Giải pháp tái cơ cấu hiệu quả ngành nông nghiệp Việt Nam

Giải pháp tái cơ cấu hiệu quả ngành nông nghiệp Việt Nam
Để thực hiện thành công mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao theo Nghị quyết Đại hội Đảng khoá XI đã đề ra, đòi hỏi ngành nông nghiệp Việt Nam phải có những đổi mới căn bản, trong đó đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp trở thành nhiệm vụ hết sức cấp thiết hiện nay. Để hiểu hơn những giải pháp trọng tâm của tái cơ cấu nông nghiệp, FinancePlus đã có cuộc phỏng vấn GS., TS. Vương Đình Huệ, Uỷ viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.
 

GS., TS. Vương Đình Huệ
Phóng viên: Một sự kiện được dư luận rất quan tâm trong những  ngày đầu năm 2014 là Thông điệp đầu năm mới của Thủ tướng Chính phủ. Tại Thông điệp này, một vấn đề quan trọng được Thủ tướng nhấn mạnh là: tái cơ cấu nông nghiệp là nội dung quan trọng trong tái cơ cấu nền kinh tế và là đòi hỏi bức xúc cần phải  triển khai mạnh mẽ bằng nhiều giải pháp đồng bộ. Thưa Giáo sư, vì sao yêu cầu tái cơ cấu nông nghiệp lại trở thành nhiệm vụ hết sức cấp thiết hiện nay?

GS., TS. Vương Đình Huệ: Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, chính sách đổi mới kinh tế do Đảng và Nhà nước thực hiện đã mở ra sự thay đổi cấu trúc kinh tế, thể chế và tổ chức của ngành nông nghiệp rất sâu sắc. Thực hiện đường lối Đổi mới, nền nông nghiệp nước ta đã có bước phát triển vượt bậc, đóng góp to lớn vào thành tựu chung của đất nước, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng nông nghiệp những năm gần đây đang giảm dần và bộc lộ những hạn chế yếu kém của một nền nông nghiệp dựa trên kinh tế hộ manh mún, thiếu liên kết, năng suất và chất lượng thấp trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt. 

Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 Hội nghị lần thứ 7 khóa X về "nông nghiệp, nông dân, nông thôn" đã nêu mục tiêu "Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hoá lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia cả trước mắt và lâu dài". Ngày 10/6/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 899/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Trước bối cảnh phát triển kinh tế luôn biến động, có nhiều cơ hội, thách thức đan xen cả trong nước và hội nhập quốc tế, vấn đề quan trọng đặt ra hiện nay là phải tiếp tục đổi mới căn bản và đồng bộ về chiến lược, thể chế và tổ chức trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phải thực hiện hiệu quả ba đột phá chiến lược, đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế đặc biệt là đẩy nhanh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới.

 Đây là nội dung quan trọng trong tái cơ cấu nền kinh tế và cũng là đòi hỏi bức xúc cần phải được triển khai mạnh mẽ bằng nhiều giải pháp đồng bộ nhằm tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết 26-NQ/TW khóa X của Ban Chấp hành Trung ương và Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Để ngành nông nghiệp Việt Nam thật sự bứt phá, đẩy nhanh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, theo Giáo sư cần phải giải quyết được những thách thức, mâu thuẫn nào? Và đâu là  những mục tiêu cần phải chú trọng khi tái cơ cấu nông nghiệp?

Tôi cho rằng cần tập trung giải quyết 3 thách thức, mâu thuẫn lớn trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp ở nước ta hiện nay: Trước hết là thách thức, mâu thuẫn giữa mục tiêu xây dựng đội ngũ nông dân hiện đại, chuyên nghiệp với thực trạng thu nhập thấp của lao động nông nghiệp hiện nay ngày càng rõ nét; 

Thứ hai là thách thức, mâu thuẫn giữa yêu cầu phát triển nền nông nghiệp hiện đại quy mô lớn, cạnh tranh, giá trị gia tăng cao với thực trạng đất đai manh mún, chỉ phù hợp với sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ; 

Thứ ba là thách thức, mâu thuẫn giữa nhu cầu cao về vốn đầu tư để hiện đại hóa nông nghiệp với hiệu quả đầu tư vào nông nghiệp còn thấp, rủi ro cao, chưa hấp dẫn. Rất khó thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước và vốn FDI vào sản xuất nông nghiệp, do những nguyên nhân như: hiệu quả đầu tư thấp, rủi ro cao; đầu tư vào nông nghiệp kém an toàn do thời gian giao đất còn ngắn, quy hoạch sử dụng đất không ổn định...

