Nâng cao chất lượng giống cây trồng, vật nuôi: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học

Nâng cao chất lượng giống cây trồng, vật nuôi: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học
Muốn thực hiện tốt đề án tái cơ cấu nông nghiệp, cải tiến chất lượng giống cây trồng – vật nuôi được xem là giải pháp đột phá để nâng cao năng suất, chất lượng. Tuy nhiên, hiện nay, năng lực của hầu hết các cơ sở sản xuất giống còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất hàng hóa, hướng tới xuất khẩu.

Chưa đáp ứng được yêu cầu

Đến hết năm 2013, cả nước có 652 tổ chức, cá nhân sản xuất giống cây trồng được các tỉnh, thành phố cấp mã số. Trong đó, có 298 công ty giống, 79 trung tâm giống, còn lại là các hộ tư nhân, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất giống. Trong lĩnh vực giống cây lâm nghiệp có 661 đơn vị, cá nhân đăng ký sản xuất kinh doanh.
 

Cần khuyến khích doanh nghiệp tham gia sản xuất giống cây trồng, vật nuôi.

Đối với giống vật nuôi, cả nước có 240 cơ sở nuôi giữ 59.280 con lợn nái giống cụ kỵ, ông bà; 2.121 cơ sở nuôi đàn gia cầm ông bà, bố mẹ; 2.305 cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ, 230 cơ sở sản xuất giống cá tra bố mẹ. Tuy nhiên, hiện trên cả nước mới có Trung tâm gia súc lớn thuộc Viện Chăn nuôi Quốc gia sản xuất tinh cọng rạ đông lạnh, năng lực sản xuất khoảng 2 triệu liều, tiêu thụ thực tế khoảng 500.000 – 700.000 liều/năm.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Nông nghiệp và PTNT), nêu một thực tế, hệ thống sản xuất giống tuy nhiều nhưng năng lực còn hạn chế. Hiện, tỷ lệ sử dụng giống tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất lúa thuần ở ĐBSCL chỉ đạt 40%, ở Đồng bằng sông Hồng đạt 60%, phần còn lại do nhân dân tự sản xuất; hệ thống nguồn giống lâm nghiệp thiếu về số lượng, chủng loại, chất lượng chưa cao. Trong chăn nuôi, người dân sử dụng giống thương phẩm làm đàn bố mẹ khá phổ biến. Các đề tài nghiên cứu chọn tạo giống tập trung vào các cây trồng, vật nuôi ngắn ngày, một số đối tượng còn bị bỏ trống. Tình trạng giống giả, giống kém chất lượng vẫn được sản xuất, lưu thông và sử dụng, gây thiệt hại cho nông dân, đồng thời bóp méo thị trường, cạnh tranh không lành mạnh.

Xã hội hóa, giải pháp quan trọng

Theo bà Hồng, để nâng cao hiệu quả công tác giống cây trồng - vật nuôi cần huy động sự vào cuộc mạnh mẽ của các doanh nghiệp. Tiếp tục nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ về giống, bao gồm: bảo tồn và khai thác quỹ gen, nghiên cứu chọn tạo giống, trong đó đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ sinh học, biến đổi gen; nâng cấp, hoàn thiện các cơ sở giống ở Trung ương, địa phương theo hướng đồng bộ, hiện đại; tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về giống phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế…

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát, để thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành thì công tác giống không chỉ cần được tăng cường mà còn phải được điều chỉnh. Ngành trồng lúa thay vì tập trung chọn tạo giống có năng suất cao ngắn ngày thì tập trung vào những giống lúa có chất lượng thể hiện qua sự đánh giá của thị trường.

“Chỉ những giống lúa có đặc tính tốt, ổn định, được trồng với quy mô lớn thì mới tạo điều kiện cho chúng ta xây dựng hình ảnh của một nước sản xuất lúa gạo chất lượng tốt, các doanh nghiệp mới có điều kiện xây dựng những thương hiệu bền vững”, Bộ trưởng nói.

Với ngành thủy sản, chúng ta đang có giống cá tra và công nghệ nhân giống tốt. Nhưng với tôm sú, yêu cầu đặt ra là phải gấp rút, chủ động hơn nguồn cung cấp giống bố mẹ. Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào công tác nghiên cứu chọn tạo giống.
Anh Thơ
Theo kinhtenongthon.com.vn