Hoàn chỉnh Đề án Chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ theo hình thức liên kết
- Thứ tư - 11/06/2014 03:36
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn: "Đề án phải được cụ thể hóa bằng kế hoạch và chỉ tiêu của các địa phương và doanh nghiệp trong quá trình thực hiện." |
Theo báo cáo, toàn tỉnh hiện có 684 nghìn con gia súc, 6,5 triệu con gia cầm. Trong đó có khoảng 200 nghìn hộ chăn nuôi vừa và nhỏ, bước đầu đã hình thành một số mô hình liên kết trong sản xuất, góp phần đưa lại hiệu quả kinh tế và nâng cao thu nhập cho người dân.
Tuy nhiên, chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh chủ yếu tự phát, thiếu tổ chức, khó kiểm soát về thức ăn, con giống, dịch bệnh, môi trường, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật…
Đề án "Phát triển sản xuất chăn nuôi quy mô vừa nhỏ theo hình thức liên kết giữa các hộ dân và doanh nghiệp thông qua THT, HTX đến năm 2020" là yêu cầu cần thiết nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng NTM. Trong đó, tập trung phát triển các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực, sản phẩm có lợi thế của tỉnh, từng bước tổ chức lại quy mô, hình thành các chuỗi giá trị; tạo bước chuyển đổi nhanh và bền vững.
Dự thảo Đề án cũng đặt ra mục tiêu cụ thể từ nay đến năm 2015, mỗi xã xây dựng được 15 mô hình chăn nuôi quy mô vừa, 30 – 35 mô hình chăn nuôi quy mô nhỏ trên một sản phẩm chăn nuôi hàng hóa chủ lực có lợi thế, liên kết với doanh nghiệp từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Năm 2020, mỗi xã xây dựng được 30 mô hình chăn nuôi quy mô vừa, 50 mô hình chăn nuôi quy mô nhỏ trên một sản phẩm chăn nuôi hàng hóa chủ lực có lợi thế.
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn nhấn mạnh: Đề án phát triển sản xuất chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ theo hình thức liên kết giữa các hộ dân và doanh nghiệp có ý nghĩa hết sức quan trọng, nằm trong sản phẩm chủ lực của tỉnh, có hiệu quả thiết thực đối với đại đa số người dân.
Phó Chủ tịch UNBD tỉnh yêu cầu Sở NN&PTNT sớm hoàn chỉnh đề án cụ thể Đề án phải có quy hoạch, kế hoạch và có lộ trình thời gian thực hiện gắn với đảm bảo môi trường sinh thái, phát triển bền vững; thể hiện mối quan hệ chặt chẽ giữa doanh nghiệp với tổ hợp tác và người dân tham gia. Ngoài ra, Đề án phải được cụ thể hóa bằng kế hoạch và chỉ tiêu của các địa phương, doanh nghiệp gắn trách nhiệm trong quá trình triển khai thực hiện. Các địa phương cần xây dựng lộ trình sản xuất con giống nhằm đáp ứng nhu cầu theo kế hoạch của đề án.
Theo baohatinh.vn