Khẩn trương tái cơ cấu nông nghiệp
- Chủ nhật - 26/04/2015 01:39
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Thu nhập của người nông dân vẫn bấp bênh theo hạt lúa Ảnh: Hoàng Long Không chủ quan Thông tin tại buổi họp báo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên cho biết: tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2015 tiếp tục chuyển biến và đạt được kết quả tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. Chỉ số sản xuất công nghiệp tiếp tục xu hướng tăng, 4 tháng đầu năm tăng 9,4%, trong đó công nghiệp chế biến chế tạo tăng hơn 10%. Dù có chuyển biến như vậy nhưng nền kinh tế cũng gặp không ít khó khăn, thách thức, đó là nhập siêu gia tăng, có thể sẽ tạo sức ép lên tỷ giá và cán cân thanh toán quốc tế; tình hình thời tiết diễn biến bất thường, nhất là hạn hán gia tăng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp ở khu vực miền Trung và Nam Trung Bộ; việc tiêu thụ một số mặt hàng nông sản khó khăn… Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cũng cho biết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu không được chủ quan dù tình hình kinh tế xã hội đang được kiểm soát khá tốt. Phải theo dõi sát diễn biến lạm phát, giá dầu và biến động kinh tế thế giới để có điều chỉnh chính sách phù hợp, kịp thời. Bảo đảm tăng trưởng tín dụng hợp lý trong năm theo chỉ tiêu cả năm đã đề ra, tập trung tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên. Bảo đảm điều hành tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định, điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến của lạm phát. Thủ tướng chỉ đạo, phải giải quyết những kiến nghị bức xúc của người dân, không để tích tụ thành những mâu thuẫn lớn. Phải lắng nghe tiếng nói của người dân để nhận được sự đồng thuận.
Tháo gỡ khó khăn về thị trường tiêu thụ nông sản Truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên cho biết, thời gian tới Chính phủ sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh trên cả các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ. Bất kỳ lĩnh vực nào xuất hiện khó khăn cũng phải tập trung xử lý. Riêng về lĩnh vực nông nghiệp, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương theo dõi sát tình hình hạn hán ở miền Trung và Tây Nguyên, triển khai kịp thời các phương án bảo đảm phát triển sản xuất nông nghiệp và ổn định cuộc sống của người dân; đồng thời xử lý, tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ một số mặt hàng nông sản. "Trước mắt phải tập trung vào các giải pháp về thị trường và tiêu thụ, về lâu dài, phải tính toán chuyển đổi cơ cấu sản xuất”- Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết và nói thêm: Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung và đẩy mạnh Đề án tái cơ cấu nông nghiệp. Về tái cơ cấu DNNN, Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng quyết liệt chỉ đạo và trọng tâm là kế hoạch cổ phần hóa. Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ tái Đề án cơ cấu hệ thống ngân hàng giai đoạn 2 đã được thông qua gắn với quyết liệt xử lý nợ xấu. Tái cơ cấu ngân hàng, không để lặp lại tình trạng ngân hàng thương mại yếu kém. Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ, ngành triển khai đồng bộ các biện pháp khơi thông dòng vốn, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu và nhập siêu. Thủ tướng lưu ý Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước có các giải pháp bảo đảm cho thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững. Không để lặp lại tình trạng "bong bóng” bất động sản mà chúng ta đã mất rất nhiều thời gian để xử lý. Sự cố môi trường tại Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 đã được xử lý Làm rõ trách nhiệm sự cố Vĩnh Tân II và mất nguồn phóng xạ Tại buổi họp báo, trả lời về những sai phạm liên quan đến Metro Việt Nam và Công ty Honda Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, vừa rồi cơ quan thuế đã kiểm tra các DN có dấu hiệu sai phạm, trong đó có Công ty Honda Việt Nam. Theo đó, Công ty này đã bị xử phạt 182 tỉ đồng. "Tuy nhiên, vẫn còn 1 khoản tiền khá lớn DN chưa chịu chấp hành, nên chúng tôi đã áp dụng các biện pháp trong luật để xử lý sai phạm này”, theo ông Tuấn. Về tình trạng đứt cáp quang khiến nhiều vùng rớt mạng trong thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Bắc Son cho biết, đứt cáp xảy ra là vì chúng ta chưa có điều kiện làm một đường truyền cáp quang độc lập mà vẫn đấu nối chung với một số nước nên dễ xảy ra tình trạng đứt cáp. Việc đứt cáp có thể là do tàu bè, lưới cào va quệt vào. Sau sự cố năm ngoái, Bộ Thông tin- Truyền thông chỉ đạo các DN viễn thông phải gia cố hơn nữa đảm bảo an toàn tuyến cáp quang đồng thời các DN phải xây dựng các tuyến cáp quang mới, tránh ảnh hưởng đến người dùng. Đây là sự kiện bất khả kháng, nên rất cần sự chia sẻ của khách hàng. Trả lời các cơ quan báo chí về sự cố nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân II, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, sự cố nhà máy Vĩnh Tân liên quan đến trách nhiệm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã yêu cầu có giải pháp cấp bách ngăn chặn tình trạng phát tán bụi tro xỉ của nhà máy và xem xét quy hoạch bãi thải xỉ của Trung tâm điện lực Vĩnh Tân đảm bảo các yêu cầu về môi trường. Về lâu dài sẽ kiểm tra lại thiết kế về xử lý môi trường và làm rõ trách nhiệm với các cá nhân cụ thể để xảy ra những vi phạm này. Về lâu dài Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân phải có biện pháp xử lý khắc phục để dự án tuân thủ đúng thiết kế ban đầu. Nguyên Khánh |
Theo daidoanket.vn