Nhìn lại hai năm tái cơ cấu nông nghiệp vùng ĐBSCL
- Thứ bảy - 11/07/2015 09:39
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, Trưởng ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về đề án tái cơ cấu nông nghiệp; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát và ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp cùng chủ trì hội nghị.
Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải phát biểu tại hội nghị |
Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, sau 2 năm thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp hiện toàn vùng ĐBSCL, có 12/13 tỉnh, thành trong vùng xây dựng đề án, kế hoạch thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Trong đó, Đồng Tháp, Bến Tre, An Giang, Sóc Trăng và Cà Mau có đề án do UBND tỉnh phê duyệt.
ĐBSCL là vùng trọng điểm nông nghiệp của cả nước với 3,8 triệu hecta đất nông nghiệp, đất trồng lúa 1,8-2,1 triệu hecta. Sản lượng lúa chiếm 55% và xuất khẩu gạo chiếm 90%, cây ăn trái gần 300.000 ha, chiếm 37% diện tích, sản lượng chiếm 48% cả nước.
Sau 2 năm thực hiện, nhiều địa phương đã tập trung quy hoạch cánh đồng lớn sản xuất nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu và chọn một số cây trồng chủ lực, có lợi thế phát triển, có thị trường tiêu thụ tốt để ưu tiên phát triển. Hình thành nhiều vùng nguyên liệu sản xuất lúa chất lượng cao, đặc sản được tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi giữa nông dân với hợp tác xã, doanh nghiệp. Trong đó, toàn vùng đã chuyển trên 78 ngàn hecta đất lúa sang trồng rau màu, ngô, mè, thanh long. Nhiều diện tích chuyển đổi đã đem lại hiệu quả kinh tế cao so với trồng lúa với bình quân tăng từ 20-30%.
Về chăn nuôi, đến nay, các địa phương đã chọn được vùng và vật nuôi chủ lực để tập trung chỉ đạo, tạo mọi điều kiện cho chăn nuôi phát triển, xác định được cơ cấu vật nuôi hợp lý, phù hợp là heo, heo, gà, bò thịt, vịt thả đồng. Các vùng chăn nuôi trọng điểm của vùng cũng đã dần hình thành như: Vùng chăn nuôi bò thịt địa phương chất lượng cao ở Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng; vùng nuôi gà thịt, gà trứng công nghiệp ở Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Hậu Giang…
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải - Trưởng Ban Chỉ đạo, cho rằng, cần quy hoạch các vùng chuyên canh phát triển các ngành hàng chủ lực theo định hướng xuất khẩu; lựa chọn các dự án ưu tiên, chủ động thu hút đầu tư các thành phần kinh tế, trước hết là các doanh nghiệp (DN) để phát triển sản xuất theo Đề án tái cơ cấu.
Bên cạnh cơ chế chính sách chung, các địa phương cần có chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư trên địa bàn, kết nối với DN để xây dựng, triển khai các dự án đầu tư, tổ chức liên kết hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị, hình thành các tổ hợp nông-công-dịch vụ, phát triển hình thức hợp tác liên kết đa dạng giữa nông dân với DN; tuyên truyền vận động nông dân cho thuê đất, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất với DN để hợp tác liên kết sản xuất hàng hóa quy mô lớn theo chuỗi giá trị nhằm phát triển sản xuất ổn định, hiệu quả, xóa dần tình trạng nhỏ lẻ, manh mún, tự phát.
“Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng và cạnh tranh gay gắt như hiện nay, nếu không nhanh chóng tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng hiệu quả hơn thì nông nghiệp có thể sẽ ‘thua’ ngay trên sân nhà, thậm chí thất bại ngay cả trong những lĩnh vực mà ta vẫn nghĩ là có lợi thế so sánh” – Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh.
Bộ trưởng Cao Đức Phát: Tái cơ cấu nông nghiệp cần phải thực hiện nhanh và chủ động hội nhập |
Chia sẻ về kinh nghiệm của Đồng Tháp, ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, cho rằng, quan điểm tái cơ cấu của Đồng Tháp là "tổ chức lại sản xuất nông nghiệp" dựa trên 3 định hướng: "hợp tác - liên kết - thị trường" và 3 yêu cầu: "giảm chi phí sản xuất - nâng cao chất lượng nông sản - đa dạng hoá nông sản chế biến". Các định hướng và yêu cầu trên sẽ là xuyên suốt không chỉ với 5 mặt hàng chủ lực chúng tôi lựa chọn đưa vào đề án mà của bất kỳ loại nông sản của tỉnh.
