Nguồn vốn Agribank thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp gắn xây dựng nông thôn mới
- Thứ bảy - 24/12/2016 09:41
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Với sự tiếp sức từ Agribank, hợp tác xã Đan Hoài, Đan Phượng ngày càng mở rộng sản xuất theo quy mô lớn và chuỗi liên kết. |
Tiếp sức từ Agribank: Người dân thỏa sức làm giàu, góp phần xây dựng Nông thôn mới
Tại Agribank Hà Tây, dư nợ 10 tháng đầu năm 2016 đạt trên 13.000 tỷ đồng, trong đó 86% đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn. Nhờ nguồn vốn Agribank, người dân địa phương có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh ở quy mô lớn, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng thành công nông thôn mới (NTM). Qua đó góp phần đưa diện mạo khu vực nông thôn thay đổi đáng kể cả về kinh tế và đời sống văn hóa- xã hội.
Ông Nguyễn Thạc Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng ghi nhận: Agribank được xem là “huyết mạnh nền kinh tế”, là ngân hàng thân thiện, hiểu dân, có vai trò quan trọng trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp địa phương. Từ nguồn vốn đầu tư của Agribank, người dân có điều kiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Vùng sản xuất rau an toàn đã được hình thành ở các xã Đồng Tháp, Phương Đình, Thọ An… với diện tích 499 ha; 344 ha trồng hoa ở các xã Đan Phượng, Song Phượng, Liên Trung, Hạ Mỗ…; trên 60 ha cây ăn quả, trang trại và 11,4 ha lúa chất lượng cao. 15/15 xã hoàn thành xây dựng NTM và được Chính phủ công nhận là huyện NTM đầu tiên của TP.Hà Nội.
Đến thăm quan mô hình sản xuất giống hoa, chăn nuôi lợn, thủy cầm… của Hợp tác xã Đan Hoài với 21 xã viên ở các xã Đan Phượng, Hoài Đức, Từ Liêm, chị Hường Bích Giám đốc Hợp tác xã cho biết: là khách hàng 15- 16 năm của Agribank Đan Phượng, dư nợ hiện tại của chị là 4,5 tỷ đồng. Từ nguồn vốn vay này, trung bình mỗi năm, HTX sản xuất 600 ngàn – 700 ngàn cây lan hồ điệp, trong đó cây giống chiếm 1/3 cung cấp cho hầu hết các nhà vườn từ miền Bắc đến miền Trung, còn lại là hoa thương phẩm cung cấp chủ yếu cho thị trường miền Nam. Hiện nay, HTX có 15.000 m2 trồng hoa lan hồ điệp, trung bình 1.000 m2 có 40.000 cây hoa, được trồng trong các nhà màng tại Đan Phượng và Mộc Châu. Thời gian tới đây, HTX Đan Hoài mong muốn với sự đồng hành hỗ trợ từ Agribank Đan Phượng, sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh, không chỉ sản xuất hoa lan hồ điệp, mà còn khôi phục được các giống lan truyền thống của Việt Nam, trong 05 năm tới sẽ xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, đồng thời nghiên cứu đầu tư mô hình sản xuất rau sạch…
Còn tại xã Trung Châu, ai cũng biết đến hộ gia đình bác Trần Nho Thanh. Trên diện tích 1,3ha, gia trại tổng hợp sản xuất lợn, cá, cây trồng đã và đang đem đến cho gia đình bác đời sống ngày càng khấm khá. Bác Thanh nhớ lại thời điểm năm 1997, gia đình bác bắt đầu vay vốn của Agribank phát triển sản xuất, với nguồn vốn ban đầu mua 5 con lợn nái, đến nay, chuồng trại được đầu tư hiện đại, khép kín với hệ thống máy bơm, quạt trần… lúc nào cũng có 500 con lợn, trung bình 1.200 đầu lợn thịt/năm. Bác Thanh cho biết, nhờ Agribank tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn vay, từ mô hình sản xuất tổng hợp này, sau khi trừ mọi chi phí, gia đình bác thu về lãi ròng khoảng 25%, tương đương 01 tỷ đồng trong năm 2016 này. “Ăn nên làm ra”, trong năm 2017, gia trại của bác dự kiến sẽ xây thêm 500 m2 chuồng lợn thịt, tự sản xuất con giống, tự cấp. Mô hình gia trại của bác thường xuyên có 4- 5 lao động, với mức lương trung bình 4- 4,5 triệu đồng/tháng.
Mô hình gia trạng tổng hợp của gia đình bác Trần Nho Thanh, khách hàng lâu năm của Agribank Đan Phượng, Hà Tây. |
Với sự hỗ trợ tích cực từ Agribank, dân Đan Phượng, Trung Châu, Hà Tây có điều kiện mạnh dạn đầu tư nguồn vốn sản xuất kinh doanh hiệu quả, cho thu nhập hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng mỗi năm, thỏa sức làm giàu, từ đó có những đóng góp trực tiếp và công cuộc xây dựng thành công NTM nơi đây.
Thúc đẩy nông nghiệp Thủ đô phát triển bền vững
Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2, huyện Đan Phượng đang lên kế hoạch xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020, trong đó xác định sẽ xây dựng 02 cụm nông nghiệp “điểm” tại xã Liên Hà và Liên Trung với quy mô 20ha, tổng vốn đầu tư 500-600 tỷ đồng, dự kiến vốn vay từ Agribank sẽ chiếm tới 60%.
Trong chương trình tổng thể đầu tư xây dựng NTM, với vai trò là NHTM chủ lực đầu tư phát triển “Tam nông”, Agribank Hà Tây xác định tiếp tục tăng cường sự phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý Nhà nước, Hội Nông dân thành phố Hà Nội trong phát triển phát triển nông nghiệp thủ đô bền vững.
Với mong muốn chính quyền và các cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp phù hợp với lợi thế vùng và nhu cầu thị trường, hỗ trợ khoa học kỹ thuật đối với sản xuất nông nghiệp, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội theo hướng tập trung vào sản xuất nông nghiệp sạch. Từ đó đưa ra các chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho sản xuất nông nghiệp lớn, tháo gỡ vướng mắc về các vấn đề về thủ tục pháp lý, đất đai, thuế... đối với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nông sản. Đẩy mạnh các hình thức liên kết, đổi mới mô hình và cách thức tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị nông sản… Để chuyển tải vốn đến người dân nhanh nhất, Agribank Hà Tây xác định tăng cường cho vay thông qua tổ nhóm, đơn giản hóa các thủ tục cho vay, luôn sẵn sàng bố trí đầy đủ nguồn vốn ngắn, trung và dài hạn, phục vụ giải ngân kịp thời, đáp ứng nhu cầu vốn cho “Tam nông” với lãi suất ưu đãi...
Từ thực tế triển khai cho vay nông nghiệp, nông thôn, cũng như nhiều chi nhánh Agribank trên hệ thống, Agribank Hà Tây mong muốn sớm tháo gỡ được những khó khăn về đất đai, tài sản thế chấp, về công nhận quy mô trang trại... để góp phần phát triển hiệu quả kinh tế nông nghiệp Thủ đô.
Tính đến cuối năm 2016, tổng tài sản của Agribank đạt trên 980 nghìn tỷ đồng, tổng nguồn vốn trên 911 nghìn tỷ đồng, tổng dư nợ tín dụng trên 735 nghìn tỷ đồng, trong đó tỷ lệ cho vay nông nghiệp nông thôn luôn chiếm 70%/tổng dư nợ của Agribank và chiếm trên 50% tổng dư nợ của toàn ngành ngân hàng đầu tư cho “Tam nông”. Với xuất phát điểm từ 11 xã được chọn thí điểm mô hình nông thôn mới, với dư nợ ban đầu 336 tỷ đồng và 8.293 khách hàng vào năm 2011, sau 05 năm triển khai, Agribank đã cho vay xây dựng nông thôn mới đến 8.985 xã/9.001 xã trong cả nước. Dư nợ cho vay gần 280.000 tỷ đồng, với trên 2,5 triệu khách hàng; khẳng định vị thế hàng đầu hệ thống TCTD trong việc triển khai chương trình. Với mong muốn góp phần tích cực đạt được các mục tiêu của giai đoạn 2 Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới 2016- 2020, gắn kết xây dựng Nông thôn mới với tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng thành công các mô hình Nông thôn mới kiểu mẫu gắn với các tiêu chuẩn quản trị sản xuất nông nghiệp tiên tiến, gắn liền với đô thị văn minh,… bên cạnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng, Agribank luôn chú trọng đầu tư vào các dự án, phương án sản xuất, kinh doanh nông nghiệp theo hướng phát triển an toàn, hiệu quả, bảo vệ môi sinh, môi trường, góp phần vì một nền nông nghiệp Việt Nam phát triển theo hướng xanh, sạch, bền vững. |