Nông nghiệp nghẽn ở đầu ra sản phẩm và thu nhập nông dân

Nông nghiệp nghẽn ở đầu ra sản phẩm và thu nhập nông dân
Theo nhiều chuyên gia, tái cơ cấu nông nghiệp cần có giải pháp cụ thể gỡ điểm nghẽn về đầu ra nông sản và thu nhập của nông dân.


Sáng 28/12, UBND tỉnh Đồng Tháp phối hợp cùng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (IPSARD) tổ chức thẩm định, lấy ý các nhà khoa học và các ban ngành chức năng trong tỉnh về Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
 

Hội nghị diễn ra tại TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp

Phát triển 5 ngành hàng có lợi thế cạnh tranh cao

TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Phó Viện trưởng IPSARD, đơn vị nghiên cứu xây dựng Đề án, cho biết Đồng Tháp là một tỉnh trọng điểm nông nghiệp của ĐBSCL (ĐBSCL là vùng trọng điểm nông nghiệp của Việt Nam). Trên cơ sở phân tích các điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội, tiềm năng, điểm nghẽn, thách thức và cơ hội của tỉnh, IPSARD đề xuất tái cơ cấu theo định hướng dựa vào lợi thế cạnh tranh của một số ngành hàng như: lúa gạo và cá tra có thể trở thành mặt hàng ưu tiên quốc gia; còn xoài, vịt, hoa cây cảnh có thể trở thành ưu tiên của địa phương.


TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn

Sở dĩ lựa chọn 5 ngành này, TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn giải thích: Đồng Tháp là một trong những tỉnh có lợi thế đặc biệt trong sản xuất lúa. Lợi thế so sánh trong xuất khẩu gạo sẽ tăng mạnh nếu nông dân tăng quy mô sản xuất lớn kết hợp áp dụng những cải tiến trong kỹ thuật canh tác.

Đối với ngành hàng cá tra, TS Tuấn cho rằng, Việt Nam chiếm hơn 90% thị phần thế giới, xuất khẩu cá tra sang hơn 130 nước khác nhau. Đồng Tháp có diện tích cá tra lớn nhất ĐBSCL, chiếm hơn 30%. Đồng Tháp là tỉnh có lợi thế nuôi cá tra, do vậy phát triển ngành sản xuất cá tra thành ngành sản xuất nông sản xuất khẩu chiến lược ở tầm quốc gia của tỉnh Đồng Tháp theo hướng bền vững, có giá trị gia tăng cao, thỏa mãn nhu cầu thị trường đa dạng và ngày càng mở rộng.

Còn ngành hàng vịt có lợi thế so sánh nổi bật là Đồng Tháp có nguồn nước ngọt rất dồi dào, sản lượng lúa cao, sản xuất lúa trải đều quanh năm, có mùa lũ bao phủ đem thủy sản tự nhiên về, tạo điều kiện rất thuận lợi cho chăn nuôi vịt. Bên cạnh đó, giao thông, vận chuyển đường bộ hạn chế sẽ dễ khoanh vùng chăn nuôi cách ly, kiểm soát dịch bệnh, giao thông đường thủy thuận lợi cho việc xuẩt khẩu ra thị trường thế giới.

Đồng Tháp có lợi thế to lớn về sản xuất và xuất khẩu vịt sang các thị trường (Hồng Kông, Nhật Bản và Trung Quốc…), kể cả giống truyền thống, giống lai và trứng vịt. Hiện Đồng Tháp là tỉnh nuôi vịt lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long và đứng thứ 3 cả nước.

Cùng với đó, điều kiện tự nhiên và nguồn lao động của Đồng Tháp rất thích hợp cho trồng xoài. Hiện xoài Đồng Tháp có năng suất khá cao và chi phí sản xuất thấp so với các tỉnh khác trong vùng ĐBSCL, nhất là có thể sản xuất xoài rải vụ tạo ra sản phẩm quanh năm. Cần phát triển ngành hàng xoài thành mũi nhọn của tỉnh theo hướng bền vững, có giá trị gia tăng cao, khả năng tiếp thị và xây dựng thương hiệu của xoài Đồng Tháp ở thị trường trong nước và thế giới.

