Giá lợn 'nhảy múa' và cơ hội tái cơ cấu ngành chăn nuôi
- Thứ năm - 03/08/2017 10:25
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Thời gian qua, có dịp theo Quốc lộ 1 từ TP Hồ Chí Minh xuôi về miền Tây Nam Bộ, qua địa bàn xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy, mọi người không khỏi ngỡ ngàng khi thấy những quầy thịt lợn giá rẻ san sát nhau bên đường. Thịt lợn bán 100.000 đồng/3 kg. Sườn ngon nhất giá chỉ 50.000 đồng/kg. Ai mua số lượng nhiều giá còn hạ hơn nữa. Đây là cách các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tự làm thịt lợn bán vớt vát phần nào chi phí trước cơn lốc giá lợn hơi tuột dốc không phanh, có thời điểm giá lợn hơi chỉ còn 20.000 đồng/kg khiến người nuôi thua lỗ nặng.
Không chỉ tại Mỹ Thành Nam, ở thị xã Cai Lậy, thành phố Mỹ Tho hay huyện Chợ Gạo, Châu Thành… đều có những quầy thịt lợn giá rẻ. Tuy nhiên, đối với tỉnh có tổng đàn lợn trên nửa triệu con như Tiền Giang thì việc tự sản, tự tiêu chỉ là giải pháp tạm thời, thiếu căn cơ mà người chăn nuôi bất khả kháng phải lựa chọn bởi trước mắt chưa có cách nào hay hơn.
Những ngày gần đây, giá lợn hơi có hồi phục nhưng không ngớt nhảy múa, khi vọt lên 45.000 đồng/kg, lúc xuống còn 30.000 - 35.000 đ/kg. Ai cũng hồi hộp mà nhất là các nông hộ chăn nuôi lợn. Tuy vậy, cơn lốc giá lợn hơi “nhảy múa” cũng là dịp để ngành chức năng tỉnh nhà nhìn lại thực trạng chăn nuôi vừa qua; những hạn chế, khiếm khuyết của phương pháp chăn nuôi nhỏ lẻ. Trên cơ sở đó, có giải pháp tái cơ cấu lại ngành chăn nuôi lợn theo hướng bền vững, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Theo ông Cao Văn Hóa, Quyền Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, ngành chăn nuôi lợn có truyền thống lâu đời ở Tiền Giang, mang lại sinh kế đáng kể cho người nông dân, giúp bà con ổn định và nâng cao mức sống. Trong những năm qua, ngành chăn nuôi Tiền Giang đạt tăng trưởng bình quân 6,75%/ năm.
Toàn tỉnh có 42.668 cơ sở chăn nuôi lợn trong đó chăn nuôi hộ gia đình chiếm tỉ lệ 94,32%, tương đương 40.265 hộ với số lượng đầu lợn chiếm đến 58% tổng đàn. Tuy vậy, cơ sở chăn nuôi lợn có qui mô từ 50 con/cơ sở trở lên chỉ chiếm 5,68%, tương đương 2.423 cơ sở. Trong số kể trên chỉ có 36 cơ sở chăn nuôi lợn tập trung với qui mô trên 26.000 con, chiếm 4,2% tổng đàn và 0,08% tổng số hộ chăn nuôi lợn trong tỉnh. Điều này cho thấy ngành chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Tiền Giang rất nhỏ lẻ nên khó cạnh tranh và dễ gặp rủi ro trong cơ chế thị trường.
Ông Cao Văn Hóa cho biết, đã đến lúc phải thay đổi tư duy kinh tế trong chăn nuôi lợn ngay từ phạm vi hộ nông dân. Thời gian tới, chăn nuôi lợn kiểu nhỏ lẻ, không truy xuất được nguồn gốc, không quản lý tốt chất cấm, không đảm bảo an toàn… sẽ khó có đất sống. Ông Hóa cho rằng, cần thiết nhất là tổ chức lại chăn nuôi lợn theo hướng GAP, truy xuất được nguồn gốc, đảm bảo an toàn, hình thành các tổ hợp tác và hợp tác xã chăn nuôi gắn kết chuỗi giá trị, giải quyết tốt đầu ra cho nông sản hàng hóa.
Bà Nguyễn Thị Mến, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tỉnh Tiền Giang cho biết, hạn chế lớn nhất của ngành chăn nuôi lợn Tiền Giang là chăn nuôi nhỏ lẻ, kiểu bỏ ống. Từ đó, đưa đến hậu quả nông dân ít chú trọng kỹ thuật thâm canh, tỉ lệ tiêu tốn thức ăn lớn nhưng tăng trọng không tương xứng, giá thành sản xuất quá cao trong khi đầu ra lại hết sức bấp bênh, lệ thuộc quá nhiều vào nhu cầu thị trường. Vô hình trung giúp một bộ phận hộ và tiểu thương tham gia vào khâu phân phối hưởng lợi lớn trong khi người nuôi đầu tắt mặt tối thì thua lỗ nặng nề, đời sống khó khăn.
Để tháo gỡ và cụ thể hóa chủ trương tái cơ cấu ngành chăn nuôi lợn trước mục tiêu và yêu cầu tiếp tục phát triển bền vững, theo bà Mến, cần thiết nhất phải liên kết sản xuất theo hình thức tổ hợp tác và hợp tác xã. Qua đó, chuyển giao quy trình sản xuất hướng VietGAP, GlobalGAP, gắn kết chuỗi giá trị nhằm xây dựng thương hiệu hàng hóa, cho ra sản phẩm an toàn và truy xuất được nguồn gốc, giải quyết đầu ra ổn định, người nông dân hưởng lợi.