Nói về những vấn đề mà địa phương băn khoăn, ông Hoan chia sẻ: “Với quy mô sản xuất hộ riêng lẻ, người nông dân không có độ ‘sẵn lòng’ để thay đổi, không có động lực để thay đổi - từ cải tiến quy trình canh tác, thay đổi giống, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ. Chỉ với quy mô hợp tác xã mới khắc phục được những tồn tại, hạn chế của cách thức sản xuất lạc hậu bấy lâu nay. Hợp tác xã sẽ là nhân tố giúp cho sản xuất nông nghiệp bền vững hơn, thích nghi với yêu cầu của thị trường. Ngoài ra, khi phát triển, hợp tác xã có điều kiện chăm lo phúc lợi cho người nông dân, làm cho cuộc sống cư dân nông thôn ngày càng được cải thiện”.
Được biết, ĐBSCL đã đi đầu về cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp với diện tích đất được làm bằng máy đạt 96%, phun thuốc bảo vệ thực vật 72%, thu hoạch lúa bằng máy 76%, sấy chủ động 46%, xay sát lúa gạo 100%. Mô hình tổ chức sản xuất cũng thay đổi mạnh, nhất là kinh tế trang trại (gần 6.600 trang trại), đến năm 2014 có 1.367 tổ hợp tác, 101 DN ký hợp đồng liên kết sản xuất và bao tiêu lúa gạo với nông dân, trong đó 55% số hợp đồng thành công.
Tuy nhiên, việc triển khai Đề án tái cơ cấu nông nghiệp trong vùng vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại. Cụ thể, các đề án, kế hoạch còn riêng lẻ, thiếu thông tin về nhu cầu thị trường và chưa chi tiết về giải pháp, lộ trình, về phương án lồng ghép kết hợp với các nguồn vốn, chưa có bộ tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện đề án tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững nên khó đánh giá kết quả.
Xét trên thực tế, sản xuất nông nghiệp ĐBSCL vẫn chưa thoát khỏi tình trạng nhỏ lẻ, manh mún. Đây là điều mà nhiều DN liên kết cũng nhấn mạnh tại Hội nghị. Trong ngành lúa gạo, 38,4% số hộ có diện tích dưới 0,5 ha; 48,2% số hộ có diện tích 0,5-2 ha. Quy mô vườn cây ăn quả thường dưới 0,5 ha/hộ. Diện tích lúa tham gia cánh đồng lớn chỉ đạt 3,3%.
Những hạn chế đó cũng là nguyên nhân dẫn tới tăng trưởng nông nghiệp trong vùng còn tập trung theo chiều rộng, tận dụng tài nguyên thiên nhiên và sử dụng hóa chất, chưa phát huy tốt vai trò của khoa học công nghệ, bảo đảm phát triển hiệu quả, bền vững. Tỷ lệ sử dụng giống lúa xác nhận mới đạt khoảng 20%.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tham quan các sản phẩm của tỉnh Đồng Tháp trưng bày tại hội nghị |
Ghi nhận các ý kiến tham luận, đặc biệt là từ những người sản xuất trực tiếp của nông nghiệp như nông dân, DN, Phó thủ tướng nêu rõ nhiệm vụ: Đối với các địa phương, phải xác định thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp là công việc quan trọng, lâu dài. Ngoài việc xây dựng đề án, kế hoạch, chương trình thực hiện cần thành lập Ban Chỉ đạo tại địa phương, phân công rõ trách nhiệm của từng thành viên, cơ quan, tổ chức liên quan thực hiện để thu hút DN đầu tư, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho DN, người sản xuất.
Đặc biệt, ĐBSCL là nơi khởi xướng hình thành và phát triển mô hình hợp tác liên kết xây dựng cánh đồng lớn có hiệu quả, nên các địa phương tiếp tục chỉ đạo tổng kết rút kinh nghiệm, nhân rộng các mô hình hiệu quả ra diện rộng trong sản xuất lúa và các lĩnh vực khác.
Bộ trưởng Cao Đức Phát đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các đại biểu, đồng thời ghi nhận những vấn đề còn khó khăn, tồn tại ở các địa phương, qua đó bộ sẽ có những biện pháp cụ thể. Bộ trưởng cũng đề nghị các địa phương đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ cao, đưa cơ giới hóa vào các lĩnh vực, các khâu từ giống, kỹ năng canh tác, chăm sóc, nuôi trồng đến thu hoạch, bảo quản, chế biến để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng; từng ngành, từng công đoạn phải có chỉ tiêu lộ trình cụ thể để phấn đấu thực hiện, trong đó DN là chủ thể phối hợp với các tổ chức khoa học, hướng dẫn nông dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật, các biện pháp canh tác, sử dụng giống, vật tư tiết kiệm hiệu quả, cơ giới hóa để giảm giá thành. Rà soát lại các sản phẩm nông nghiệp là thế mạnh của vùng, đẩy mạnh xây dựng các vùng chuyên canh. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách kịp thời, góp phần tháo gỡ vướng mắc cho DN và địa phương. Thực hiện liên kết DN, trên cơ sở các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã.
Quang Minh
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn