Muốn phát triển nông nghiệp, phải tập trung đất đai?

Muốn phát triển nông nghiệp, phải tập trung đất đai?
Nhiều chuyên gia cho rằng, còn sản xuất manh mún, nông nghiệp Việt Nam không thể bứt phá, đời sống nông dân tiếp tục khó khăn.


Đất đai manh mún, năng suất lao động tụt hậu

Theo ông Nguyễn Ngọc Quế, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Chính sách Nông nghiệp, đất đai là nguồn lực quan trọng đối với quốc gia trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội; đối với hộ gia đình, trong quá trình đảm bảo an ninh lương thực và sinh kế bền vững. Thay đổi việc tiếp cận, quản lý và sử dụng đất đai là một phần quan trọng của quá trình phát triển và cải cách kinh tế. 
 

Ruộng đồng manh mún cản trở cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp (Ảnh: baoquangninh)

Phân tích cụ thể hơn, TS Nguyễn Trung Kiên, Trung tâm Tư vấn Chính sách Nông nghiệp, dẫn chứng: Ở nước ta, quyền sử dụng đất là một tài sản quan trọng trong việc tạo công ăn việc làm, thu nhập và đảm bảo sinh kế cho 70% dân số sống ở khu vực nông thôn, và trên 50% lực lượng lao động có sinh kế phụ thuộc vào hoạt động nông nghiệp, trong đó đất đai là yếu tố sản xuất chính.

Trong khi đó, diện tích đất nông nghiệp bình quân đầu người ở Việt Nam là 1560,4 m2, chưa bằng 1/3 so với Thái Lan và Campuchia (khảo sát của World Bank, 2009). Theo kết quả Khảo sát mức sống cư dân Việt Nam (VHLSS, 2010), 70% hộ gia đình ở nông thôn có diện tích đất nông nghiệp dưới 0,5 ha. Số hộ có diện tích trên 3 ha chiếm một tỷ trọng rất nhỏ.

Sáng 9/11, Oxfam phối hợp với Trung tâm Tư vấn Chính sách Nông nghiệp thuộc Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (CAP/IPSARD), tổ chức hội thảo về “Tập trung đất đai vì người nghèo tại Việt Nam”.

 

 

Bên cạnh quy mô nhỏ, mức độ manh mún đất đai ở Việt Nam rất cao. Trung bình một hộ có 5 -7 mảnh đất khác nhau, tổng khoảng cách từ nơi ở đến ruộng của các hộ dân là khoảng 4,7km (VARHS, 2010). Mức độ manh mún và phân tán đất đai khác nhau giữa các vùng do những đặc thù về điều kiện địa hình, mật độ dân số, cách phân bổ đất đai, yếu tố văn hóa và lịch sử.

Đất đai manh mún là nguyên nhân chính khiến năng suất lao động của Việt Nam tụt hậu so với các nước trong khu vực (nghiên cứu của CAP, 2013). Năng suất lao động trong nông nghiệp của Việt Nam luôn thấp nhất so với các nước trong khu vực và tăng rất chậm, đặc biệt tụt hậu so với các nước trong khu vực từ năm 2005 trở lại đây. Hiện nay, giá trị gia tăng nông nghiệp trên mỗi lao động của Việt Nam năm 2011 đạt chưa tới 400 USD/người, thấp hơn cả Lào và Campuchia.

Tập trung đất đai để tăng năng suất và thu nhập cho nông dân

Nhiều chuyên gia đều cho rằng, đối với người nghèo ở vùng xa xôi hẻo lánh, sinh kế thường phụ thuộc đáng kể vào nguồn lợi do đất đai mang lại thông qua quá trình sản xuất hoặc vì các mục đích sử dụng khác, bao gồm cả chuyển quyền sử dụng. Trong bối cảnh phát triển, đặc biệt phát triển nông nghiệp, việc tập trung một phần đất đai là cần thiết để góp phần tăng năng suất và thu nhập cho nông dân với điều kiện quá trình tập trung đất đai phải được thực hiện theo cách mà có thể mở rộng các lựa chọn cho người dân nhằm cải thiện an sinh.

Trong bối cảnh đó, GS Đặng Hùng Võ nhấn mạnh: “Để phát triển phải tập trung đất đai, vì không thể để tình trạng mỗi hộ 1 sào ruộng mà nói nông nghiệp Việt Nam sẽ hiện đại lên. Nhưng vấn đề là cần làm thế nào để giảm hao hụt, thất thoát và tăng lợi ích cho người dân khi thực hiện tập trung đất đai”.

Còn TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương, cũng đồng ý cần có sự tập trung đất đai, nhưng ông cũng lưu ý: Để phát triển nông nghiệp, giải quyết tận gốc vấn đề của nông nghiệp, nông thôn và nông dân, phải xây dựng được thể chế cho nó. Thể chế đó phải hỗ trợ việc gắn lợi thế về quy mô ruộng đồng với sản xuất và thị trường. Đồng thời, sản xuất phải theo chuỗi giá trị. Cùng với đó, phải có cách để ruộng đồng có thể hấp thụ được vốn và công nghệ phục vụ phát triển. Hơn nữa, thể chế này phải tạo ra cho việc phát triển, tích tụ đất đai gắn với đặc thù chính trị, truyền thống xã hội, trong đó đặc biệt là gắn với quyền của nông dân.

Chọn mô hình tập trung đất đai phải có đồng thuận của các bên tham gia

TS Nguyễn Trung Kiên còn nêu một thực tế: Tập trung đất đai (TTĐĐ) là chủ trương lớn đã được đặt ra trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) và Nghị quyết Trung ương 7 về vấn đề nông nghiệp - nông dân - nông thôn (Tam Nông) để tiến đến một nền sản xuất nông nghiệp hiện đại.

Tuy nhiên, chủ trương và chính sách đất đai hiện còn mâu thuẫn giữa một bên là những nhóm chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình TTĐĐ, nhằm tăng hiệu quả kinh tế, và bên kia là các nhóm chính sách hướng tới đảm bảo công bằng, ổn định xã hội, tránh phân hoá giàu nghèo.

Hơn nữa, “quá trình triển khai các chính sách TTĐĐ trên thực tiễn gặp rất nhiều vướng mắc, thách thức khiến cho các chính sách này khó áp dụng, hoặc nếu có thì dễ dẫn đến mâu thuẫn và bất ổn xã hội”- TS Kiên nhấn mạnh.

Bởi vậy, thay mặt nhóm nghiên cứu của Trung tâm Tư vấn Chính sách Nông nghiệp, TS Kiên đề xuất giải pháp rằng, TTĐĐ phải trên cơ sở quan điểm: Quá trình TTĐĐ cần phải gắn với tính công bằng, bền vững và hiệu quả. Mục tiêu của TTĐĐ cần hướng tới cải thiện cuộc sống cho người nông dân, tiếp cận đất đai, và xử lý các xung đột liên quan tới đất đai;

Các chính sách thúc đẩy TTĐĐ cần tổng thể, đồng bộ, gắn với mục tiêu phát triển  đất nước bền vững; Việc lựa chọn các mô hình TTĐĐ cần phải gắn với điều kiện cụ thể của từng địa phương, loại cây trồng, thị trường đầu vào, đầu ra, do cộng đồng quyết định và đạt được sự đồng thuận cao của các bên tham gia./. 

Xuân Thân
Nguồn VOV online