Ngân hàng đất, sao không?

Ngân hàng đất, sao không?
Không thể phủ nhận những tiến bộ vượt bậc trong một phần tư thế kỷ qua của nông nghiệp Việt Nam, song có một thực tế cần được “nhìn thẳng”: Nông nghiệp Việt Nam hiện đang vất vả xoay trở trong một tam giác cạnh tranh về tài nguyên đất, tài nguyên nước và về nhân công. Bài viết này chỉ bàn về tài nguyên đất.

 

Đừng chỉ trông vào cây lúa

Bàn về việc sử dụng đất trong nông nghiệp, nhóm chuyên gia của Ngân hàng Thế giới mới đây cho biết, mặc dù đã chuyển đổi 700.000 ha đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp (sử dụng cho mục đích công nghiệp, thủy điện, phát triển đô thị), nhưng tổng diện tích đất nông nghiệp của Việt Nam (tính đến 2013) vẫn tăng 15% so với năm 2000. Cụ thể, trong giai đoạn 2001-2003, diện tích đất nông nghiệp vào khoảng 8,9 triệu ha; con số này đạt khoảng 10,2 triệu ha trong giai đoạn 2011-2013.

Trong đó, trái với những lo ngại về việc mất đất trồng lúa, trên thực tế diện tích đất sử dụng cho mục đích này thay đổi rất ít, dao động trong khoảng 4 - 4,2 triệu ha; diện tích đất gieo trồng tăng trung bình 1,7%/năm trong giai đoạn 2000 -2010 do canh tác 2-3 vụ mỗi năm. Đáng lưu ý, ở vựa lúa lớn nhất cả nước là Đồng bằng sông Cửu Long, nếu như năm 1990 tốc độ quay vòng đất trung bình chỉ là 1,6 thì năm 2000 là 1,91 và năm 2010 là 2,1. Năm 2000, khu vực này chỉ có 11% gieo trồng 3 vụ, nhưng năm 2010, tỷ lệ này đã lên tới 27%.

Đây không hoàn toàn là điều đáng mừng - TS Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cảnh báo. Theo ông Kiên, việc quá tập trung vào cây lúa và canh tác tới 3 vụ lúa trong năm đã gây ra nhiều vấn đề về môi trường. Việc ngăn lũ tự nhiên để canh tác đã làm hạn chế lượng phù sa và hiện tượng rửa trôi tự nhiên buộc người nông dân ngày càng phải sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu nhiều hơn nữa, vừa làm tăng chi phí canh tác, vừa ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm lúa gạo (chưa kể đến việc sử dụng hóa dược nông nghiệp theo thói quen mà không dựa trên những cơ sở khoa học vững chắc).

“Đây là lý do khiến cho gạo Việt Nam tuy xuất khẩu nhiều nhất nhì thế giới, nhưng giá trị lại thấp, không có thương hiệu uy tín và không chen chân vào được các chuỗi siêu thị toàn cầu. Tại sao chúng ta lại không tận dụng thế mạnh của mình để tập trung thâm canh những loại lúa gạo đặc sản, gạo dành riêng cho người ăn kiêng, có giá tới vài chục đô la mỗi ký, thay vì quảng canh”, TS Nguyễn Đức Kiên trăn trở.

Cần thành lập ngân hàng đất để cho doanh nghiệp thuê sản xuất lớn (Ảnh: Trung Hưng)
Cần thành lập ngân hàng đất để cho doanh nghiệp thuê sản xuất lớn (Ảnh: Trung Hưng)

Ông Kiên cũng khẳng định, với trình độ canh tác, với sự thay đổi đáng kể cơ cấu tiêu dùng lương thực - thực phẩm và nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa, yêu cầu đảm bảo an ninh lương thực không đồng nghĩa với việc phải “giữ cứng” quỹ đất lúa lớn nhiều triệu héc-ta như trước. Các nhà kinh tế nông nghiệp đã tính toán rằng kể cả khi diện tích trồng lúa giảm 20-25%, tức là từ 4 triệu ha hiện nay xuống chỉ còn từ 3 đến 3,2 triệu ha thì Việt Nam vẫn thặng dư từ 3 đến 6 triệu tấn gạo để xuất khẩu.

