Ngành Chăn nuôi hội nhập: Đẩy mạnh tái cơ cấu

Ngành Chăn nuôi hội nhập: Đẩy mạnh tái cơ cấu
Đề án tái cơ cấu ngành Chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững được Bộ NN&PTNT phê duyệt tháng 5/2014 cho thấy những chuyển biến tích cực. Vì vậy, khắc phục điểm yếu và tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu là nhiệm vụ quan trọng của ngành trong hội nhập.

 

Theo đánh giá của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm tới 40-50% tổng sản lượng chăn nuôi của cả nước, trong đó có những lĩnh vực tỷ lệ chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm tới 60% như trâu, bò… Cả nước hiện chỉ có khoảng 23.000 trang trại đạt doanh thu từ 500 triệu đồng trở lên, ít hơn nhiều so với các nước.

Điểm yếu nhất: Giá thành sản xuất

Như vậy, dù có lịch sử phát triển lâu đời nhưng cho đến nay, ngành chăn nuôi vẫn chủ yếu ở hình thái quy mô sản xuất nhỏ lẻ. Điều này cũng là trở ngại lớn cho công tác kiểm soát dịch bệnh cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm ngay từ việc chăm sóc, giết mổ…

Cũng chính vì vậy, ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng khó khăn lớn của ngành chăn nuôi hiện nay là thiếu sự phối hợp giữa người sản xuất và thị trường để tạo ra một chuỗi liên kết ổn định.

Hiện nay, đa số người chăn nuôi vẫn phải qua khâu trung gian để bán sản phẩm của mình ra thị trường. Do đó, thu nhập, giá trị gia tăng chưa lớn, thậm chí có những lúc thua lỗ, gây khó khăn cho người chăn nuôi và tạo ra tâm lý không muốn tái đàn, tăng đàn, dẫn tới giá cả chăn nuôi biến động. Đến nay, mô hình liên kết chuỗi sản xuất-tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi an toàn mới bước đầu hình thành tại một số tỉnh, thành phố như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương… nhưng số lượng còn hạn chế.

Cùng với những điểm yếu trên, một đặc điểm nữa của ngành chăn nuôi hiện nay chính là việc còn phụ thuộc vào nhập khẩu con giống, thức ăn, thuốc thú y nên chi phí đầu tư cho sản xuất thường cao.

Theo Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước phụ thuộc vào nhập khẩu tới 50% nguồn nguyên liệu. Ước tính mỗi năm, chúng ta phải nhập trên 8 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi với trị giá trên dưới 3 tỷ USD, chủ yếu từ các nước Argentina, Mỹ, Ấn Độ, Brazil… Trong đó, các loại nguyên liệu giàu đạm như khô dầu đậu tương, bột xương thịt, bột cá nhập khẩu 90%, còn khoáng chất, vitamin nhập khẩu hoàn toàn.

Về thuốc thú y, mỗi năm nước ta cũng phải nhập một lượng lớn để phục vụ chăn nuôi trong nước, nhất là vaccine. Theo số liệu của Liên minh Nông nghiệp – mạng lưới các chuyên gia và tổ chức hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam, hiện nay 80% loại vaccine được cấp phép lưu hành tại Việt Nam có nguồn gốc nhập khẩu từ 17 quốc gia trên thế giới.

Chính vì phụ thuộc nhiều vào vật tư đầu vào, chi phí giá thành sản xuất chăn nuôi khá lớn nên sức cạnh tranh của ngành rất kém. Giá thành sản xuất được coi là điểm yếu nhất của ngành chăn nuôi Việt Nam hiện nay.

Tín hiệu tích cực từ tái cơ cấu

Nhìn nhận rõ những thực trạng trên, vào tháng 5/2014, Bộ NN&PTNT đã phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Đề án ra đời đã có tác động ngay vào việc sản xuất chăn nuôi. Ông Hoàng Thanh Vân cho biết: Tái cơ cấu đã góp phần tạo sự chuyển biến tích cực cho ngành chăn nuôi, thể hiện ở số lượng, sản lượng vật nuôi đều tăng và việc áp dụng công nghệ mới trong chăn nuôi đang được quan tâm. Đáng mừng hơn là nhiều thành phần kinh tế đã chuyển hướng sang đầu tư vào chăn nuôi trong đó có nhiều "đại gia" như Vingroup, Hoàng Anh Gia Lai, TH True milk... Thậm chí nhiều DN nước ngoài như của Australia, New Zealand, Nhật, Đức, Hàn Quốc, Nga, Uruguay... cũng đang thăm dò thị trường để đầu tư vào chăn nuôi nước ta.

Biến chuyển tích cực này cũng là tín hiệu cho thấy tái cơ cấu ngành đang đi đúng hướng. Vì vậy, để ngành chăn nuôi đứng vững khi TPP có hiệu lực, việc quan trọng là tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành chăn nuôi.

Trong 4 nhóm giải pháp lớn đặt ra của mục tiêu tái cơ cấu ngành chăn nuôi là phải rà soát, tính toán lại cơ cấu sản phẩm để cân đối chăn nuôi lợn, gà, trâu, bò... phát huy lợi thế của từng khu vực. Cục Chăn nuôi xác định, thịt lợn vẫn là chính nhưng thời gian tới sẽ giảm cơ cấu xuống một chút, còn 60-62% (hiện tại vẫn chiếm hơn 70%). Đồng thời tăng cơ cấu sản phẩm thịt bò, thịt gia cầm nhưng vẫn phải phụ thuộc vào thị trường.

“Một giải pháp quan trọng nữa là chúng ta hạn chế tăng về số lượng vật nuôi mà tập trung vào chất lượng bao gồm chất lượng sản phẩm và cả con giống. Tương lai, số lợn nái sẽ giảm từ hơn 4 triệu con xuống còn dưới 3 triệu con nhưng vẫn đảm bảo cung cấp đủ nguồn giống trong nước. Có như vậy mới giảm rất nhiều chi phí chăn nuôi. Nói tóm lại, phải hiểu tái cơ cấu là rà soát lại khâu yếu để thay thế, điều chỉnh”, ông Hoàng Thanh Vân nhấn mạnh.

Nhưng vấn đề cốt lõi hơn nữa, đó là việc chuyển biến nhận thức của lãnh đạo từ cấp địa phương để có thể tạo động lực chuyển đổi thực sự từ ngành dễ tổn thương này. Thực tế, theo thống kê của Cục Chăn nuôi, trong 3 năm trở lại đây, nước ta liên tục phải nhập khẩu thịt bò từ Australia (năm 2014 nhập khẩu gần 200.000 con và năm 2015 dự báo sẽ nhập khoảng trên 200.000 con)… Tuy nhiên, trong một cuộc họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố về việc gia nhập TPP tại Bộ NN&PTNT trong tháng 4 vừa qua, nhiều địa phương phát triển chăn nuôi vẫn nói là không có chuyện nhập bò Australia về…

Ngay từ việc cập nhật thông tin vẫn còn hạn chế, dẫn đến tư duy điều tiết sản xuất chăn nuôi theo vùng vẫn còn khá nặng nề. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã nêu quyết tâm: “Bộ sẽ giải quyết nhanh nhất các khó khăn về con giống, trong đó tạo điều kiện thuận lợi khuyến khích nhiều DN cùng nhập khẩu giống tốt từ khắp nơi trên thế giới để nâng cao năng suất, chất lượng gia súc, gia cầm tại Việt Nam”.

Đỗ Hương
Theo baodientu.chinhphu.vn