Liên kết tiêu thụ nông sản còn lỏng lẻo

Liên kết tiêu thụ nông sản còn lỏng lẻo
Ngày 8-6, bên lề phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khoá XIII, phóng viên Nhân Dân điện tử đã ghi nhận ý kiến của một số đại biểu Quốc hội về vấn đề liên kết trong sản xuất nông nghiệp.
Liên kết tiêu thụ nông sản còn lỏng lẻo

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng): Liên kết tiêu thụ nông sản thực hiện còn lỏng lẻo

Trước hết, cần thấy rằng chủ trương liên kết giữa người nông dân với những người làm công tác phân phối, lưu thông theo chủ trương của Chính phủ là chủ trương đúng, thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX của Đảng về kinh tế tập thể. Với hình tượng để dễ hiểu là liên kết bốn nhà, nhưng thực chất, trong hai năm qua, chúng ta chưa có mô hình đủ sức thuyết phục người dân. Và đến bây giờ, qua hai năm triển khai, chúng ta dần phải chấp nhận thực tế là không có một mô hình duy nhất cho các loại hình sản phẩm mà mỗi một loại sản phẩm phải có một mô hình sản xuất. Cho nên, nếu không mở rộng phạm vi sáng tạo của người nông dân và hướng dẫn người nông dân tham gia vào quá trình chuỗi giá trị của sản xuất nông nghiệp thì chúng ta sẽ thấy phần thiệt thòi luôn thuộc về nông dân.

Về lý do doanh nghiệp Việt Nam chưa mặn mà đối với các mặt hàng nông sản, một trong những vấn đề, theo tôi xác định, là chúng ta đã tiến hành cổ phần hóa hệ thống thương nghiệp xã hội chủ nghĩa quá nhanh. Và sau khi chúng ta tiến hành cổ phần hóa hệ thống thương nghiệp xã hội chủ nghĩa thì chúng ta không đủ sức để hình thành các doanh nghiệp thí dụ, SaigonCoopmart, để chúng ta làm khâu "bà đỡ" kết nối người nông dân với thị trường. Cho nên chúng ta để người nông dân phải một mình "bươn chải" trong thị trường mà nó mới hình thành. Theo cá nhân tôi cho rằng, một trong những vấn đề quan trọng nhất là chúng ta đã không thực hiện được khâu kinh tế tập thể, phân chia quyền lợi ở trong khâu phân phối lưu thông.

Điểm yếu nhất của chúng ta là sự liên kết ở hai khâu: sự liên kết của nhà khoa học với người nông dân và khâu thứ hai là khâu liên kết của người nông dân với thị trường. Trong liên kết đó, nếu chúng ta không lấy người nông dân là trung tâm mà chúng ta đặt nó vào trong một liên kết ngang thì nó sẽ không có tác dụng.

*Đại biểu Cao Sĩ Kiêm (Thái Bình): Dường như mới ra định hướng

Câu chuyện tiêu thụ nông sản trong thời gian qua rất được quan tâm. Chúng ta đã có các giải pháp liên kết bốn nhà trong tiêu thụ sản phẩm nhưng dường như mới định ra định hướng. Những vấn đề lớn cần giải quyết như quy hoạch, kế hoạch, tìm hiểu thị trường, phối hợp, có chính sách hỗ trợ cho nông dân tiêu thụ sản phẩm để họ áp dụng khoa học công nghệ tiêu thụ sản phẩm… chưa có kết quả.

Để cạnh tranh với nước ngoài, hàng đưa ra nước ngoài đòi hỏi phải có chất lượng, hợp thị hiếu hoặc có phương pháp dự báo, nhưng phần lớn chúng ta để tự nông dân tự tìm hiểu, tự giải quyết cho nên gặp nhiều khó khăn vì giải quyết những vấn đề đồng bộ, dài hạn đó chưa sát sao, chưa thống nhất.

 

 

*Đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh): Liên kết cần vào cuộc đồng bộ, cương quyết

Về mặt văn bản, chủ trương liên kết tiêu thụ nông sản không còn thiếu. Nhưng trong quá trình thực hiện, khâu phối - kết hợp giữa các bộ, ngành, và doanh nghiệp chưa hiệu quả,

Thứ hai, công tác phối hợp với địa phương cũng cần chú trọng. Người dân làm theo tự phát thấy cây gì có giá thì chạy theo. Cứ như thế, điệp khúc được mùa mất giá lại tiếp tục. Theo tôi, các bộ, ngành địa phương phải vào cuộc đồng bộ, cương quyết.

Còn chuyện liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp yếu, rõ ràng do ràng buộc giữa doanh nghiệp và nông dân không tốt, trong lúc thực hiện phá vỡ hợp đồng. Khi doanh nghiệp ký hợp đồng với nông dân, giá nông sản thấp hơn, doanh nghiệp bỏ. Còn nông dân, khi giá lên cao hơn cũng bỏ doanh nghiệp.