Cần nói thêm rằng việc độc canh cây lúa cũng khiến cho hiệu suất sử dụng tài  nguyên, nhất là tài nguyên nước, luôn ở mức khá thấp. Trong khi đó, khoảng 80% lượng nước ngọt sử dụng tại Việt Nam phải dành cho nông nghiệp và lại có tới 60% tổng lượng nước ngọt của Việt Nam bắt nguồn từ các nước khác. Mùa khô năm nay, Việt Nam đã từng rơi vào thế thụ động, phải “nhờ cậy” đến quốc gia khác xả nước chống hạn. Giải pháp luân canh hoặc chuyển đổi cây trồng sẽ giúp tăng năng suất nước rất đáng kể. Chẳng hạn, kinh nghiệm từ Trung Quốc và Ấn Độ cho thấy việc luân canh lúa/mía giúp sản lượng đầu ra trên một đơn vị nước sử dụng tăng tới 10 lần so với độc canh cây lúa, theo kinh tế gia Steven Jaffee (Ngân hàng Thế giới - WB).

Phát triển thị trường cho thuê đất nông nghiệp

Các tác giả Báo cáo Phát triển Việt Nam 2016 của WB (vừa được công bố cuối tháng 9 vừa qua) cho rằng, lo ngại về tình hình chuyển đổi đất nông nghiệp sang những mục đích phi nông nghiệp một cách tràn lan, thiếu kiểm soát là xác đáng, nhưng trong khi đảm bảo mục đích sử dụng cho nông nghiệp, nhà nước cũng cần mở rộng khả năng lựa chọn, tạo linh hoạt về sử dụng đất để nâng cao phúc lợi cho nông dân, quản lý rủi ro thời tiết, rủi ro sản xuất cũng như các rủi ro thị trường khác; đồng thời thúc đẩy đầu tư cho nông nghiệp.   

Để thiết kế khung chính sách phù hợp, không thể không lưu ý đến một đặc điểm quan trọng của tài nguyên đất ở Việt Nam, đó là tính manh mún. Tại nhiều địa phương, đất đai được chia đều cho các hộ, bao gồm cả đất “bờ xôi ruộng mật” lẫn khô cằn sỏi đá, khó canh tác. Hệ quả là mỗi hộ có thể có tới 3-4 thửa ruộng ở các vị trí khác nhau, tất cả đều có diện tích không lớn. Các chương trình “dồn điền đổi thửa” và “cánh đồng mẫu lớn” đã được khởi động nhiều năm nay, tuy có những kết quả nhất định (số thửa bình quân của mỗi hộ giảm từ 4,27 năm 2004 xuống còn 2,83 năm 2014), nhưng tình trạng manh mún vẫn rất phổ biến, cản trở việc xây dựng một nền nông nghiệp hàng hóa với hàm lượng khoa học công nghệ cao.

Dẫn đầu một đoàn giám sát chuyên đề về nông nghiệp, nông thôn của Quốc hội, TS Nguyễn Đức Kiên cho rằng, mặc dù ở một số nơi các hộ sử dụng ít diện tích đất vẫn có thể thu được hiệu quả cao, nhưng trong trường hợp Việt Nam các hộ nông dân nhỏ không đạt hiệu suất cao do ruộng đất không chỉ có diện tích nhỏ mà còn phân tán.

Theo TS Kiên, để góp phần giải quyết tình trạng này, nhà nước cần đứng ra thành lập mô hình ngân hàng đất nông nghiệp, phát triển thị trường cho thuê đất. Ở nước láng giềng Trung Quốc, Chính phủ đã khá thành công trong việc “dồn điền” để tạo ra ngân hàng đất nông nghiệp cho thuê với mục đích canh tác. Theo đó, chính quyền địa phương thành lập cơ quan giao dịch đất đai, cơ quan này có chức năng cung cấp thông tin, thiết kế hợp đồng và giải quyết tranh chấp. Nhà nước hỗ trợ bằng các hình thức bảo lãnh tiền vay và cung cấp vốn ưu đãi cho các dự án đầu tư trang trại lớn; đồng thời hình thành thị trường dịch vụ cơ giới hóa hoạt động tích cực.

Tại Việt Nam, có khoảng 90% đất nông nghiệp thuộc các hộ nông nghiệp và trang trại, 6% thuộc các doanh nghiệp; còn lại thuộc các cơ sở khác. Đa phần các hộ nông nghiệp có quy mô rất nhỏ. Năm 2011, nhóm có quy mô sản xuất nhỏ nhất (dưới 0,2ha) vẫn chiếm tới 35%. (Trích Báo cáo Phát triển Việt Nam 2016 do Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam công bố)

CẨM HÀ
Nguồn: nongthonviet.com