Hà Tĩnh từng bước phát triển chăn nuôi bò theo đúng định hướng Tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Hà Tĩnh từng bước phát triển chăn nuôi bò theo đúng định hướng Tái cơ cấu ngành nông nghiệp
Trong những năm gần đây, ngành chăn nuôi Hà Tĩnh nói chung, chăn nuôi bò nói riêng có bước phát triển khá cả về số lượng và chất lượng đàn đặc biệt là chăn nuôi bò thịt chất lượng cao.

Đến tháng 6/2016, tổng đàn bò 226.099 con, tăng 27%; trong đó bò lai Zêbu và bò thịt chất lượng cao chiếm 59,5% tổng đàn, tăng 94% so với cùng kỳ năm 2015, đàn bò lai Zêbu và bò thịt chất lượng cao đạt tỷ lệ cao ở một số địa phương như Đức Thọ, Thị xã Hồng Lĩnh, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, …Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng trong 6 tháng đạt 7.240 tấn, chiếm 12% tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại, tăng 60% so với cùng kỳ năm 2015.
 
Đã thu hút và tạo điều kiện cho các Công ty, doanh nghiệp đầu tư xây dựng các Dự án chăn nuôi bò thịt chất lượng cao, bò sữa với quy mô lớn trên địa bàn như Dự án chăn nuôi bò thịt và bò giống của Công ty Cổ phần chăn nuôi Bình Hà (quy mô 254.200 con); Dự án bò giống chất lượng cao của Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh (quy mô 1.000 bò nái ngoại và 15.000 bò thịt); Dự án bò sữa của Tổng Công ty Sữa Việt Nam – Vinamilk (quy mô 2.000 con). Ngoài ra, toàn tỉnh hiện nay đã xây dựng được 478 mô hình quy mô 10 con bò/hộ trở lên, nuôi nhốt, tập trung, có sự đầu tư về thức ăn, kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng, tập trung nhiều ở các huyện Cẩm Xuyên (201 mô hình), Kỳ Anh (108 mô hình), Can Lộc (106 mô hình), Lộc Hà (77 mô hình).
 
Để chăn nuôi bò phát triển theo tái cơ cấu và đạt được một số kết quả bước đầu như thời gian qua, tỉnh Hà Tĩnh đã có nhiều chính sách đẩy mạnh thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư từ các doanh nghiệp để phát triển chăn nuôi bò theo hướng: Chuyển chăn nuôi truyền thống, kiêm dụng sang chăn nuôi thâm canh chuyên thịt trong các nông hộ, gia trại; hình thành các vùng chăn nuôi xa khu dân ở những địa bàn có điều kiện đảm bảo về môi trường, vùng trà sơn, miền núi như Hương Sơn, Vũ Quang, Hương Khê, các xã trà sơn của các huyện Can Lộc, Kỳ Anh, …; khuyến khích áp dụng công nghệ cao, tổ chức sản xuất khép kín hoặc liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị; giảm thiểu ô nhiễm môi trường và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống dịch bệnh.
 

 
 Thời gian tới, để đạt được mục tiêu, định hướng của Tái cơ cấu cần tập trung vào một số giải pháp trọng tâm: Nâng cao nhận thức của người dân thay đổi tập quán chăn nuôi thông qua tham quan các mô hình trình diễn, và thông qua các chương trình dạy nghề cho nông dân. Tiếp tục đẩy mạnh chương trình Zêbu hóa đàn bò, tạo đàn nái nền đủ điều kiện lai tạo đàn bò thịt chất lượng cao (phối tinh với giống bò thịt chất lượng cao như Charolise, 3B, Droughtmaster, ...); lựa chọn bê cái lai chất lượng cao làm nái nền cho công tác lai tạo đàn bò thịt chất lượng cao.

Xây dựng các mô hình chăn nuôi bò thịt, bò sữa theo hướng liên kết chăn nuôi giữa người dân thông qua việc thành lập các THT, HTX với các công ty, tập đoàn lớn như Tổng công ty KSTM, công ty CP chăn nuôi Bình Hà, Tổng công ty Sữa Việt Nam – Vinamilk,… hiệu quả cao, phát triển bền vững để nhân rộng.

        Ứng dụng công nghệ chế biến, bảo quản tận dụng nguồn phế phụ phẩm nông công nghiệp làm thức ăn cho trâu bò và quy hoạch đồng cỏ chăn nuôi tại các địa phương nhằm chủ động nguồn thức ăn cho vật nuôi trong mùa khan hiếm, nâng cao giá trị dinh dưỡng của nguồn thức ăn .


          Để ngành chăn nuôi của Hà Tĩnh từng bước ổn định, phát triển bền vững và chuyển dịch đúng hướng tái cơ cấu cần có sự quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Cục Chăn nuôi đặc biệt là các Chương trình, Dự án nghiên cứu, ứng dụng về giống, khoa học kỹ thuật, đào tạo, tậ huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý và cán bộ chuyên môn đáp ứng được yêu cầu của tiến trình phát triển, hội nhập./.
 
Theo Ngọc Diệp/sonongnghiephatinh.gov.vn