Liên kết sản xuất là nền tảng
- Thứ sáu - 20/09/2013 04:10
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Về vấn đề này, ông Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: Đồng Tháp đang hướng đến xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo, trong đó yếu tố liên kết của người SX phải được nâng lên. Điểm nghẽn hiện nay là SX manh mún. Đất đai đã manh mún thì người SX cũng đi theo dẫn đến mỗi người SX theo một quy trình, hay một loại hàng hóa làm cho DN ngán ngại đầu tư.
Liên kết SX là nền tảng phát triển nền nông nghiệp ở Đồng Tháp
Tỉnh Đồng Tháp chúng tôi không dùng từ CĐML mà dùng cánh đồng liên kết. Tức là liên kết trong mô hình SX và liên kết giữa người SX và DN. Chúng ta không thể đến từng hộ nông dân được mà phải thông qua tổ hợp tác, HTX. Chính quyền đóng vai trò tạo chất xúc tác để gắn kết giữa DN và nông dân.
Tuy nhiên, tôi từng phát biểu, hình thành cánh đồng liên kết đừng nghĩ mọi chuyện tốt đẹp hết. Cánh đồng liên kết nó không giúp giá cả tăng lên mà giá cả là do cung cầu thị trường quyết định. Cốt yếu ở đây là mối liên kết giữa DN cung ứng vật tư đầu vào và đầu ra sản phẩm với nông dân.
Từ đó kéo giá thành SX xuống, nâng cao được thu nhập. Nói đơn giản là đừng kỳ vọng chính quyền tỉnh nâng được giá cả tăng lên mà người SX nên tìm mọi cách để hạ giá thành đầu tư xuống.
Đã là kinh tế thị trường thì chúng ta nên lường trước các yếu tố rủi ro từ chuỗi liên kết giữa người SX và DN. Chúng ta phải ngồi lại để cùng giải quyết rủi ro. Chúng tôi kêu gọi DN đầu tư vào tỉnh chưa bao giờ nói hoàn toàn là tiềm năng mà không có khó khăn.
Và tỉnh Đồng Tháp cũng không khuyến khích hay hỗ trợ DN chung chung mà đưa ra thông điệp cụ thể: DN đến không để bị thiệt thòi. Chính vì vậy, các DN đến làm ăn theo mô hình liên kết đều được lãnh đạo tỉnh lắng nghe, chia sẻ và cùng giải quyết vướng mắc.
Một vấn đề nữa, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp xem vai trò của DN là nhà tư vấn, chính họ tham gia cùng lãnh đạo tỉnh và nông dân cùng quy hoạch SX. Trước đây chúng ta quy hoạch SX chỉ do bộ phận kỹ thuật làm nên họ đâu có nắm yếu tố thị trường. Chẳng hạn nuôi con gì, trồng giống nào, diện tích bao nhiêu có thể chỉ làm theo cảm tính.
Cách làm đó không quyết định bóng dáng thị trường, bóng dáng DN, đó chính là yếu tố cần nhìn lại khi xây dựng vùng SX liên kết. Chính quyền làm sao biết hết được nước này cần giống gì, nước kia cần con gì vì vậy mới cần sự năng động của DN. Nếu thời điểm này chúng ta không sớm thay đổi sẽ lặp lại tư duy cũ.
Đồng Tháp phấn đấu đến năm 2020 đạt 80% SX theo chuỗi liên kết. Ngoài lúa gạo ra các nông sản khác trong tỉnh đều phải nằm trong chuỗi liên kết. Lúc đó, người SX hoàn toàn yên tâm trong vấn đề đầu ra của sản phẩm.
Kinh tế hợp tác lúc đó không chỉ đơn thuần mà trở thành những HTX dịch vụ và đa dịch vụ để tạo thành sức sống mới ở nông thôn. Như vậy, HTXNN mang tầm quan trọng và có dấu ấn lớn.
Để thực hiện việc liên kết này, ngay bây giờ HTX nào trong tỉnh thấy đủ mạnh và làm ăn có hiệu quả thì tỉnh bắt đầu đầu yểm trợ cho HTX đó. Hiện nay, nhiều HTX còn yếu kém do vấn đề nhận thức và trình độ chưa cao. Thay đổi nhận thức và nâng cao nhân lực của HTX đòi hỏi phải có quá trình.
Giờ chúng ta giải sai bài toán HTX, cứ ngồi lại họp đưa ra nhiều vấn đề muốn tất cả đều tốt, nhưng nhìn lại nguồn lực không có và đối tượng cũng chưa sẵn sàng. Mỗi địa phương quy định là phải thành lập bao nhiêu HTX đó là chỉ để chạy theo thành tích.
Lê Hoàng Vũ
Nguồn nongnghiep.vn