Liên minh sản xuất nông nghiệp cho hiệu quả cao

Tham gia liên minh sản xuất, năng suất tăng, có đầu ra ổn định cho sản phẩm với giá cao, lợi nhuận tăng, thất thoát giảm...
Ảnh minh hoạ

Ban quản lý dự án cạnh tranh nông nghiệp tỉnh Đắc Lắc tổng kết 5 năm thực hiện dự án. Với  số vốn thực hiện gần 9,4 triệu USD (chủ yếu do Hiệp hội quốc tế IDA và Chính phủ Việt Nam tài trợ), dự án đã xây dựng nhiều mẫu hình liên minh nông nghiệp hiệu quả, đưa vào thực tế một số công nghệ nông nghiệp thiết yếu và hỗ trợ xây dựng hạ tầng tại một số thôn, xã vùng sâu của tỉnh, bước đầu tạo những đổi thay đáng kể trong sản xuất nông nghiệp tại phương.

Theo bà H’Vơt Niê ở buôn Thap Prong, xã Chư Ê-bua, thành phố Buôn Ma Thuột, trước khi tham gia Liên minh cà phê Chư Ê-bua, năng suất cà phê của gia đình bà cùng như nhiều hộ khác, chỉ đạt từ 1,5 tấn đến gần 2 tấn nhân mỗi héc-ta. Nguyên nhân là vườn cây không được chăm sóc đúng kỹ thuật, nhiều cây là giống kém nên trái rất ít.

Tham gia liên minh, hơn 180 hộ trong xã được hỗ trợ phân bón, hướng dẫn quy trình sản xuất, từ chăm sóc theo từng thời kỳ sinh trưởng của cây, tới thu hoạch sản sản phẩm. Những cây kém chất lượng trong vườn đều được cưa đốn, ghép chồi giống mới để nâng cao năng suất.

Đến nay, bà con rất hài lòng vì không chỉ năng suất cà phê đã cao gấp rưỡi so với trước, mà trình độ canh tác cà phê của mỗi người cũng đều được nâng lên. Khi bà con bán cà phê, được công ty thu mua với giá cao hơn.

Theo Ban quản lý dự án cạnh tranh nông nghiệp tỉnh Đắc Lắc, qua 5 năm thực hiện, đã có hơn 21 nghìn hộ tham gia dự án, với 13 liên minh sản xuất được thành lập, khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, đem lại lợi ích cho cả nông dân và doanh nghiệp trong liên minh. Dự án cũng đã triển khai hàng chục mô hình sản xuất mới, chuyển giao được một số công nghệ thiết yếu trong sản xuất nông nghiệp, trong đó công nghệ ghép chồi cà phê đem lại hiệu quả rõ nét nhất, được ứng dụng rộng rãi trên hàng chục nghìn héc ta cà phê tại địa phương.

Ông Nguyễn Quang Thụ, Phó Giám đốc Dự án cạnh tranh nông nghiệp tỉnh Đắc Lắc cho rằng, dự án đã chứng minh được hiệu quả của mình bằng những kết quả rất trực quan: Năng suất tăng từ 38% đến 86%; lợi nhuận của các doanh nghiệp tham gia dự án cũng tăng khoảng 138%; thất thoát sau thu hoạch giảm được 28%, chi phí vận chuyển cũng giảm. Hiện nay, những hộ ngoài dự án cũng đã liên kết lại với nhau, ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao được năng suất và chất lượng sản phẩm
                                                                                                                                                                                                        Theo xaluan.com