Kỳ vọng từ tái cơ cấu nông nghiệp: Tìm “đầu tàu” lo thị trường
- Thứ bảy - 10/01/2015 09:21
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho biết: Từ cuối năm 2013, khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, Bộ NNPTNT và các địa phương đã bắt đầu triển khai quyết liệt, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Hiện Bộ NNPTNT đã ra một loạt các Đề án tái cơ cấu tiểu ngành nhỏ (trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy lợi, thủy sản...), cùng các kế hoạch hành động.
Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giúp đời sống nông dân cải thiện rõ rệt. Ảnh chụp tại vùng trồng rau mầu năng suất cao tại xã Kim Sơn, Đông Triều, Quảng Ninh. (Ảnh: Mạc Ly)
So với những năm trước, tình hình sản xuất và tiêu thụ nông sản năm nay có vẻ thuận lợi hơn, nhiều mặt hàng đã có đầu ra tốt, xuất khẩu tăng điển hình là thủy sản, tiêu, điều, tôm, cá tra, cà phê... Những dấu hiệu trên, có phải là do tác động “dội” lại từ Đề án tái cơ cấu nông nghiệp?
- Kết quả đạt được trong năm 2014 cho thấy, Đề án tái cơ cấu đang đi đúng định hướng về phát huy lợi thế, nhất là đã khơi thông thị trường, tập trung vào chất lượng và giá trị hơn là số lượng sản phẩm thô, giảm chi phí đầu vào, chi phí giao dịch và mục đích cuối cùng và quan trọng nhất vẫn là tăng lãi và tăng thu nhập cho người nông dân.
Có thể nhận thấy, cơ cấu các tiểu ngành có chuyển dịch tích cực theo định hướng thị trường, phát huy lợi thế so sánh. Trong trồng trọt, chúng ta đã chuyển dần từ lúa sang các cây trồng có thị trường và lãi cao hơn như ngô, rau màu. Về chăn nuôi, cơ cấu các loại thịt cũng có sự thay đổi hợp lý, theo đúng nhu cầu thị trường. Tốc độ chuyển dịch cơ cấu chăn nuôi từ quy mô hộ nhỏ lẻ sang quy mô lớn hơn diễn ra với tốc độ khá nhanh. Các ngành còn nhiều dư địa tăng trưởng như lâm nghiệp và thủy sản đạt được thành tích vô cùng ấn tượng, tăng khoảng 6% trong đó nuôi trồng tăng 12,8%, xuất khẩu đạt gần 8 tỷ USD, tăng 18%...
Mặc dù năm 2014 được đánh giá là năm tương đối thành công của ngành nông nghiệp, nhưng đứng trên góc độ sản xuất hiện nay, người nông dân – chủ thể sản xuất vẫn chưa thoát khỏi tình trạng “tự bơi” trong khi phải đối phó với rất nhiều rủi ro thường trực. Động lực để họ bám ruộng, bám đất sản xuất đang ngày càng giảm. Đây có phải là vấn đề đáng lo ngại về tính bền vững trong tái cơ cấu ngành, thưa ông?
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận vào thực tế hiện nay, đó là quá trình tích tụ và tập trung ruộng đất còn chậm. Điểm tích cực trong thời gian qua là sự phát triển của mô hình cánh đồng lớn, chủ yếu trong ngành lúa gạo tại ĐBSCL. Tôi cho rằng, điểm mấu chốt nhất là huy động sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân, làm đầu tàu về thị trường, vốn và công nghệ để dẫn dắt chuỗi giá trị nông nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế.
Năm 2014 ghi nhận sự thay đổi mạnh mẽ hành vi của các doanh nghiệp tư nhân đối với nông nghiệp khi có một loạt doanh nghiệp “đại gia” lớn đầu tư hoặc chuẩn bị các dự án đầu tư lớn vào nông nghiệp. Song nhìn chung số lượng doanh nghiệp và số vốn đầu tư vào ngành nông nghiệp còn thấp, đặc biệt trong bối cảnh suy thoái kinh tế và các hệ lụy của nợ xấu.
Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, với lộ trình tất yếu phải thực hiện, nhiều Hiệp định được ký kết, nếu việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp không tiến hành một cách khẩn trương, thì e rằng, sản phẩm nông nghiệp trong nước sẽ khó lòng trụ vững trước rào cản thương mại từ các nước nhập khẩu cũng như sự cạnh tranh mạnh mẽ từ sản phẩm cùng loại của các nước vào Việt Nam?
- Việc Việt Nam tham gia đàm phán các hiệp định thương mại được kỳ vọng sẽ giúp tăng trưởng xuất khẩu những mặt hàng nông sản mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh; thu hút đầu tư tài chính, kỹ thuật, công nghệ lớn, năng động và tiến bộ nhất thế giới. Tuy nhiên, nông nghiệp Việt Nam hiện gặp nhiều thách thức khi tham gia các hiệp định này, đó là phải gia tăng cạnh tranh và áp lực tới sản xuất, làm thu hẹp một số lĩnh vực sản xuất có khả năng cạnh tranh thấp như sản phẩm chăn nuôi (thịt, sữa), đậu nành, bông...
Những hạn chế trên đòi hỏi phải xử lý trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp. Hội nhập kinh tế quốc tế phải gắn với quá trình tái cơ cấu. Theo đó, ngành nông nghiệp cần tập trung phát triển những ngành hàng có sức cạnh tranh cao hoặc có tiềm năng phát triển trong tương lai, nâng cao chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm...
Xin cảm ơn ông!
Ngọc Lê - Hà Vũ
Theo danviet.vn