Hợp tác xã kiểu mới – đột phá để tái cơ cấu nông nghiệp
- Thứ bảy - 18/03/2017 10:44
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cùng Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan và Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Trì chủ trì buổi làm việc.
Dự buổi làm việc có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh.
Giúp nông dân tích tụ ruộng đất, sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn
Báo cáo về tình hình phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành thông tin, đến nay, tỉnh có 651 hợp tác xã đang hoạt động (giảm 62 hợp tác xã so với cùng kỳ năm ngoái), 12 tổ hợp tác, trong đó có 230 hợp tác xã, 8 tổ hợp tác nông nghiệp và 421 hợp tác xã, 2 tổ hợp tác phi nông nghiệp. Đã có 253/528 hợp tác xã trên địa bàn tỉnh thực hiện việc chuyển đổi hoạt động theo Luật hợp tác xã năm 2012, đạt 48%.
Năm 2016, mặc dù có những khó khăn nhất định nhưng đa số cáchợp tác xã trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì hoạt động ổn định, nhiều hợp tác xã đã có những chuyển biến tích cực, vươn lên tổ chức sản xuất kinh doanh tốt.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành.
Hoạt động của nhiều hợp tác xã đa dạng, theo xu hướng sản xuất kinh doanh tổng hợp, gắn với dịch vụ phục vụ lợi ích của các thành viên và người lao động.
Tuy nhiên, theo ông Thành hoạt động của các hợp tác xã cũng có những khó khăn. Tổng số vốn bình quân một hợp tác xã trên địa bàn tỉnh rất thấp chỉ có có 389 triệu đồng (bình quân cả nước 816 triệu), trong đó vốn lưu động là 50 triệu đồng, chiếm 24%.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã chưa thiết thực, chưa gắn với thị trường. Cơ sở vật chất kỹ thuật nghèo nàn, trình độ công nghệ thấp, thiếu các mối liên doanh, liên kết với các HTX khác, các loại hình tổ chức kinh tế khác và với các đơn vị nghiên cứu...
Từ thực tế phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn, tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Liên minh Hợp tác xã cùng các cấp, các ngành, tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn các Hợp tác xã thực hiện tốt Luật hợp tác xã năm 2012.
Đề nghị Chính phủ báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội cho phép kéo dài thời gian chuyển đổi Hợp tác xã theo luật hợp tác xã năm 2012 đến hết năm 2017 nhằm tạo điều kiện cho các Hợp tác xã thuộc đối tượng phải chuyển đổi nhưng chưa chuyển đổi có thời gian rà soát lại và làm thủ tục chuyển đổi.
“Đề nghị các Bộ, ngành Trung ương nghiên cứu, xem xét, đề xuất sửa Điều 129 (Luật đất đai) theo hướng tăng giới hạn điền với sản xuất cây trồng ngắn ngày để giúp cho các hộ nông dân có thể tích tụ ruộng đất, sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn, phù hợp với trình độ kỹ thuật nông nghiệp hiện nay thông qua các mô hình hợp tác xã hoặc Tổ hợp tác kiểu mới..”, Phó Chủ tịch Lê Duy Thành kiến nghị.
Ông Trịnh Đình Mao - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng không nên níu kéo các HTX kiểu cũ hoạt động không hiệu quả.
Ông Trịnh Đình Mao - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng đối với những HTX kiểu cũ, yếu kém không nên níu kéo mà phải giải thể để tạo động lực ra đời các HTX kiểu mới.
Từ đó ông Mao đề nghị cần đẩy mạnh tuyên truyền, quy định cụ thể về phát triển HTX kiểu mới. Cùng với đó cần có chủ trương phát triển các mô hình HTX kiểu mới, tập trung hỗ trợ các mối liên kết trong đầu vào, chế biến, sản xuất.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi làm việc.
12 triệu nông dân phải là chủ thể trong tái cơ cấu nông nghiệp
Chia sẻ về phát triển kinh tế hợp tác, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, phát triển hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới là khâu đột phá để tái cơ cấu nông nghiệp và nâng cao thu nhập bền vững cho người nông dân.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ, thành tựu của nông nghiệp Việt Nam có 10 cây, con có năng suất sinh học cao hơn năng suất bình quân thế giới. Tuy nhiên có 4 bất cập kéo dài đó là hiện tượng được mùa rớt giá năm nào cũng xảy ra. Các hộ nông dân thường xuyên thiếu vốn mặc dù đã có chính sách hỗ trợ của nhà nước. Thu nhập của nông dân thấp hơn nhiều so với lao động trong công nghiệp và dịch vụ. Xuất khẩu nông sản không ổn định về giá cả và lượng, bị động trong tiêu thụ.