Hiện nay, toàn tỉnh đã thành lập được 29 tổ hợp tác và 3 hợp tác xã trên lĩnh vực chăn nuôi chưa kể các doanh nghiệp chăn nuôi; trong đó, có 3 cơ sở chăn nuôi đạt tiêu chí VietGAP: Tổ hợp tác chăn nuôi lợn xã Thới Sơn (TP Mỹ Tho), Công ty Chăn nuôi Tiền Giang và Hợp tác xã chăn nuôi - thủy sản Gò Công.
Theo bà Mến, trên địa bàn đang xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế. Đơn cử như: Tổ hợp tác chăn nuôi lợn xã Thới Sơn chăn nuôi theo qui trình VietGAP trong thời điểm hiện nay vẫn đang thu mua, tiêu thụ lợn hơi cho xã viên với giá ổn định, xã viên có lãi trước tình hình khó khăn hiện thời.
Tổ hợp tác chăn nuôi Thọ Thủy (xã Dưỡng Điềm, huyện Châu Thành) áp dụng qui trình sản xuất thống nhất từ con giống tốt, đạt chuẩn đến qui trình chăn nuôi khoa học để giảm giá thành sản xuất, bao tiêu sản phẩm với giá có lợi nhất. Với cách làm như thế mang lại kết quả bước đầu rất khả quan. Bình quân một tạ lợn hơi chỉ tốn từ 6,5 bao đến 7 bao thức ăn; giảm hơn mức bình thường khoảng 1,5 bao thức ăn; giá thành mỗi tạ lợn hơi chăn nuôi trong tổ chỉ còn 2,5 - 2,7 triệu đồng/tạ, giảm 500.000 đến 1 triệu đồng/tạ so với hộ nuôi bên ngoài.
Ngoài ra, Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam (Khu công nghiệp Mỹ Tho) còn xây dựng được 14 mô hình chăn nuôi liên kết chăn nuôi lợn với hộ dân, qui mô khoảng 2.200 con lợn, tập trung tại hai địa bàn trọng điểm là Tân Phước và Chợ Gạo. Rõ ràng, đây là những mô hình tốt, cách làm hay cần được nhân rộng.
Ông Cao Văn Hóa đánh giá, phải nhìn nhận thực tế rằng cần áp dụng khoa học kỹ thuật chăn nuôi theo hướng an toàn, truy xuất nguồn gốc, liên kết chuỗi giá trị nhằm bảo đảm đầu ra cho nông sản cùng với giảm giá thành, nâng cao hiệu quả. Nghĩa là, ngay từ bây giờ, ngành chăn nuôi lợn cần có những bước đi phù hợp trào lưu hội nhập cũng như nhu cầu thị trường.
Còn ông Ngô Văn Tuấn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang cho biết, trong tháng 7/2017 vừa qua, lãnh đạo liên ngành công thương và nông nghiệp tỉnh Tiền Giang đã có chuyến đi làm việc, khảo sát thị trường, tìm đầu ra cho con lợn hơi tỉnh Tiền Giang tại một số địa phương như: Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai… Đây là những thị trường tiêu thụ quan trọng của địa phương, nhu cầu thịt lợn tiêu dùng nội địa rất lớn.
Qua các buổi tìm kiếm đối tác, thị trường, ông Tuấn cho rằng sắp tới lợn không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn, không truy xuất được nguồn gốc không được nhập vào Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh khác. Nghĩa là, nghề chăn nuôi lợn hơi qui mô nhỏ lẻ, hộ sản xuất - hình thức chăn nuôi rất phổ biến ở Tiền Giang, sẽ khó phát triển trước các rào cản về thị trường tiêu thụ nếu không tự điều chỉnh cho phù hợp xu thế mới.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cùng với Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh đã có thỏa thuận hợp tác quản lý an toàn thực phẩm với các nội dung thiết thực: Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, nâng cao hiệu lực kiểm tra chất lượng sản phẩm, giám sát việc vận chuyển và tiêu thụ nông sản, thực phẩm.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh hỗ trợ sản xuất tiêu thụ, phát triển các kênh phân phối, mở rộng thị trường đối với thực phẩm an toàn, có truy xuất nguồn gốc của các địa phương tại thị trường Thành phố Hồ Chí Minh. Thỏa thuận hợp tác này mở ra một chân trời mới cho nông sản hàng hóa chủ lực tỉnh Tiền Giang đặc biệt thúc đầy ngành chăn nuôi lợn đổi mới mạnh mẽ để hội nhập.
Theo Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, định hướng năm 2030, tỉnh có kế hoạch phát triển tổng đàn lợn hơi từ mức khoảng nửa triệu con năm 2017 lên 640.000 con vào năm 2025 và 707.000 con vào năm 2030.
Trước những biến động trên thị trường tiêu thụ lợn vừa qua, tỉnh đang nỗ lực biến khó khăn thành cơ hội nhằm thực hiện thành công chủ trương tái cơ cấu ngành chăn nuôi lợn mà trọng tâm là khắc phục tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ nông hộ, hình thành các tổ hợp tác và hợp tác xã chăn nuôi lớn hoặc mô hình trang trại chăn nuôi qui mô, liên kết theo chuỗi giá trị, an toàn và truy xuất nguồn gốc, quy hoạch các khu chăn nuôi tập trung.
Theo Min Trí/TTXVN