp đã đạt được nhiều thành tựu trong tăng trưởng. Tuy nhiên, những kết quả này chưa thực sự vững chắc do thiếu sự gắn kết của bộ, ngành, địa phương.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhận định: Để thấy rõ được chuyển biến từ Đề án tái cơ cấu nông nghiệp cần có sự thay đổi và nhận thức đúng đắn từ tư duy của lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương. Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Trong cuộc họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo liên ngành về tái cơ cấu nông nghiệp được tổ chức hôm nay (19/5), Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhận định: Để thấy rõ được chuyển biến từ Đề án tái cơ cấu nông nghiệp cần có sự thay đổi và nhận thức đúng đắn từ tư duy của lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương.

Trước hết, cần khẳng định, sản xuất nông nghiệp đã thay đổi căn bản, bởi sau nhiều năm tự cung tự cấp, nông nghiệp đã trở thành ngành sản xuất hàng hóa; từ việc hầu như chỉ cung cấp cho một thị trường (chủ yếu là Trung Quốc), nay đã đa dạng hóa thị trường, từ Hoa Kỳ, EU đến Nhật Bản, Hàn Quốc... và nhiều nước khác trên thế giới.

Tuy vậy, phát triển ngành Nông nghiệp còn nhiều nhược điểm, hiệu quả chưa cao, tính cạnh tranh còn thấp. Quan trọng nhất là nông dân chưa làm giàu được.

Vì vậy, cần xác định thị trường là yếu tố quan trọng. Cùng với đó phải đẩy mạnh việc tìm hiểu luật pháp, đặc biệt là các luật về thương mại cho người dân và doanh nghiệp. Trước yêu cầu của hội nhập, người dân và doanh nghiệp cần tiếp cận mạnh mẽ hơn nữa về luật, không chỉ luật trong nước, mà còn cần nghiên cứu luật của bạn hàng ở những nước nhập khẩu.

“Hiện nay thị trường tài chính cũng chưa đáp ứng được nhu cầu của sản xuất nông nghiệp. Ngân hàng nói đã ưu đãi vốn vay, nhưng đến bà con vẫn cho biết không tiếp cận được. Trong khi đó, tôi có nghe báo cáo: Trong các đối tượng nợ thì nông dân vẫn là những người trả nợ tốt nhất”, Phó Thủ tướng băn khoăn.

Bàn về hoạt động của Ban Chỉ đạo liên ngành trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu phải triển khai mạnh mẽ việc tuyên truyền. Phạm vi triển khai chương trình phải từ cấp xã trở lên, lấy nông dân làm đối tượng chính. Địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân và doanh nghiệp về sức ép cạnh tranh trong thời gian tới để có động lực phải tự liên kết thay đổi quan hệ sản xuất.

Công tác thị trường phải được quan tâm hơn, đặc biệt là sự cạnh tranh và những cơ hội thị trường sắp tới mở ra. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa để nâng cao năng lực dự báo, thông tin cho dân biết để định hướng sản xuất.

Bên cạnh đó cần có cách mạng khoa học công nghệ trong nông nghiệp, đặc biệt là trong khâu giống. Phó Thủ tướng nhận định: “Cần đẩy mạnh chế biến sâu trong sản xuất nông nghiệp, nên tập trung vào những sản phẩm có lợi thế để tăng tỷ lệ chế biến. Chỉ có chế biến sâu, quy mô lớn, chúng ta mới thực sự làm chủ các sản phẩm nông sản”.

Tại cuộc họp này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết: Đến nay đã có 24 quy hoạch phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp, trong đó có 17 quy hoạch trên phạm vi cả nước, 7 quy hoạch vùng, khu vực, địa bàn cụ thể.

Đặc biệt, thông qua việc thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp đã hoàn thành quy hoạch khu, vùng nông nghiệp công nghệ cao trên cả nước.

Kết quả bước đầu của Đề án đã góp phần quan trọng vào kết quả sản xuất, kinh doanh của toàn ngành. Năm 2014, giá trị sản xuất toàn ngành đã tăng 3,9%, tốc độ tăng GDP của ngành cũng đạt 3,49% - vượt mục tiêu Chính phủ đề ra là 3,27%.

Tuy vậy, việc triển khai thực hiện Đề án vẫn chưa đồng bộ. Nhiều địa phương, đơn vị chưa thực sự quan tâm, triển khai chậm, thậm chí còn lúng túng. Đến nay còn 27 tỉnh, thành phố chưa phê duyệt Đề án, hoặc kế hoạch hành động cho tái cơ cấu nông nghiệp tại địa phương mình.

Thu hút đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài và các nguồn lực xã hội vào thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp còn hạn chế. Cùng với đó, đổi mới và phát triển các hình thức sản xuất còn chậm, khả năng cạnh tranh của nhiều loại nông sản thấp và việc kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều bất cập. Đặc biệt, thu nhập và đời sống của một bộ phận người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao...

Bộ trưởng Cao Đức Phát thẳng thắn nhìn nhận: “Kết quả tái cơ cấu trong thực tiễn chưa có chuyển biến rõ, tăng trưởng ngành chưa vững chắc. Điển hình ngay trong quý I năm nay, khi thị trường biến động thì tăng trưởng ngành lập tức xuống mức thấp nhất trong quý I của 3 năm gần đây”.

Theo: chinhphu.vn