Đồng Tháp còn rất có lợi thế cho phát triển các loại hoa kiểng. Vì tỉnh đã phát triển một hệ thống canh tác đặc biệt (trồng trên giàn cây kiểng trên đất ngập nước), phương thức sản xuất đặc thù hiếm có trên thế giới, đặc biệt là về sản xuất hoa – kiểng; nhiều làng hoa lâu đời đã tạo được một đội ngũ nguồn nhân lực lành nghề. Do đó, mục tiêu đặt ra là phát triển ngành hoa kiểng trở thành ngành hàng chiến lược cấp tỉnh của tỉnh giá trị gia tăng cao…, phát huy vai trò của cộng đồng làng nghề trong phát triển dịch vụ du lịch gắn với vùng sản xuất hoa.

Cần phân bổ lại nguồn lực lao động

Với các định hướng ngành hàng nêu trên, IPSARD cũng đề xuất Đồng Tháp cần phân bổ lại nguồn lao động tại nông thôn. Đó là về cung lao động, Đồng Tháp có lợi thế tương đối về quy mô dân số và lao động so với các tỉnh trong khu vực ĐBSCL do thuộc nhóm tỉnh có quy mô lao động lớn trong khu vực. Cho nên, cần thực hiện mục tiêu tạo việc làm đầy đủ và phù hợp trên thị trường lao động chính thức để tăng thu nhập cho lao động nông thôn, thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa mức sống và điều kiện sống giữa cư dân nông thôn và đô thị.

Giải pháp căn bản được ISARD đề xuất là phát triển tài nguyên con người, nâng cao chất lượng lao động để mở ra cơ hội phát triển cho lao động đi ra từ nông nghiệp có cơ hội tham gia xã hội hiện đại tương lai. Thực hiện 2 giải pháp đột phá là ưu tiên phát triển nông dân chuyên nghiệp phát triển kinh tế trang trại sản xuất lớn và thu hút lao động nông thôn trước mắt tập trung phát triển xuất khẩu lao độngvà lâu dài phát triển kinh tế dịch vụ.

Điểm nghẽn là ở đầu ra và thu nhập cho nông dân

 


TS Nguyễn Văn Đúng
Ý kiến phản biện của Tiễn sĩ Khoa học kinh tế Nguyễn Văn Đúng (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Đồng Tháp) chỉ rõ: Đồng tình với đề xuất các ngành hàng lúa gạo và cá tra. Nhưng với xoài, vịt, hoa cây kiểng là ngành hàng trọng tâm của tỉnh thì cần cân nhắc, vì có thể ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của một số ngành hàng khác cũng có tiềm năng, triển vọng của địa phương.

Ông Đúng đề xuất nên nói gộp một số mặt hàng có thế mạnh thành ngành hàng trái cây (trong đó có xoài, nhãn, cam, quýt…).

Đặc biệt, ông Đúng tâm đắc với đề xuất trong đề án về việc “cần xây dựng một cơ cấu luân canh lúa màu sau một số năm sản xuất để tái tạo độ phì cho đất và phòng chống sâu bệnh cho lúa. Cần xây dựng một chương trình bố trí cơ cấu cây trồng hợp lý để đem lại thu nhập cao cho nông dân. Có thể hình thành một vùng nguyên liệu ổn định cho nhà máy chế biến để chủ động hoàn toàn về thức ăn, giảm giá thành nuôi trồng thủy sản”.

Ông Đúng còn đề xuất cần mạnh dạn đoạn tuyệt sản xuất lúa vụ 3 (phương pháp này đã bộc lộ nhiều bất lợi), thay vào đó là nuôi trồng những cây, con có giá trị kinh tế cao hơn, như nuôi tôm, cá… Cần sử dụng linh hoạt đất trồng lúa sang trồng cây trồng khác (bắp, đầu nành, hoa kiểng, rau màu…), nhưng không được làm thay đổi điều kiện cơ bản đất lúa.