Những mục tiêu khi tái cơ cấu nông nghiệp cần chú trọng vào những nội dung chủ yếu sau: Chú trọng mục tiêu tái cơ cấu nhằm xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên, liên kết chặt chẽ với chuỗi giá trị toàn cầu, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập của nông dân, đảm bảo an ninh lương thực - thực phẩm, ổn định xã hội. 

Mục tiêu tái cơ cấu còn nhằm tạo ra mối liên kết chặt chẽ, hiệu quả, hài hòa và hợp lí giữa công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp, giữa đô thị và nông thôn, giữa giai cấp công nhân và nông dân trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tái cơ cấu cũng nhằm tạo ra sự thay đổi phù hợp về quan hệ sản xuất với sự phát triển của lực lượng sản xuất trong nông nghiệp, hoàn thiện vai trò của Nhà nước trong ngành nông nghiệp về đầu tư, phân bổ nguồn lực, quản lí đất đai, cung ứng dịch vụ công, quản trị chuỗi ngành hàng, thị trường… để nông dân và doanh nghiệp trở thành chủ thể và động lực trong đầu tư và phát triển sản xuất.  
 


Trưởng Ban Kinh tế Trung ương khảo sát mô hình cánh đồng mẫu lớn tại tỉnh An Giang (tháng 8/2013)

 

Thưa Giáo sư, mới đây dư luận đặc biệt quan tâm đến sự việc mà báo chí phản ánh đó là tình trạng viết đơn xin trả ruộng, hoặc bỏ ruộng loại “bờ xôi ruộng mật” đang lan rộng ở nhiều địa phương phía Bắc. Báo chí cũng phản ánh chuyện nhiều nông dân ở phía Bắc tính toán: làm một sào lúa sau khi trừ hết chi phí thì mỗi tháng chỉ nhận được khoản lợi nhuận từ 50.000-80.000 đồng, tương đương hai bát phở ở thành phố, vì vậy mà nông dân đã viết đơn xin trả ruộng hoặc bỏ hoang. Phải chăng, khi thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp thì yêu cầu đi tìm mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp cho từng vùng là vấn đề cấp thiết hiện nay?

Khi thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp cần phải lưu ý đến 3 nội dung  hết sức quan trọng, đó là: tái cơ cấu không gian sản xuất nông nghiệp; tái cơ cấu chuỗi ngành hàng nông sản và tái cơ cấu đối tượng tham gia sản xuất nông nghiệp. Trong đó, tái cơ cấu không gian sản xuất nông nghiệp có vị trí quan trọng nhất. Thực tế cho thấy, trên mỗi vùng của đất nước, nông nghiệp có lợi thế và chức năng, vai trò kinh tế, xã hội, sinh thái môi trường khác nhau. Do vậy, cần thiết có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp với từng vùng. Quá trình tái cơ cấu cần định hình rõ cơ chế, chính sách, chiến lược phát triển các mô hình sản xuất phù hợp theo vùng miền. 

Theo đó, có thể phân chi thành các khu vực như: 

Khu vực phát triển ngành hàng nông nghiệp hiện đại, tập trung quy mô lớn: Đây là khu vực có quy mô sản xuất lớn và hiện đại, dùng những tiêu chuẩn hiện đại nhất về sản xuất, quản trị nông nghiệp để tạo ra giá trị gia tăng về kinh tế, có chuỗi thương mại mạnh được quản trị tốt, có thương hiệu, giá trị gia tăng cao;

Khu vực phát triển ngành hàng nông nghiệp sinh thái, tự nhiên: Tại các khu vực miền núi, ven biển, nông nghiệp đồng thời có chức năng kinh tế và chức năng sinh thái, cần xây dựng mô hình phát triển nông nghiệp theo hướng quản trị chặt chẽ về sinh thái, không đòi hỏi mức độ thâm canh cao; 

Khu vực phát triển ngành hàng nông nghiệp chỉ dẫn địa lýNhững khu vực mà chất lượng sản phẩm nông sản có tính đặc thù xuất phát từ hệ sinh thái và văn hóa bản địa, có sự khác biệt rõ nét so với sản phẩm cùng loại từ địa phương khác, thì có thể quy hoạch phát triển vùng sản xuất chỉ dẫn địa lý; 

Khu vực phát triển ngành hàng nông nghiệp kết hợp an ninh, quốc phòng; Khu vực sản xuất nông hộ quy mô nhỏ:Đây là mô hình phổ biến hiện nay và vẫn sẽ tồn tại trong thời gian dài ở nhiều vùng, do sinh kế của người dân vẫn dựa chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp;

Khu vực tổ chức cụm liên kết sản xuất công, nông nghiệp và dịch vụ (Cluster): Nhà nước cần có quy hoạch tổng thể quốc gia, vùng, tỉnh về mạng lưới cụm công- nông nghiệp-dịch vụ phục vụ nông nghiệp. Đây chính là việc cụ thể hóa Nghị quyết 26-NQ/TW khóa X về mối quan hệ giữa công nghiệp và nông nghiệp, giữa đô thị và nông thôn.

