Từ đó, từng bước góp phần nâng cao giá trị kinh tế, tăng thu nhập cho nhân dân, hướng đến mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng toàn diện, hiện đại và bền vững.
*Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả
Hiện nay, tỉnh Ninh Bình có hơn 70% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn. Từ khi tái lập tỉnh đến nay, Ninh Bình luôn xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược quan trọng trong xây dựng và phát triển tỉnh bền vững, giàu mạnh.
Nhiệm vụ phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn mà tỉnh Ninh Bình đặt ra trong thời kỳ mới là xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Những giống cây trồng mới có tiềm năng, năng suất cao, chất lượng tốt phù hợp với điều kiện địa phương được đưa vào sản xuất bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều mô hình được xây dựng thành công và nhân rộng như: mô hình gieo thẳng, trình diễn giống lúa mới, dưa lê siêu ngọt, cà chua trái vụ…
Bên cạnh đó, các biện pháp canh tác tiên tiến, công nghệ cao được áp dụng đã góp phần tăng năng suất, chất lượng cây trồng như đối với cây lúa áp dụng biện pháp 3 giảm, 3 tăng; đối với cây lạc áp dụng công nghệ che phủ ni lông, sử dụng các loại phân bón lá…
Ngoài ra, việc thực hiện cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm đất đến thu hoạch ngày càng được áp dụng phổ biến. Đến nay, số máy móc sử dụng trong nông nghiệp là hơn 4.000 loại máy kéo, máy cấy lúa, máy gặt đập liên hoàn, máy sấy, lò sấy và máy thu hoạch. Trong đó, đã cơ giới hóa được hơn 98% khâu làm đất, hơn 11% khâu gieo cấy, hơn 52% khâu thu hoạch và gần 4% khâu sấy. Hiện nay, tỉnh Ninh Bình cũng đã triển khai xây dựng được 86 cánh đồng lớn với diện tích hơn 4.000 ha.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, toàn tỉnh hiện có khoảng 135 trang trại, 339 gia trại chăn nuôi chiếm trên 54% tổng số gia trại, trang trại trên toàn tỉnh. Các mô hình sản xuất mới có hiệu quả được nhân rộng như: mô hình chuyển đổi đất trồng kém hiệu quả sang chăn nuôi bò tại huyện Yên Mô, Gia Viễn; mô hình nuôi vịt trời tại huyện Yên Khánh, Yên Mô; mô hình nuôi hươu, lợn rừng tại huyện Nho Quan; mô hình nuôi vịt chịu mặn ở vùng bãi bồi ven biển huyện Kim Sơn…
Các công nghệ chuồng trại tiên tiến cũng được áp dụng như: chuồng kín, đệm lót sinh học, công nghệ xử lý chất thải bằng men vi sinh, máy vắt phân… đã góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, tạo điều kiện cho ngành chăn nuôi phát triển bền vững.
Ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh cũng đã phát triển phong trào chuyển đổi nuôi trồng thủy sản vùng ruộng trũng, đầu tư chuyển đổi diện tích canh tác lúa bấp bênh, năng suất thấp sang nuôi cá - lúa kết hợp. Hiện nay, diện tích nuôi trồng thủy sản ruộng trũng đạt trên 4.000 ha.
Diện tích nuôi luân canh lúa – cá theo hình thức quảng canh và quảng canh cải tiến được mở rộng chủ yếu ở vùng chuyển đổi thuộc huyện Nho Quan, Gia Viễn, Yên Mô với năng suất trung bình từ 2-3 tấn/vụ/ha, doanh thu từ hoạt động canh tác này là từ 70-90 triệu đồng/ha/vụ.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình Vũ Nam Tiến cho biết, mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp được gắn với đẩy mạnh Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trong nội dung tái cơ cấu ngành nông nghiệp vào Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay tỉnh Ninh Bình đã có 119 xã thuộc địa bàn 6 huyện, 1 thành phố đã thực hiện sản xuất nông nghiệp chuyển dịch theo hướng nâng cao giá trị gia tăng trên cùng một đơn vị diện tích.
Thông qua sản xuất an toàn, bền vững dựa trên việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới đã có nhiều mô hình về các giống, cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2016, giá trị sản xuất trên đất canh tác bình quân toàn tỉnh đạt 105 triệu đồng/ha/năm.
Bên cạnh đó, công tác dồn điền đổi thửa đã góp phần thực hiện tốt quy hoạch, tập trung đất đai, hình thành những ô thửa lớn tạo tiền đề phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 91 xã hoàn thành cơ bản công tác dồn điền, đổi thửa, các hộ đã hiến hơn 1.100 ha đất để thực hiện chỉnh trang đồng ruộng. Ngoài ra, trong 119 xã xây dựng nông thôn mới đã thành lập được 208 hợp tác xã nông nghiệp và 19 tổ hợp tác hoạt động dịch vụ. Trong đó hơn 96% hợp tác xã, tổ hợp tác hoạt động có hiệu quả.
*Gắn với xây dựng nông thôn mới
Bên cạnh những kết quả khả quan, việc triển khai thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Ninh Bình vẫn còn nhiều hạn chế như chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành còn chậm, sản xuất nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh và chưa gắn kết chặt chẽ với thị trường.
Ngoài ra, hoạt động ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và vốn đầu tư cho chuyển đổi cơ cấu, xây dựng hạ tầng kỹ thuật nông nghiệp còn chưa nhiều; sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp còn thấp…
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình Vũ Nam Tiến khẳng định, thời gian tới, tỉnh Ninh Bình xác định tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi để nâng cao thu nhập, cải thiện tốt hơn đời sống người nông dân. Các cấp, ngành trong tỉnh cũng sẽ tập trung tuyên truyền, thay đổi nhận thức của người nông dân về sản xuất nông nghiệp hàng hóa trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế và biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cũng sẽ dựa trên tập quán canh tác, kinh nghiệm sản xuất, yếu tố văn hóa trong sản xuất nông nghiệp của từng địa phương để lựa chọn những hình thức sản xuất phù hợp nhằm vừa phát huy yếu tố truyền thống vừa kết hợp khoa học hiện đại tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp để đạt được những kết quả cao.
Tỉnh Ninh Bình cũng sẽ chú trọng đến nội dung quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao phù hợp với thế mạnh của từng vùng. Đồng thời chú trọng đến hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu một số nông sản, thực phẩm chủ lực. Bên cạnh đó, tập trung phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, chất lượng cao đảm bảo an toàn thực phẩm, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.
Ngoài ra, để hoạt động tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới có được hiệu quả cao thì cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chính vì vậy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cũng sẽ đẩy mạnh phối hợp với các cấp, ngành nhằm tạo đột phá trong thực hiện đề án tái cơ cấu.
Qua đó, hỗ trợ người nông dân tăng cường ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ và tiếp cận với các dịch vụ nghiên cứu, các hình thức đào tạo nghề, đưa nông nghiệp lên sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao. Từ đó xây dựng ngành nông nghiệp bền vững gắn với việc thay đổi bộ mặt nông thôn./.