Theo người đứng đầu Mặt trận, nguyên nhân của 4 bất cập kéo dài là 6 mâu thuẫn trong nông nghiệp. Đó là sản xuất trong cơ chế thị trường song lại không biết nhu cầu thị trường. Hộ nông dân cần vay vốn song không đủ điều kiện vay vốn. Năng suất tăng liên tục song thu nhập tăng rất chậm. Nông dân phải liên kết với doanh nghiệp, song các doanh nghiệp không thể liên kết trực tiếp với hàng vạn hộ nông dân riêng lẻ.
Đặc biệt thị trường đòi hỏi sản phẩm nông nghiệp phải có chứng nhận chất lượng sản phẩm và xuất xứ hàng hóa, song các cơ quan quản lý chất lượng sản phẩm không thể giám sát trực tiếp hàng triệu hộ nông dân riêng lẻ với diện tích đất canh tác bình quân không quá 1 ha mỗi hộ.
Nông dân cần ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, song các tổ chức nghiên cứu, dịch vụ khoa học - công nghệ không thể hướng dẫn trực tiếp cho khoảng 12 triệu hộ riêng lẻ với diện tích đất canh tác bình quân không quá 1 ha và nuôi trồng những loại cây, con khác nhau.
Quang cảnh buổi làm việc.
Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân giải pháp cơ bản để giải quyết các mâu thuẫn này chính là thành lập các HTX kiểu mới, theo Luật HTX năm 2012 và các HTX kiểu mới do nông dân sáng tạo đã ra đời trước năm 2012.
“Cần đổi mới nhận thức về vai trò, chức năng của HTX – xây dựng các HTX kiểu mới là khâu đột phá. Trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp hướng tới sản xuất quy mô lớn với các sản phẩm chủ lực, sử dụng các giống chất lượng và năng suất cao, quy trình canh tác hiện đại gắn với chế biến, tiêu thụ và xuât khẩu sản phẩm thì chủ thể quan trọng nhất của quá trình tái cơ câu nông nghiệp là 12 triệu hộ nông dân Việt Nam, song không phải là 12 triệu hộ riêng lẻ, yếu thế mà là các hộ được liên kết lại trong các HTX là chủ yếu. Chuyển từ sản xuất hộ cá thể, đơn lẻ là chủ yếu sang sản xuất liên kết qua HTX, Liên hiệp HTX và liên kết với doanh nghiệp qua HTX là chủ yếu.”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân gợi mở.
Cũng theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, phải thay đổi tư duy về sản xuất nông nghiệp theo nhu cầu thị trường mà tổ chức sản xuất để đạt hiệu quả kinh tế cao nhất cho người nông dân và đất nước. Làm rõ sản phẩm chủ lực của quốc gia, từng vùng và địa phương có sức cạnh tranh cao, nhu cầu thị trường lớn.
Theo người đứng đầu Mặt trận, trong thời gian tới cần tổ chức triển khai sớm chương trình tuyên truyền sâu rộng về Luật HTX 2012, vai trò tích cực của HTX kiểu mới. Trước mắt tỉnh Vĩnh Phúc có thể tập trung vào các HTX nông nghiệp.
Theo đó, cần có thảo luận trong rộng rãi trong Hội Nông dân, Liên minh HTX về các mô hình HTX để đánh giá đúng thực chất về hoạt động của các HTX, gắn với đó cần có các đợt tập huấn cho lãnh đạo các HTX, xã viên qua đó thay đổi nhận thức về vai trò của các HTX kiểu mới.
Song song với đó, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, cần có một chương trình xây dựng HTX kiểu mới của tỉnh Vĩnh Phúc trong đó quan tâm đến chính sách đào tạo cán bộ nguồn cho các HTX như đội ngũ chủ nhiệm, phó chủ nhiệm, cán bộ chuyên môn cho HTX, tổ chức các đợt tham quan các mô hình HTX kiểu mới tiêu biểu để học hỏi kinh nghiệm quan tâm đến việc giúp các HTX trong vấn đề vay vốn, hỗ trợ về địa điểm hoạt động.
“Sở NN&PTNT, Sở KH&CN, Liên minh HTX cần phối hợp chặt chẽ để hỗ trợ các HTX có thể xây dựng thương hiệu, đăng ký chất lượng hàng hóa”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đề nghị.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân tin tưởng, Vĩnh Phúc - cái nôi của đổi mới của nông nghiệp bên cạnh phát triển về công nghiệp sẽ có những bước chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế hợp tác để nông dân có thu nhập cao hơn bền vững hơn.
Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ ý kiến tại hội nghị.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân với các đại biểu tại buổi làm việc.
Anh Vũ
Ảnh: Thành Trung
Nguồn: Đại Đoàn Kết