Hiệu quả bước đầu thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp
- Thứ sáu - 08/09/2017 07:18
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ngay từ khi bắt tay vào thực hiện, các cấp lãnh đạo địa phương tích cực vận động người dân tập trung phát triển sản xuất theo hướng nâng cao hiệu quả bền vững, đảm bảo môi trường, an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm và an ninh xã hội gắn với xây dựng nông thôn mới. Trong đó, huyện khuyến khích ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với lợi thế từng vùng, theo đề án của UBND huyện. Tập trung xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất trên cơ sở triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch liên kết “bốn nhà” để nâng cao giá trị nông sản, đảm bảo lợi ích cho người nông dân.
Đối với ngành hàng lúa gạo, huyện tập trung tổ chức lại sản xuất, vận động áp dụng quy trình sản xuất “3 giảm, 3 tăng” tiến tới “1 phải, 5 giảm” nhằm giảm chi phí, hạ giá thành, phát triển các sản phẩm gia tăng để nâng cao giá trị ngành hàng với diện tích 19,3ha, có 13 hộ tham gia tại ấp Trung, xã Thường Thới Tiền. Với năng suất bình quân đạt 6,1 tấn/ha, cao hơn ngoài mô hình 0,1 tấn/ha, giá bán 5.570 đồng/kg, giá thành sản xuất bình quân 3.017 đồng/kg, giảm 596 đồng/kg so với ngoài mô hình. Lợi nhuận bình quân 15 triệu đồng/ha, cao hơn ngoài mô hình 3,3 triệu đồng/ha.
Điểm nổi bật là mô sản xuất lúa bón phân hữu cơ của nông dân Võ Văn Tiếng với diện tích trên 40ha tại khu đê bao 2.600ha thuộc xã Thường Thới Tiền và 3ha lúa PM24 sử dụng phân bón sinh học của HTX Phước Tiền. Mô hình này tuy năng suất thấp nhưng tạo ra sản phẩm sạch, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Địa phương đã tổ chức liên kết tiêu thụ nông sản của nông dân tại các xã: Thường Phước 2, Thường Thới Tiền, Thường Thới Hậu B, Long Thuận được trên 8.000ha.
Diện tích trồng rau được phát triển theo hướng bền vững, từng bước hình thành vùng rau an toàn theo hướng an toàn sinh học, tiêu chuẩn VietGAP. Huyện đã triển khai và tổ chức thực hiện mô hình sản xuất rau trong nhà lưới, áp dụng các biện pháp giảm giá thành, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để nâng cao giá trị ngành rau với diện tích 0,6ha của 6 hộ tại ấp Long Hòa, xã Long Thuận (trong đó Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư 6 nhà lưới, mỗi nhà lưới 1.000m2). Mô hình này tạo ra sản phẩm sạch, giá bán cao hơn và được người tiêu dùng chấp nhận.
Diện tích vườn cây ăn trái, cây công nghiệp ngắn ngày được đầu tư mở rộng theo hướng chuyển đổi diện tích vườn tạp, đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao như xoài, bưởi da xanh, cam…
Lĩnh vực chăn nuôi từng bước được phát triển theo mô hình kinh tế trang trại, đảm bảo môi trường, tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát. Việc đầu tư phát triển đàn bò vỗ béo được huyện quan tâm hỗ trợ. Huyện đã hỗ trợ chuồng trại, gieo tinh nhân tạo, thức ăn, thuốc phòng trị bệnh cho 4 hộ nuôi 44 con bò sinh sản tại xã Long Khánh A; hỗ trợ mua bò đực giống 60% giá trị và người nuôi đối ứng 40% số tiền còn lại cho 4 hộ tại xã Long Khánh A, B, Phú Thuận B, Thường Phước 1.
Đối với ngành hàng sản xuất cá tra giống, mô hình cá tra giống theo chuẩn BMP đã cung cấp cho người nuôi thịt con giống chất lượng với diện tích 1ha/6 triệu con bột/hộ nuôi tại xã Phú Thuận B. Mô hình này sản xuất ra con giống tốt, giảm chi phí, giảm dịch bệnh, giảm ô nhiễm môi trường và cho lợi nhuận cao so với bên ngoài 10%.
Ngoài ra, các HTX trên địa bàn huyện đã chủ động mở rộng các dịch vụ mới như làm đất, thu hoạch sản phẩm, liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm…, hầu hết các HTX huyện đều chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2012. Hiện toàn huyện có 13 HTX và 30 THT, trong đó có 9 HTX hoạt động kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp. Đến nay, địa phương đang tiếp tục vận động thành lập HTX Thường Thới Hậu A và mở rộng HTX Long Khánh A…
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện Hồng Ngự còn nhiều hạn chế, khó khăn. Trong đó, sản xuất nông nghiệp chưa mang tính bền vững, sự liên kết 4 nhà có nơi chưa chặt chẽ, chất lượng nông sản chưa cao nên khả năng cạnh tranh còn thấp. Lợi ích đem lại từ mô hình liên kết chưa nhiều nên chưa thu hút đông đảo nông dân và doanh nghiệp tham gia. Hoạt động nghiên cứu chuyển giao ứng dụng khoa học và công nghệ (KHCN) vào sản xuất còn hạn chế. Tình hình thời tiết diễn biến thất thường, phức tạp làm phát sinh dịch bệnh đối với cây trồng, vật nuôi. Giá cả đầu ra, đầu vào cho sản xuất còn biến động làm ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất.
Để đạt được mục tiêu đặt ra của Đề án, thời gian tới, huyện Hồng Ngự tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và người dân nhằm thay đổi nhận thức, tư duy, tập quán sản xuất nhỏ lẻ sang phát triển nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao KHCN, huy động sự tham gia các thành phần kinh tế, đặc biệt là doanh nghiệp vào các hoạt động KHCN; xây dựng các mô hình sản xuất chuyên canh, kêu gọi các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư phát triển nông nghiệp, bao tiêu sản phẩm trên địa bàn…
Theo Thảo Vy/langmoi.vn