Giải bài toán phát triển nông nghiệp bền vững tại Việt Nam

Giải bài toán phát triển nông nghiệp bền vững tại Việt Nam
Để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp Việt Nam theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, cần phải có sự đột phá về cơ chế, từ đó nông nghiệp có thể phát triển trên quy mô lớn hơn, gắn với chuỗi giá trị và khả năng hấp thụ vốn, công nghệ.

 

Giải bài toán phát triển nông nghiệp bền vững tại Việt Nam

Nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của Việt Nam. Nguồn: internet

Vẫn đang đối mặt với khó khăn

Nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của Việt Nam, với 67,8% dân số hiện nay vẫn đang sinh sống và làm việc tại nông thôn. Nông nghiệp đóng góp tỷ lệ tới 20% GDP của Việt Nam và chiếm tới 1/4 doanh thu xuất khẩu quốc gia, tạo việc làm cho một nửa lao động trong thời gian qua. Trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nông nghiệp vẫn tăng cả về số lượng và giá trị, là ngành duy nhất xuất siêu, ổn định cán cân thương mại. Các sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp của Việt Nam có mặt trên 128 quốc gia, lãnh thổ trên thế giới. Nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam đứng top đầu thế giới, như: cà phê, cà su, hạt tiêu…

Tuy nhiên, ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong quá trình phát triển, như: tổ chức sản xuất còn phân tán, manh mún; ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp chưa cao; nông nghiệp còn chịu nhiều rủi ro; sự tham gia phát triển thị trường còn nhiều hạn chế, chưa nâng cao vị thế của mình trên thị trường thế giới, trong các mắt xích tạo nên giá trị kinh doanh cao nhất, các mặt hàng nhập khẩu hiện nay đang phụ thuộc vào các nước khác… Vì vậy, nền nông nghiệp Việt Nam phát triển chưa bền vững.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 6 tháng đầu năm 2014, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản nói chung đạt 14,67 tỷ USD, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2013. Tuy nhiên, giá trị nhập khẩu toàn ngành trong nông nghiệp 6 tháng vừa qua, đã lên tới 10,4 tỷ USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Điều này đồng nghĩa với việc, tăng trưởng nhập khẩu đã vượt tăng trưởng xuất khẩu trong nông nghiệp. Các sản phẩm mà chúng ta đang phải nhập khẩu ngoài phân bón, thuốc trừ sâu còn có cao su, thủy sản, gỗ và sản phẩm từ gỗ…

Cần những cơ chế, chính sách ưu đãi

Mặc dù đã có sự đổi mới mạnh mẽ trong cơ chế, chính sách cho phát triển nông nghiệp, song để nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, cơ chế, chính sách đất đai. Quy hoạch đất đai nông nghiệp ổn định, đồng bộ với quy hoạch dịch vụ, tổ chức khoa học và công nghệ, thương mại, công nghiệp chế biến... thành những cụm công - nông nghiệp. Giao đất lâu dài cho nông dân, từ 50-70 năm. Thúc đẩy mạnh mẽ tích tụ và tập trung ruộng đất để phát triển mô hình nông nghiệp hiện đại, tập trung quy mô lớn ở những vùng công nghiệp hóa và đô thị hóa mạnh, lao động đã rút đáng kể ra khỏi nông nghiệp. Thúc đẩy mạnh nông dân tự nguyện dồn điền đổi thửa, tích tụ và tập trung ruộng đất thành cánh đồng mẫu lớn. Cần có quy định công nhận đơn vị sản xuất hộ nông dân, kinh tế nông trại, hạn chế việc có quyền sử dụng đất nhưng không trực tiếp sản xuất mà “phát canh thu tô”.

Hai là, cơ chế, chính sách đầu tư cho nông nghiệp và hỗ trợ nông dân. Đầu tư của doanh nghiệp trong nước cần được khuyến khích trên cơ sở phát triển chuỗi nông nghiệp hiện đại, gắn với nông dân, hình thành liên kết chuỗi giữa nông dân và doanh nghiệp, xây dựng quản trị bền vững toàn chuỗi về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, logistics, thương hiệu… Nghiên cứu áp dụng chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi đối với các doanh nghiệp chế biến 100% nguyên liệu nông sản trong nước. Tiếp tục thực hiện thí điểm bảo hiểm trong nông nghiệp theo Quyết định 315/QĐ-TTg ngày 01/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ; tổng kết, rút kinh nghiệm để triển khai chính thức bảo hiểm nông nghiệp trên diện rộng đối với các đối tượng, các ngành hàng, không chỉ đối với các hộ nông dân nghèo, cận nghèo. Bổ sung, sửa đổi chính sách hỗ trợ nhằm giảm thiểu tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản.

Ba là, cơ chế, chính sách phát triển chuỗi ngành hàng nông sản. Khuyến khích doanh nghiệp Việt phân phối trực tiếp ở các chuỗi siêu thị quốc tế, đa dạng sản phẩm, đa dạng thị trường, thúc đẩy đầu tư ở phân khúc giá trị cao, chất lượng tốt, hạn chế xuất khẩu thô. Với thị trường trong nước, tăng cường quản lý thị trường theo hướng minh bạch chất lượng theo truy suất nguồn gốc, sở hữu trí tuệ. Hình thành chuỗi ngành hàng chiến lược có dư địa thị trường, có liên kết quốc tế mạnh, có thương hiệu toàn cầu, có vị thế ở một số thị trường mục tiêu, có ảnh hưởng kinh tế và xã hội lớn... Có cơ chế, chính sách nhằm minh bạch hóa, kiểm soát giao dịch toàn bộ chất lượng, giá cả các chuỗi vật tư nông nghiệp đầu vào, như: phân bón, thức ăn gia súc… Mô hình “cánh đồng mẫu lớn” hiện nay cần được tháo gỡ khó khăn ở khâu liên kết nông dân (hợp tác xã, tổ hợp tác). Bổ sung điều kiện đối với doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải có sự liên kết với nông dân bằng hợp đồng nông sản. Thay thế hoặc bổ sung hợp đồng kinh tế bằng hợp đồng đầu tư giữa Chính phủ với các quốc gia chuyên nhập lúa gạo, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam, gắn chặt nhà nhập khẩu với vùng sản xuất, rút ngắn khâu trung gian, nâng cao giá bán cho người sản xuất.

Bốn là, cơ chế, chính sách đổi mới toàn diện hệ thống quản lý, dịch vụ công cho nông nghiệp. Hoàn thiện hệ thống quản lý nhà nước trong nông nghiệp từ Trung ương đến địa phương trên cơ sở phân công, phân cấp phù hợp và phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm người đứng đầu. Đảm bảo minh bạch hóa, kiểm soát chặt chẽ chất lượng và giá cả các vật tư nông nghiệp đầu vào, quản trị dịch hại và vệ sinh an toàn thực phẩm. Các cơ quan dịch vụ công cho nông nghiệp chỉ nên cung ứng dịch vụ công ở những nơi và các phạm vi, lĩnh vực mà thị trường không đáp ứng được, những lĩnh vực mang tính chất chủ đạo. Các phạm vi còn lại nên để tư nhân và tổ chức nghề nghiệp cung ứng. Ngân sách dịch vụ công, cần thiết và có thể đấu thầu tự do, công khai.

Tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ và tổ chức lại sản xuất nông nghiệp bằng các hình thức hợp tác, tổ chức liên kết, hình thành các hiệp hội, phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã, có sự tham gia sâu rộng của các doanh nghiệp sẽ là động lực mới để nông nghiệp nước ta nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong giai đoạn tới.

 

Theo kinhtevadubao.com.vn