Các chuyên gia cho rằng muốn tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới thành công thì phải thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, trong đó cơ chế, chính sách đất đai chính là điểm nghẽn cần phải đột phá, khơi thông. Xin Giáo sư cho biết ý kiến về vấn đề này?

Để tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới thành công phải thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, cần quan tâm tập trung thực hiện tốt 4 giải pháp khi thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, đó là: Cơ chế, chính sách đất đai; Cơ chế, chính sách đầu tư cho nông nghiệp và hỗ trợ nông dân; Cơ chế, chính sách phát triển chuỗi ngành hàng nông sản; Cơ chế, chính sách đổi mới toàn diện hệ thống quản lý, dịch vụ công cho nông nghiệp.

Đối với cơ chế, chính sách đất đai, Nhà nước cần tập trung và tích tụ đất đai có quy mô đủ lớn, ổn định lâu dài, phù hợp với các mô hình sản xuất khác nhau của từng vùng, hướng tới một nền nông nghiệp hiện đại. Triển khai các quy hoạch đất đai theo vùng. Nghiên cứu cơ chế, chính sách quy hoạch và quản lý quy hoạch đất theo 7 vùng kinh tế - xã hội hoặc 8 vùng sinh thái, đảm bảo có chiến lược phát triển theo vùng, khắc phục nhược điểm không gian kinh tế bị không gian hành chính chia cắt như hiện nay. Liên kết giữa các lĩnh vực khác như công nghiệp, dịch vụ với nông nghiệp và giữa các lĩnh vực nông nghiệp trong một vùng.

Để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, cần tiếp tục hoàn thiện chính sách mới về đất đai theo hướng sau:

Một làban hành cơ chế, chính sách làm rõ cơ sở pháp lý về hộ nông dân, nhất là hộ kinh tế nông trại quy mô lớn và quyền, lợi ích trong sử dụng đất, thu hồi đất, sử dụng quyền sử dụng đất trong thừa kế, vay vốn tín dụng, tham gia liên doanh, liên kết, đóng góp cổ phần.

Hai làqui hoạch đất đai nông nghiệp ổn định, đồng bộ với quy hoạch dịch vụ, tổ chức khoa học và công nghệ, thương mại, công nghiệp chế biến ... thành những cụm công - nông nghiệp.

Ba là, giao đất lâu dài cho nông dân, từ 50 năm đến 70 năm; ở các vùng nông nghiệp ổn định nên giao lâu dài.

Bốn là, cần quy hoạch quy mô lớn/hộ sản xuất, thúc đẩy mạnh mẽ tích tụ và tập trung ruộng đất để phát triển mô hình nông nghiệp hiện đại, tập trung quy mô lớn ở những vùng công nghiệp hóa và đô thị hóa mạnh, lao động đã rút đáng kể ra khỏi nông nghiệp. Nhà nước nên thử nghiệm quy hoạch vùng nông nghiệp hiện đại riêng biệt, có quy mô từ vài trăm đến hàng ngàn ha, để hình thành kinh tế nông trại có quy mô lớn, sản xuất và quản lý, thương mại hoàn toàn theo tiêu chuẩn hiện đại. Có các giải pháp thúc đẩy mạnh nông dân tự nguyện dồn điền đổi thửa, tích tụ và tập trung ruộng đất thành cánh đồng mẫu lớn. Thúc đẩy quá trình tập trung ruộng đất cùng với phát triển liên kết ngang giữa nông dân cũng như giữa nông dân và doanh nghiệp.

Năm làcần có quy định công nhận đơn vị sản xuất hộ nông dân, kinh tế nông trại, định nghĩa rõ và xác định ai là nông dân thì sẽ giao đất, không là nông dân thì Nhà nước có thể thu hồi và đền bù theo quy định của Luật Đất đai để giao đất cho nông dân là người trực tiếp và liên tục làm nông nghiệp, hạn chế việc có quyền sử dụng đất nhưng không trực tiếp sản xuất mà "phát canh thu tô", kể cả ở một số công ty nông, lâm nghiệp hiện nay.

Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!

H. Quang-H.Phan
Nguồn tapchitaichinh.vn