Lộc Hà: Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với liên kết vùng sản xuất
- Thứ ba - 19/11/2013 02:52
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Thắng lợi toàn diện
Năm 2013, tổng diện tích gieo trồng toàn huyện đạt 7.777 ha, sản lượng lương thực có hạt đạt 22.566 tấn. Trong đó lúa 4.818,8 ha, năng suất bình quân cao nhất từ trước đến nay - 45,8 tạ/ha. Huyện chú trọng cơ cấu các giống mới như BTE-1, TH3-3, Syn6, VTNA2, Bio404... trên diện tích rộng, cho năng suất, chất lượng cao. Diện tích các loại cây như lạc, ngô, đậu, vừng, khoai lang... phát triển ổn định, năng suất cao hơn so với năm 2012.
Mô hình bí xanh tre việt tại xã Thạch Châu (Lộc Hà). |
Lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản cũng có bước tăng trưởng khá về số lượng và giá trị. Chăn nuôi bò phát triển mạnh với tổng đàn trâu bò đạt 12.785 con. Đặc biệt, toàn huyện hiện có 75 mô hình nuôi bò nhốt, quy mô từ 5 con trở lên, trong đó nhiều mô hình trên 25 con, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Ngư trường đánh bắt, khai thác thủy sản không ngừng được mở rộng với 332 phương tiện tàu, thuyền tham gia khai thác, tổng công suất 11.035 CV.
Trên cơ sở các chính sách của tỉnh, Lộc Hà đã xây dựng, ban hành hệ thống chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn khá đồng bộ. Các chính sách được tuyên truyền sâu rộng đến tận cán bộ, nhân dân để nghiên cứu, tiếp cận, tạo động lực cho phát triển sản xuất. Tổng kinh phí thực hiện chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn toàn huyện năm 2013 ước đạt trên 20,4 tỷ đồng (đến 30/10/2013 đã thực hiện trên 15 tỷ đồng). Trong đó, hỗ trợ khuyến khích phát triển nông nghiệp theo Quyết định 24 của UBND tỉnh, Quyết định 660 của UBND huyện đạt 9,1 tỷ đồng...
Điểm nhấn trong phát triển nông nghiệp năm 2013 của Lộc Hà chính là việc xây dựng, nhân rộng các mô hình kinh tế gắn với xây dựng NTM. Từ đầu năm đến nay, huyện đã xây dựng mới 49 mô hình SXKD hiệu quả, trong đó có 25 mô hình dự kiến doanh thu trên 1 tỷ đồng, 8 mô hình doanh thu 500 triệu - 1 tỷ đồng. Điển hình là HTX Chế biến thủy sản Thiên Phú (Thạch Kim), HTX Thủy sản Loan Hoan (Thạch Châu); nuôi tôm thâm canh công nghiệp Phú Mại (Hộ Độ); nuôi tôm trong ao lót bạt tại vùng Bình Định - Thạch Châu; nuôi lợn tập trung ở HTX 27/7 (Thịnh Lộc); cánh đồng mẫu sản xuất giống lúa BTE1 (An Lộc)…
Giải pháp đột phá
Thực tế cho thấy, với những giải pháp đồng bộ, có trọng tâm được triển khai, giá trị sản xuất nông nghiệp của Lộc Hà liên tục tăng trưởng qua từng năm, nhưng những khó khăn, thách thức đặt ra không hề ít. Do đó, năm 2014, huyện xác định đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với liên kết vùng chính là giải pháp trọng tâm, khâu đột phá trong sản xuất nông nghiệp.
Cùng với tập trung triển khai có hiệu quả đề án sản xuất vụ xuân, kế hoạch sản xuất năm 2014, Lộc Hà đặc biệt chú trọng xây dựng và triển khai có hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; phát triển các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực theo liên kết vùng; thực hiện tốt phương châm “3 hóa” (doanh nghiệp hóa, xã hội hóa, liên kết hóa), ưu tiên bố trí đủ nguồn lực để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp; tập trung phát triển sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực nhằm chuyển mạnh cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng tăng giá trị gia tăng, phát triển thị trường, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.
Bên cạnh đó, huyện tiếp tục chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác chuyển đổi, tích tụ ruộng đất; chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu giống, mùa vụ, phương thức sản xuất; tổ chức lại sản xuất theo hướng cánh đồng mẫu liên doanh, liên kết với doanh nghiệp; quy hoạch lại đồng ruộng, khuyến khích liên kết hình thành các vùng tập trung thâm canh sản xuất hàng hóa, áp dụng tiến bộ KHKT, đưa cơ giới vào sản xuất. Phát huy lợi thế trong phát triển chăn nuôi, Lộc Hà xây dựng thêm nhiều mô hình nuôi bò nhốt quy mô 5 con trở lên, trong đó có 7-10 mô hình nuôi trên 100 con; đẩy mạnh chương trình zêbu hóa đàn bò; phát triển thêm 5 mô hình nuôi lợn theo hình thức trang trại tập trung, liên doanh - liên kết... Huyện đặc biệt quan tâm việc tạo môi trường thuận lợi thu hút các thành phần kinh tế đầu tư chăn nuôi trang trại tập trung quy mô lớn, liên doanh, liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với hộ nông dân, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ để phát triển bền vững.
Cùng với đó, huyện từng bước củng cố, hoàn thiện hạ tầng nuôi trồng thủy sản tại các vùng tập trung; khuyến khích tích tụ mặt nước, chuyển đổi các diện tích sản xuất muối kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản. Trong đó, diện tích nuôi trồng thủy sản được mở rộng theo hướng thâm canh, đặc biệt là tôm và các loại thủy đặc sản có giá trị cao. Nâng cao năng lực đánh bắt của tàu thuyền, phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ và tiếp tục thành lập các tổ hợp tác khai thác thủy sản nhằm chia sẻ thông tin về ngư trường, hỗ trợ nhau xử lý rủi ro trên biển, đảm bảo an toàn cho ngư dân.
Một vấn đề cũng được huyện đặc biệt chú trọng đó là tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Chính sách hỗ trợ đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tư thương làm đầu mối thu mua, bảo quản, chế biến và tiêu thụ hàng hóa cho nông dân; đồng thời hỗ trợ người sản xuất tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản; phát triển các tổ hợp tác, HTX để kết nối người sản xuất với các doanh nghiệp từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Đặc biệt là phát triển các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực có lợi thế, xây dựng thương hiệu, thành lập các hiệp hội ngành hàng để điều phối hoạt động, liên kết sản xuất, hỗ trợ thông tin, tìm kiếm ngư trường.
Trần Văn Nghĩa
Nguồn baohatinh.vn