Gia Lai: Thoát nghèo nhờ các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển nông nghiệp

Tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể qua các năm, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, phong tục, tập quán canh tác được thay đổi đã tạo tiền đề và nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế-xã hội... đó là kết quả sau 5 năm thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển nông nghiệp trên địa bàn huyện Chư Pah.
Mô hình làm chuồng bò của gia đình anh Rơ Châm Ônh

Thực hiện nhiều chương trình, dự án

Trong 5 năm qua, huyện Chư Pah đã triển khai lồng ghép và phát huy có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn, với tổng kinh phí gần 6 tỷ đồng, như: đề án nâng cao năng suất một số cây trồng vật nuôi chủ yếu; dự án hỗ trợ 14 thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn; dự án ứng dụng khoa học công nghệ và các chương trình khuyến nông…

Để triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ cho người nghèo từ ngân sách nhà nước được thuận lợi, hiệu quả, các cấp chính quyền huyện, xã và cơ quan hữu trách đã sớm xét chọn các hộ gia đình đúng đối tượng, đủ các điều kiện ngay từ cơ sở để tham gia mô hình. Nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ xây dựng mô hình được công khai, minh bạch rõ ràng. Vật tư nông nghiệp, xây dựng hỗ trợ cho người dân được đảm bảo chất lượng, đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng. 100% số hộ được lựa chọn thực hiện mô hình chăn nuôi, trồng trọt theo đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Các mô hình được xây dựng, triển khai kịp thời, đảm bảo đúng tiến độ kế hoạch đề ra. Công tác tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng bệnh cho cây trồng vật nuôi và sử dụng máy móc nông nghiệp được triển khai kịp thời, tập huấn đầy đủ, phù hợp với trình độ của người dân và dễ dàng áp dụng vào thực tiễn.

Từ đó, huyện Chư Pah đã xây dựng được 56 mô hình khuyến nông, 9 mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ cho 323 hộ gia đình thực hiện xây dựng các mô hình phát triển sản xuất. Hỗ trợ vật tư nông nghiệp cho 761 hộ đồng bào dân tộc thiểu số được thụ hưởng theo dự án 14 thôn, làng đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp với các ban ngành chuyên môn mở 42 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho gần 1.700 tham gia…

Những kết quả phấn khởi

Gia đình anh Rơ Châm Ônh-làng Krái, thị trấn Phú Hòa có nuôi 5 con bò. Trước đây, anh cho bò nghỉ ở nền đất trũng, không có chuồng, có mái che, vì thế đàn bò của anh cứ bị bệnh, èo uột mãi không lớn nổi. Từ khi được chính quyền hỗ trợ kinh phí, hướng dẫn làm chuồng bò với kinh phí 5 triệu đồng, đến nay, đàn bò của anh đã phát triển tốt, không sợ bị lún đất, ẩm thấp khi trời mưa. Ngoài việc biết cách làm chuồng, chăm sóc bò, gia đình anh Ônh còn đi vận động bà con trong làng cùng làm chuồng cho bò, chăm sóc bò theo đúng kỹ thuật. Anh Ônh chia sẻ: “Ngày trước mình hay nhốt bò ở ngoài trời, bò bị bệnh chết cũng có. Nhưng khi được chính quyền địa phương hỗ trợ làm chuồng cho bò, mình thấy đàn bò mình khỏe mạnh, béo tốt, không lo bị bệnh do phải chịu nắng mưa nữa. Mình vui mừng lắm”.

Gia đình ông Rơ Châm Chooch-xã Ia Khươl được huyện hỗ trợ làm chuồng bò, trồng cỏ VA.06, thay giống cỏ kém năng suất. Sau 5 tháng trồng cỏ, đến nay, gia đình ông Chooch đã thu hoạch đến lần thứ 3 trên mảnh đất 5 sào của mình. Tính hết chi phí, gia đình ông thu lợi nhuận được gần 20 triệu đồng. Nhờ đó, gia đình đã từng bước thoát nghèo.

Không chỉ vui mừng như gia đình anh Ônh, ông Chooch, nhiều gia đình khác như: gia đình ông Rơ Châm Thanh-xã Ia Nhin với mô hình trồng cây ăn quả trong vườn tạp; gia đình ông Rơ Châm Xuân với mô hình cải tạo vườn cà phê kém hiệu quả; gia đình ông Rơ Châm Yet-xã Ia Phí với mô hình trồng lúa năng suất cao; gia đình ông Trần Văn Hồng-thị trấn Ia Ly với mô hình chăn nuôi hươu sao; gia đình ông Nguyễn Thông với mô hình nuôi cá nước ngọt… các mô hình này đã cho thu nhập 50-70 triệu đồng/năm. Trên 85% mô hình đã được các hộ gia đình duy trì, phát triển, mở rộng quy mô sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao. Các hộ dân đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số đã từng bước xóa đói giảm nghèo. Có 195 hộ thoát nghèo, chiếm 25,6% tổng số hộ thụ hưởng dự án. Các hộ gia đình khi tham gia các mô hình đều nắm vững quy trình, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, phòng trừ bệnh, lựa chọn giống cây trồng vật nuôi và biết tích lũy vốn để tái đầu tư, mở rộng diện tích, quy mô sản xuất.

Ông Đặng Anh Tuấn-Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chư Pah cho biết: “Sau 5 năm thực hiện chương trình, dự án nông nghiệp trên địa bàn huyện, diện tích, năng suất cây trồng chủ lực của huyện năm sau đều cao hơn năm trước. Đời sống nhân dân được nâng lên đáng kể. Tính đến cuối năm 2015, thu nhập bình quân đầu người đạt 27,33 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 12,8%. Thời gian đến, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan chuyên môn tăng cường tuyên truyền, vận động, khuyến cáo người dân lựa chọn các loại giống cây trồng, vật nuôi chất lượng tốt, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào trồng trọt, chăn nuôi và tiếp tục khảo sát, lập đề án đầu tư hỗ trợ sản xuất cho các hộ nghèo người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn”.

Nguồn: báo Gia Lai