 


TS Mai Văn Nam
Còn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Kinh tế Mai Văn Nam (ĐH Cần Thơ) cho rằng: Đề xuất 5 ngành hàng cần tập trung phát triển nêu trên là phù hợp. Tuy nhiên, theo ông Nam, nội dung đề án cần bổ sung: cơ sở pháp lý, thực tiễn khoa học, thị trường đầu ra, phân phối giá trị gia tăng để tăng thu nhập cho nông dân… Vì theo ông Nam, vấn đề điểm nghẽn của Đồng Tháp không phải sản xuất mà là đầu ra nông sản và thu nhập của nông dân. Đặc biệt, ngành nông nghiệp liên quan đến các ngành khác, cần chỉ rõ khi tái cơ cấu nông nghiệp sẽ tác động đến nội bộ ngành và các ngành khác như thế nào.

Sản xuất phải theo nhu cầu của khách hàng

Trong phản biện của Giáo sư Võ Tòng Xuân (Quyền Hiệu trưởng Đại học Nam Cần Thơ) có lưu ý: “Khi thực hiện chính sách tái cơ cấu, sự sản xuất một mặt hàng không còn là kế hoạch định sẵn theo ý muốn của mình như trước đây, mà là sự đáp ứng nhu cầu khách hàng”.  

 


GS Võ Tòng Xuân
GS Xuân cũng nhấn mạnh: “Đất ta thích nghi trồng lúa, đã được quy hoạch vùng lúa, nhưng nếu thị trường hợp đồng trồng bắp, mà sau khi tính toán, ta thấy lời hơn trồng lúa thì sẵn sàng chuyển sang trồng bắp, không lưu luyến gì với lúa. Dĩ nhiên, Sở NN-PTNT phải xác nhận diện tích lúa cho nhu cầu an ninh lương thực là đã đủ rồi… Và, định hướng của nông nghiệp không phải giới hạn vào các cây con như Đề án nêu. Những yếu kém về kỹ thuật, cấu trúc hạ tầng cho các cây, con đã nêu sẽ được giải quyết theo quy trình VietGAP sau khi được thị trường đặt hàng”.

Nhiều chuyên khác, đánh giá cao kết quả nghiên cứu của đề án, song cũng lưu ý rằng, Đề án này của tỉnh Đồng Tháp nhưng là điểm khởi đầu cho cả nước, do đó cần thận trọng hơn nữa trong đề xuất các giải pháp trên cơ sở các căn cứ từ thực tế nông nghiệp ở thực trạng sát thực hơn. Đặc biệt, trong mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp là nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thì đề án cần chỉ ra mối liên hệ, tác động giữa tái cơ cấu nông nghiệp với các ngành, lĩnh vực khác. Đồng thời, đề nghị sau khi có nghiên cứu bổ sung, cần sớm triển khai và triển khai nhanh đề án.

Ông Lê Vĩnh Tân, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, đánh giá: Việc đánh giá hiện trạng nông nghiệp của Đồng Tháp trong đề án còn chưa sát thực tế. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng quyết sách giải pháp cho thời gian tới. Khi chọn 5 ngành hàng, phải có nghiên cứu cụ thể để chỉ ra cụ thể vùng nào trồng cây gì, nuôi con gì phù hợp, khả năng thực hiện của nông dân, kể cả cán bộ địa phương.

 

Hơn nữa, khi thực hiện đề án, cần chú ý sắp xếp việc nào làm được thì làm ngay, không phải chờ đợi khi nào chuẩn bị đủ các điều kiện mới bắt tay vào làm đồng loạt.

 

“Mục tiêu chính của tái cơ cấu nông nghiệp là phải làm cho người nông dân tăng thu nhập, giàu lên nhờ làm nông nghiệp”- ông Tân nhấn mạnh./.

Xuân Thân
Nguồn vov.vn