Hội nghị bàn giải pháp phát triển thủy sản bền vững các tỉnh miền Trung
- Thứ tư - 11/11/2015 09:20
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân tỉnh Thừa Thiện Huế Đinh Khắc Đính đồng chủ trì Hội nghị.
Hội nghị đã tập trung thảo luận những nội dung quan trọng trong khai thác, nuôi trồng thủy sản, bảo vệ nguồn lợi, chế biến, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tổ ngư dân đoàn kết trên biển, dịch vụ hận cần nghề cá. Hội nghị nêu rõ, lợi thế của các tỉnh miền Trung đã phần nào được phát huy nhưng hạn chế cũng còn nhiều như: dịch bệnh trên tôm nuôi có giảm nhưng nhìn chung vẫn là mối đe dọa lớn nhất đối với người nuôi tôm; diện tích hồ chứa lớn nhưng chưa phát huy được hiệu quả; số tàu thuyền khai thác gần bờ có giảm nhưng còn chậm; chưa kiểm soát hết việc đóng tàu khai thác xa bờ; việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong bảo quản sản phẩm để giảm tổn thất trong khai thác nhân rộng chưa nhanh….
Để các tỉnh miền Trung phát triển thủy sản bền vững, Hội nghị tập trung vào một số giải pháp về quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch; giải pháp về tổ chức lại sản xuất; về thị trường; về cơ chế chính sách…
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Vũ Văn Tám đã chỉ đạo một số vấn đề sau:
- Về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, cần quy hoạch số lượng tàu thuyền và quản lý tốt hoạt động đóng mới tàu thuyền dựa vào nguồn lợi thủy sản của vùng theo hướng không tăng về sản lượng khai thác mà tập trung nâng cao giá trị sản phẩm, bằng việc chuyển giao công nghệ và tập huấn ngư dân về công tác bảo quản sau thu hoạch. Tăng cường áp dụng mô hình đồng quản lý, bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản. Điều tra xây dựng cơ sở dữ liệu hệ thống bãi giống, bãi đẻ và quy định về khai thác trong các vùng này nhằm phát triển nguồn lợi thủy sản bền vững.
- Về nuôi trồng thủy sản, cần tổng kết mô hình nuôi tôm trên cát giảm giá thành nâng cao hiệu quả và áp dụng trên diện rộng tại các tỉnh miền Trung, nuôi hồ chứa có tiềm năng rất lớn cần được nghiên cứu phát triển. Kiểm soát và quản lý chặt chẽ dịch bệnh và việc sử dụng hóa chất, kháng sinh trong quá trình nuôi.
- Về chế biến, tiêu thụ cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chế biến, xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng tập trung nghiên cứu về giống và khoa học công nghệ nhằm tăng giá trị sản phẩm thủy sản, tăng cường hoạt động của dịch vụ hậu cần, chú trọng đầu tư hạ tầng nghề cá, khu neo đậu tránh trú bão, đẩy mạnh hợp tác công tư trong đầu tư xây dựng hạ tầng cảng cá, bến cá.