Hợp tác xã nông nghiệp đồng hành cùng Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tân Tiến (gọi tắt là HTX) ở xã Phú Đức, huyện Tam Nông, trở thành điểm sáng trong liên kết nông hộ nhỏ hình thành cánh đồng lớn gắn kết tiêu thụ với doanh nghiệp. Năm 2015, UBND tỉnh Đồng Tháp tặng danh hiệu “Doanh nghiệp tiêu biểu năm”; năm 2015, Tổng Hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam công nhận “Cánh đồng vàng”.
Doanh nghiệp mua lúa của thành viên Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tân Tiến

Năm 2014, HTX chính thức Đại hội thành viên chuyển đổi mô hình theo Luật hợp tác xã năm 2012 và thực hiện bán gần 30.000 cổ phần, với 1 cổ phần là 200.000 đồng. HTX thứ hai ở huyện Tam Nông (sau Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tân Cường ở xã Phú Cường) tiến hành chuyển đổi thực hiện thắng lợi Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp, Đề án liên kết sản xuất nông lúa, gạo theo chuỗi giá trị trên địa bàn huyện Tam Nông và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế ở địa phương.

HTX chuyển đổi diện tích đất trồng lúa hơn 887ha, trong đó có 600ha sản xuất lúa 3 vụ/năm và trên 287ha sản xuất lúa 2 vụ/năm. HTX có 345 thành viên tham gia góp vốn điều lệ gần 7 tỷ đồng. Dịch vụ ngành nghề tăng từ 1 lên 5 dịch vụ, gồm: bơm nước tưới tiêu, sản xuất giống cây trồng, cung ứng vật tư nông nghiệp, vận chuyển hàng hóa và tư vấn kỹ thuật nông nghiệp. 

HTX tổ chức từng bước xây dựng mô hình chuỗi liên kết giá trị sản xuất lúa, gạo theo hướng bền vững, mang lại hiệu quả cho nông dân. Năm 2012, HTX đề xuất Phòng Nông nghiệp huyện Tam Nông xây dựng mô hình cánh đồng sản xuất theo hướng hiện đại (nay là cánh đồng lớn) gắn với tiêu thụ, với quy mô 200ha. Đến nay, HTX mở rộng quy mô hơn 887ha, sản xuất cùng một loại giống lúa Zacmine 85. Kết quả liên kết tiêu thụ với một số doanh nghiệp từ hè thu 2012 đến đông xuân 2015 với hơn 4.000 lượt hộ tham gia, bán hơn 26.000 tấn. Giá bán cao hơn bên ngoài 200 đồng/kg, tăng thêm lợi nhuận cho nông dân 5,2 tỷ đồng.

Nông dân tham gia HTX áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, như: quy trình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” nhằm giúp giảm chi phí đầu vào, tăng thêm lợi nhuận trên cùng một đơn vị diện tích. Kết quả cho thấy, giảm chi phí giá thành so bên ngoài bình quân 1,5 triệu đồng/ha. Qua 9 vụ triển khai canh tác 6.385ha, HTX giảm chi phí gần 10 tỷ đồng, mang lại lợi nhuận cho các thành viên gần 15 tỷ đồng so với sản xuất lúa truyền thống.

Ông Phạm Văn Đức - thành viên HTX bày tỏ: “Lúc đầu, tôi tham gia triển khai mô hình sản xuất theo hướng VietGAP có liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ có chút lo lắng. Tuy nhiên, sau khi thực hiện các vụ lúa, tôi nhận thấy cách làm của chính quyền địa phương, các doanh nghiệp, hợp tác xã rất khoa học và hợp lý nên vững tin”.

Ông Võ Văn Đào - Giám đốc HTX cho biết: “Từ khi HTX vận động các thành viên thực hiện mô hình cánh đồng liên kết gắn với doanh nghiệp tiêu thụ, nông dân hưởng lợi rất nhiều, nhất là việc giảm chi phí đầu tư trong sản xuất, gồm: giảm trên dưới 1 triệu đồng từ chi phí bón phân, thuốc bảo vệ thực vật; giá thành sản xuất giảm 365 đồng/kg lúa; lợi nhuận cao hơn từ 1,6 đến 2,7 triệu đồng/ha, thu nhập của thành viên tăng lên”.

Hướng tới, HTX cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh hỗ trợ Dự án xây dựng cánh đồng lớn gắn với chuỗi giá trị lúa gạo giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, áp dụng các thành tựu khoa học và công nghệ để giảm giá thành là mấu chốt quan trọng của cánh đồng lớn. HTX tranh thủ các nguồn vốn khác nhằm đi sâu vào chế biến để tăng giá trị nông sản, ổn định thu nhập cho thành viên.

HTX đa dạng hoá hợp tác đầu vào cũng như đầu ra trong chuỗi giá trị lúa gạo nhằm tránh lệ thuộc vào một đối tác để hạn chế rủi ro cho thành viên, nông dân khi thị trường bất ổn. HTX tiếp tục củng cố bộ máy trẻ hoá, chuyên môn hoá bộ phận chuyên môn làm tham mưu tốt cho Hội đồng quản trị để hoạt động theo đúng mục tiêu của luật Hợp tác xã năm 2012.

Theo Báo Đồng Tháp Online