Nông dân nói rõ lý do bỏ lúa đi chăn bò
- Chủ nhật - 08/06/2014 23:19
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Vòng quay được mùa - rớt giá liên tục tái hiện khiến người dân chọn cách bỏ ruộng
Ông Nguyễn Lợi Đức (xã Lương An Trà, Tri Tôn, An Giang) vừa nói lý do ông quyết định từ bỏ cây lúa chuyển sang chăn nuôi do thu nhập thấp và bấp bênh.
Cụ thể ông quyết định chuyển 71ha trồng lúa ba vụ ở Vĩnh Gia thành khu nuôi bò tập trung, dự kiến có đến hàng ngàn con. Trên đó lập 22 trại chăn nuôi, trồng cỏ xen lẫn trồng cây phân tán tạo bóng mát để làm nơi chăn thả, đồng thời trồng cỏ diện tích lớn cung cấp thức ăn cho bò.
Phân tích trên tờ Tuổi trẻ ông Đức khẳng định một sự thật đó là hiện sản xuất lúa đang gặp nhiều bất lợi, dù Nhà nước có chính sách hỗ trợ nhưng nông dân vẫn bị cuốn trong vòng luẩn quẩn rớt giá - thua lỗ.
"Hơn nữa, Việt Nam tuy là nước có lượng gạo hàng đầu thế giới nhưng thị trường xuất khẩu không ổn định, một số thị trường truyền thống đang teo tóp lại, phụ thuộc vào xuất tiểu ngạch qua Trung Quốc. Nguyên do xuất khẩu gạo đang bị cạnh tranh bởi Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan... Chưa kể Myanmar và Campuchia cũng đang đẩy mạnh phát triển trồng lúa để tăng xuất khẩu. Nếu không sớm tìm cách lo liệu để tự cứu mình, chắc chắn thời gian tới sẽ còn gặp nhiều khó khăn hơn", ông Đức dự liệu.
Chẳng những lúa thường gặp khó khăn, kể cả việc trồng lúa chất lượng cao, nông dân làm theo ngành nông nghiệp hướng dẫn nhưng lắm lúc lại khó tiêu thụ.
"Nhiều vụ trước đây, do doanh nghiệp (DN) không mua nên thương lái cắm bảng trên ghe “không mua lúa jasmine, OM 4900”. Vụ đông xuân này cũng vậy, bà con trồng lúa jasmine, OM 4900 nhiều nên giá bán gần như lúa thường, trong khi giống IR50404 lại được giá. Nông dân không phải ham làm nông sản chất lượng kém mà bắt buộc phải chạy theo thị trường, chạy theo nhu cầu của DN", ông Đức buồn bã nói.
Vòng quay được mùa - rớt giá liên tục tái hiện khiến người dân chọn cách bỏ ruộng |
Ông Đức cũng chỉ ra sự thật là người nông dân nuôi trồng thứ gì cũng được, sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu, tiêu chuẩn này nọ dù cao đến đâu. Chẳng hạn như Global Gap, VietGap đều áp dụng thành công dễ dàng.
"Thế nhưng sau đó sản phẩm bí đầu ra do DN không đảm bảo tiêu thụ ổn định. Mình làm lúa sạch, lúa chất lượng cao đều được, tại sao lại không làm? Vấn đề là làm ra rồi bán cho ai? Điều đó cho thấy không phải lỗi của nông dân. Ở đây là do DN chưa có thị trường sản phẩm cấp cao, chưa xây dựng được thương hiệu", ông Đức nói.
Về điều này, trao đổi với Đất Việt, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đình Long, Chủ tịch Hội giống câu trồng Việt Nam từng nói hiện nhà nước đang giao cho Tổng Công ty Lương thực miền Bắc và miền Nam vai trò kết nối đầu ra cho sản phẩm lúa gạo song họ lại chưa làm tốt vai trò của mình.
"Hiện Tổng công ty Lương thực miền Nam và miền Bắc đang đóng vai trò con buôn mà chưa nghĩ đến chuyện tạo vùng nguyên liệu, đầu tư tiền vào vật tư, công nghệ… để giải quyết đầu ra cho bài bản. Đáng ra Nhà nước phải mạnh tay, can thiệp vào để hỗ trợ cho tổ chức sản xuất như thế nào nhưng đến giờ việc này rất mờ nhạt. Chính vì thế mỗi lần đăng đàn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT lúng túng không trả lời được", GS Long nói.
Thậm chí GS TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Đại học KTQD Hà Nội còn chỉ rõ thời gian vừa qua hoạt động thu mua các mặt hàng nông sản, thủy sản, lúa gạo của VIệt Nam diễn ra tình trạng doanh nghiệp mua rẻ, bán rẻ, ép giá làm khó nông dân.
Theo GS Đào, giải bài toán nâng cao hiệu quả kinh tế hộ trong chuỗi cung ứng gạo lúa là bài toán cần được hóa giải và rất cần thiết hiện nay, nhà nước cần đầu tư cho nghiên cứu khoa học nhiều hơn ở các vùng, địa bàn mà trong chuỗi cung ứng các sản phẩm lúa gạo, người nông dân vẫn còn thua thiệt rất nhiều, chính ngay các thương lái, các doanh nghiệp vẫn còn ép giá người nông dân.
"Cho nên cần có những nghiên cứu của nhà nước, các ngành một cách căn cơ để giúp người nông dân nâng cao chuỗi giá trị, để họ có thể gắn bó lâu dài với nông nghiệp, nông thôn Việt Nam", GS Đào đề xuất.
Phương Nguyên
Theo baodatviet.vn