Do đó, cần cơ chế ràng buộc, hợp đồng mang tính pháp lý, chứ không phải là hợp đồng ghi nhớ.

 

*Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai): Có điểm nghẽn cần tháo gỡ.

 

Tôi đánh giá rất cao sự nỗ lực của Chính phủ, các ngành, các cấp trong việc điều hành thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội từng năm cũng như cả giai đoạn thực hiện kế hoạch phát triển - xã hội năm năm. Đến giờ phút này, điểm sáng trong công tác chỉ đạo, điều hành là đã kiểm soát được lạm phát. Điểm quan trọng thứ hai là các thể chế, nhất là thể chế đột phát về ba lĩnh vực đột phá về kinh tế, đầu tư kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, cải cách hành chính có bước chuyển tốt.

Tuy nhiên, điểm nghẽn cần quan tâm hiện nay là việc thể chế hóa các luật đã ban hành, các văn bản quy phạm pháp luật bằng các cơ chế chính sách cụ thể hóa các luật đã có hiệu lực còn chậm. Điều này ảnh hưởng đến việc tổ chức điều hành của từng ngành, từng cấp, kể cả việc thanh - kiểm tra của ngành cấp trên đối với các cấp chính quyền địa phương còn hạn chế dẫn đến kết quả đạt được chưa cao. Điểm nghẽn đó cần được tháo gỡ.

Giai đoạn kết quả chuẩn bị kết thúc giai đoạn 2010-2015 tạo tiền đề cho giai đoạn tiếp theo, tôi nghĩ là một trong những giải pháp để thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững, quan trọng là trách nhiệm của từng ngành, từng cấp. Cần thể chế hoá cụ thể bằng luật. Tại kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ thông qua Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Trong hai dự thảo Luật Quốc hội đang xem xét, tôi cho rằng việc quy định về phân định thẩm quyền, thẩm quyền, trách nhiệm của bộ, ngành T.Ư với địa phương tương đối rõ. Nhưng tôi mong cần thể chế hoá bằng luật cho đi vào thực tiễn cuộc sống. Để giúp cho từng ngành từng cấp, từ T.Ư, địa phương điều hành có kết quả.

Trong nguyên tắc quy định về phân định thẩm quyền giữa TƯ và địa phương, cần làm rõ trong nguyên tắc phân định, phân cấp: Rõ việc, rõ địa chỉ, rõ trách nhiệm.

Tôi mong Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương cần quan tâm quy định rõ trách nhiệm của từng cấp từng ngành trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ của mình.

*Đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh): Hỗ trợ tín dụng dưới chuẩn để cứu doanh nghiệp

Có hai chương trình tín dụng để cứu doanh nghiệp mà TP Hồ Chí Minh đang thực hiện hiệu quả và cần nhân rộng để có tính lan tỏa toàn xã hội.

Đó là chương trình hỗ trợ giữa Nhà nước, ngân hàng với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp. Sau ba năm, từ chương trình này, khoảng 5.200 doanh nghiệp được vay, thoát qua giai đoạn khó khăn và có thể đứng vững. Chương trình có tác dụng trong việc hỗ trợ tín dụng dưới chuẩn cho doanh nghiệp, thành ra cứu được nhiều doanh nghiệp. Đồng thời, góp phần phục hồi sản xuất, góp phần tăng trưởng.

Không có ngân hàng thương mại nào dám cho một doanh nghiệp nợ xấu đi vay cả, chỉ có chương trình nối kết, chia sẻ rủi ro, trách nhiệm mới có kết quả như vậy.

Ba năm qua, số tiền chương trình này cho vay lũy kế ở TP hồ Chí Minh lên đến gần 200 nghìn tỷ đồng. Chương trình này cần được nhân rộng nhiều nơi.

Thứ hai, chương trình tập trung phát triển tín dụng năm lĩnh vực ở TP Hồ Chí Minh trong mấy năm gần đây. Năm lĩnh vực này chiếm 70% tổng dư nợ tín dụng.

Tuy nhiên, tới giai đoạn hiện nay, nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp làm ăn tốt đang đón nhận các hiệp định thương mại tự do cũng như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) phải tái cơ cấu, đầu tư mới, họ cần gói tín dụng trung hạn rẻ hơn một chút. Nhiều doanh nghiệp bức xúc tại sao bất động sản có những gói như thế mà trong lĩnh vực này không có những gói tín dụng đặc biệt để hỗ trợ tái cấu trúc. Đó là vấn đề Chính phủ cần quan tâm trong năm 2015 này.

Các chương trình này tạo sự lan tỏa rất lớn, trong đó có doanh nghiệp xuất nhập khẩu, doanh nghiệp nông nghiệp. Đừng nghĩ mang tiền ra nông thôn cho vay mới tác động đến khu vực này mà phải nhờ tính lan tỏa của nó. Tôi nghĩ các chương trình này là rất cần thiết.

Theo: nhandan.com.vn