Hội thảo xác định khâu đột phá trong tái cấu trúc, xây dựng nông thôn mới
- Thứ năm - 20/11/2014 05:16
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
(QT) - Ngày 19/11/2014, Hội Khoa học kinh tế tỉnh tổ chức hội thảo “Xác định khâu đột phá trong tái cấu trúc, xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh Quảng Trị năm 2015- 2020”. Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.
Định hướng cơ bản của đề án tái cấu trúc ngành nông nghiệp và xây dựng NTM là nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững với mục tiêu phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành bình quân từ 2,6-3%/năm trong giai đoạn 2011-2015; từ 3,5-4%/năm giai đoạn 2016-2020. Đến năm 2020, thu nhập hộ nông dân tăng lên 2,5 lần so với năm 2008, số xã đạt tiêu chí NTM là 20% vào năm 2015 và 50% vào năm 2020.
|
Đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp |
Tại Quảng Trị, sau 3 năm thực hiện chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng NTM đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) bước đầu có hiệu quả. Đã hình thành một số mô hình cánh đồng mẫu lớn tại các vùng chuyên canh lúa chất lượng cao ở các huyện: Triệu Phong, Hải Lăng, Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ. Tăng cường cơ giới hóa khâu làm đất và khâu thu hoạch, chế biến và tiêu thụ sản phẩm ở các xã: Vĩnh Thủy (Vĩnh Linh), Hải Thượng (Hải Lăng), Cam Thủy (Cam Lộ)...
Trên cơ sở lợi thế từng vùng, mô hình trồng sắn nguyên liệu, trồng cây công nghiệp dài ngày đã hình thành ở các huyện Hướng Hóa, Đakrông... Mô hình sản xuất, kinh doanh, quản lý lâm nghiệp bằng lồng ghép các chương trình, chính sách của Nhà nước, chương trình dự án quản lý rừng bền vững để cấp chứng chỉ FSC cho hộ gia đình nông dân và doanh nghiệp lâm nghiệp. Thực tế cho thấy, các mô hình sản xuất nông nghiệp từng bước phát triển theo chiều sâu, từ đó góp phần tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, tăng sản phẩm hàng hóa, kim ngạch xuất khẩu, tạo thêm việc làm cho lao động địa phương và tăng thu nhập cho nông dân.
Tuy nhiên, các mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa chưa nhiều, sản xuất còn nhỏ lẻ, ứng dụng KHKT hạn chế, năng suất lao động thấp... Các đối tác tham gia vào nông nghiệp, liên kết với nông dân còn ít. Để tạo khâu đột phá trong tái cấu trúc ngành nông nghiệp và xây dựng NTM, các ý kiến thảo luận tại hội thảo tập trung đề xuất những giải pháp cụ thể như cần xác định rõ lợi thế của từng vùng để phát triển cây trồng, vật nuôi phù hợp, đồng thời tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp địa phương. Tạo sự liên kết trong phát triển nông nghiệp để hình thành các vùng sản xuất tập trung, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Tập trung xác định cây trồng, vật nuôi tạo ra sản phẩm chủ lực kèm theo đó là các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, thị trường tiêu thụ sản phẩm. Về các giải pháp đột phá trong xây dựng NTM, cần nghiên cứu triển khai thực hiện đô thị hóa nông thôn, huy động các nguồn lực tại chỗ để xây dựng NTM. Nghiên cứu để làm thí điểm và nhân rộng mô hình “thôn nông thôn mới”. Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn...
Tin, ảnh: LỆ NHƯ
Theo: baoquangtri.vn