Khoa học và công nghệ góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Từng bước tăng hàm lượng KH&CN trong sản phẩm, nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp có lợi thế. Đó là định hướng quan trọng đã được xác định trong Đề án “Tái cơ cấu ngành NN&PTNT theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020”.
Khoa học và công nghệ góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp
Nhờ ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất, ngành NN &PTNT đã nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh các loại nông sản chủ lực của tỉnh. Ảnh: Đại biểu thăm quan gian trưng bày nông sản chất lượng cao tại hội nghị điển hình tiên tiến ngành NN & PTNT thán

Trên thực tế những năm qua, việc tăng hàm lượng KH&CN trong một số sản phẩm chủ lực của tỉnh đã chứng minh được hiệu quả vượt trội, cho thấy vai trò không thể thiếu của KH&CN đối với sản xuất nông nghiệp nói riêng và lộ trình phát triển ngành nông nghiệp nói chung.  Nhằm góp phần nâng cao giá trị kinh tế cho các loại cây trồng, vật nuôi, hoạt động KH&CN đã chú trọng nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KH-KT vào bảo tồn và phục tráng các loại cây, con đặc sản của địa phương. Điển hình như nghiên cứu và xây dựng thành công bộ giống cam Cao Phong rải vụ với diện tích 1.200 ha cho thu hoạch kéo dài từ tháng 9 năm trước đến tháng 4 năm sau. Bảo tồn và phát triển quỹ gen của tỉnh như quýt Nam Sơn, hạt dổi Lạc Sơn, khoai sọ Phúc Sạn, tỏi tía, trâu ngố Tân Lạc... Nghiên cứu phục tráng thành công giống ngô nếp đặc sản Mai Châu. Nghiên cứu chọn giống có năng suất  cao, nhân giống, xây dựng vườn giống cây ghép cho một số loài cây lâm nghiệp bản địa lấy quả (dổi, sấu, tai chua...). Nghiên cứu phát triển một số giống bưởi đặc sản chất lượng cao. Khảo nghiệm, chọn lọc một số giống lúa thuần. Khảo nghiệm sản xuất và hoàn thiện quy trình canh tác hai giống lúa mới MĐ1 và MĐ25... Trong lĩnh vực thủy sản, ngành KH&CN đã tiến hành khảo sát nguồn lợi thủy sản và đề xuất giải pháp bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản trên vùng hồ sông Đà sau 30 năm tích nước; nuôi thử nghiệm cá tầm trên hồ Hòa Bình, cho đẻ nhân tạo thành công một số giống cá đặc sản sông Đà như cá lăng chấm, cá bỗng, trắm đen...
 
Đặc biệt, bám sát định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa có tính tập trung và bền vững cao, hoạt động KH&CN đã đóng vai trò là cầu nối quan trọng khi thực hiện các mô hình liên kết sản xuất: liên kết 4 nhà trong sản xuất bí xanh tại huyện Yên Thủy; liên kết 50-50 trong sản xuất cam tại huyện Cao Phong và Kim Bôi; liên kết trồng gừng tại huyện Đà Bắc... Các dự án thuộc nguồn vốn đầu tư phát triển cho KH&CN đã và đang phát huy hiệu quả rõ rệt. Điển hình như dự án ứng dụng công nghệ vào sản xuất phân hữu cơ vi sinh tại huyện Cao Phong; xây dựng phòng nuôi cấy mô và tế bào thực vật; ứng dụng công nghệ năng lượng mặt trời để cấp điện cho nhân dân vùng đặc biệt khó khăn tại huyện Cao Phong; xây dựng mô hình sản xuất, chế biến và tiêu thụ nấm ăn, nấm dược liệu quy mô công nghiệp và dự án ứng dụng KH&CN nuôi lợn siêu nạc theo phương thức công nghiệp... Cùng với việc tăng hàm lượng KH&CN trong một số sản phẩm chủ lực của tỉnh, trên địa bàn tỉnh đã bước đầu hình thành các vùng sản xuất tập trung cho hiệu quả kinh tế cao. Điển hình vùng cam ở Cao Phong cho thu nhập trên 500 triệu đồng/ha. Vùng bưởi ở Tân Lạc thu nhập trên 350 triệu đồng/ha. Vùng nhãn ở Kim Bôi thu nhập trên 250 triệu đồng/ha. Cây mía tím cho thu nhập trên 200 triệu đồng/ha. Ngoài ra còn có sự xuất hiện đầy thuyết phục của các loại cây trồng đặc sản như rau su su (trên 90 ha, cho thu nhập trên 200 triệu đồng/ha), tỏi tía (87 ha, thu nhập trên 250 triệu đồng/ha), bí xanh (thu nhập trên 120 triệu đồng/ha/vụ)...
 
Không dừng lại ở việc nâng cao giá trị gia tăng cho các loại nông sản chủ lực, ngành KH&CN đã tích cực triển khai các hoạt động nhằm xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Đến nay, tỉnh ta đã xây dựng được chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cam Cao Phong, nhãn hiệu tập thể cho rượu cần Hòa Bình, mía tím Hòa Bình, dệt thổ cẩm Mai Châu, hạt dổi Lạc Sơn, lặc lày hữu cơ huyện Lương Sơn... Đây là những kết quả quan trọng góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản, tạo động lực mạnh mẽ để tỉnh thực hiện thành công lộ trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
 
Đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhìn nhận: Những năm qua, hoạt động KH&CN của địa phương đã bám vào chiến lược phát triển KH&CN quốc gia, chiến lược phát triển KT-XH của tỉnh và đã góp phần thiết thực vào sự nghiệp phát triển KT-XH của địa phương thông qua số liệu tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đặc biệt là tăng hàm lượng KH&CN trong một số sản phẩm chủ lực của tỉnh. Xác định rõ vai trò quan trọng của KH&CN, định hướng xuyên suốt của tỉnh khi thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp là từng bước tăng hàm lượng KH&CN trong sản phẩm, giúp nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp có lợi thế. Bám sát định hướng này, lộ trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp sẽ có thêm nội lực để hiện thực hóa các mục tiêu đề ra, hướng tới mục tiêu chung là xây dựng nền nông nghiệp hiện đại với những giá trị bền vững.
 
                                                                                 Thu Trang
Theo baohoabinh.com.vn