Nông nghiệp và tư duy chiến lược
- Thứ hai - 25/05/2015 21:36
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Cánh đồng mùa gặt
Ảnh: Hoàng Long
PV: Chúng ta đang tái cơ cấu nền nông nghiệp nhưng nông nghiệp của ta hiện nay đang gặp khó. Vậy theo ông cần phải thay đổi chiến lược như thế nào?
PGS.TS TRẦN HOÀNG NGÂN: Trong xu thế hội nhập hiện nay khi cánh cửa mở rộng ra thế giới thì lợi thế của Việt Nam so với các nước chính là nông nghiệp. Vậy phải đặt nền nông nghiệp ở vị trí số một. Khi đã xác định vị trí số một thì lĩnh vực nông nghiệp không chỉ là trách nhiệm riêng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mà còn liên quan đến nhiều bộ, ngành. Ngay cả vấn đề về xúc tiến thương mại của lĩnh vực nông nghiệp lại dính đến Bộ Công thương; hay vấn đề đầu tư khoa học lại dính đến Bộ Khoa học và Công nghệ. Do đó phải coi đây là vấn đề rất hệ trọng, cần phải có một thành viên Chính phủ, cụ thể là Phó Thủ tướng phụ trách mảng này để điều tiết.
Khi đã có chính sách tức là đã thay đổi về chiến lược thì sẽ thay đổi chuyển dịch về nguồn vốn đầu tư công trong nông nghiệp, thay đổi về mô hình tổ chức, mô hình quản lý, phải làm ăn lớn, phải sản xuất lớn thì mới đầu tư được nền công nghiệp hiện đại hóa.
Cho nên cần mô hình hợp tác xã kiểu mới, cánh đồng mẫu lớn là vậy. Bởi vì nông dân làm sao nghiên cứu được thị trường? Phải có bộ máy nghiên cứu thị trường để xem sản xuất cái gì? nuôi con gì? trồng cây gì? Về phía quản lý nhà nước thì phải điều tiết cung - cầu. Ví dụ, khu vực này chỉ được trồng lúa chứ không được làm gì khác. Còn khu vực khác trồng cây khác chứ không được trồng lúa để tránh trường hợp nông dân thấy có đất thì cứ làm, làm rồi thiếu nước, hạn hán, dẫn đến cây chết, mất mùa. Hoặc là cứ đổ xô đi sản xuất lúa thì dư cung, làm cho giá lúa bị giảm.
Như vậy cần vai trò điều tiết vĩ mô cho nên phải có một sự thay đổi tư duy thì mới tái cơ cấu nông nghiệp thành công được. Nói chung quá trình tái cơ cấu nền nông nghiệp vừa qua chúng ta đã khởi động, có hướng đi nhưng mà chưa đạt được như mong muốn. Muốn như vậy thì phải thay đổi tư duy về chiến lược.
Chúng ta đã có một bộ máy khép kín về nông nghiệp nhưng tại sao nông dân vẫn chịu cảnh được mùa mất giá, thưa ông?
- Quan trọng là tổ chức quản lý như thế nào? theo chuỗi liên kết dọc, liên kết ngang thì chúng ta chưa có. Do đó cứ để cho nông dân tự phát. Chúng ta thấy được mùa mất giá vẫn tiếp tục hàng năm. 67% dân số sống ở nông thôn, tức là 60 triệu trong tổng số 90 triệu người Việt sống ở nông thôn. Như vậy chúng ta có 47% lao động nông nghiệp nhưng đóng góp cho GDP chỉ 18%. Như vậy rõ ràng là năng suất thấp. Thấp nhưng mà lại không ổn định thì mới là nguy cơ. Cho nên kết quả tăng trưởng kinh tế Việt Nam là rõ nét nhưng chúng ta thấy lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn khó khăn làm cho kết quả chưa trọn vẹn. Phần lớn nông dân sống ở nông thôn, lao động là nông nghiệp cho nên chúng ta cần thay đổi về tư duy, thay đổi chiến lược.
Thưa ông, góp ý vào báo cáo kinh tế xã hội năm 2014 và những tháng đầu năm 2015 của Chính phủ, Quốc hội đã đề nghị phát triển mô hình hợp tác xã kiểu mới. Nếu mô hình này được nhân rộng thì theo ông hiệu quả trong nông nghiệp sẽ được đẩy lên như thế nào?
- Hợp tác xã kiểu mới là mô hình đi vào sản xuất lớn, đi vào sự liên kết và từ đó giúp chúng ta có thể ứng dụng được những giống mới, có thể đưa khoa học công nghệ, cơ giới hóa vào và có thể nghiên cứu được thị trường. Cần có sự liên kết để có bộ phận lo sản xuất, bộ phận lo đầu ra, bộ phận lo đầu vào, bộ phận nghiên cứu và dự báo. Như vậy mô hình này sẽ tổng hợp một sức mạnh. Cho nên tôi nghĩ rằng cánh đồng mẫu lớn ở An Giang, hay hợp tác xã kiểu mới cần tiếp tục nhân rộng.
Vậy cần cơ chế, giải pháp nào để nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới, thưa ông?
- Các cơ quan ban ngành phải tuyên truyền, giải thích, động viên bà con. Nhưng quan trọng phải cho người nông dân có cơ hội tiếp xúc với những mô hình đó. Ví dụ, Hội Nông dân ở địa phương có thể đưa nông dân đến khu vực có hợp tác xã kiểu mới để cho họ học tập những bài học. Cho người ta nhìn thấy những thành quả cụ thể thì sẽ có tác dụng.
Cuối năm nay cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ bắt đầu có hiệu lực, vậy bài toán trước mắt cần giải quyết như thế nào để nông nghiệp đỡ khó khăn khi phải cạnh tranh ác liệt với các nước trong khu vực?
- Tôi vẫn muốn nhắc lại. Thứ nhất, phải đưa nông nghiệp vào trong chiến lược phát triển và trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội cũng phải xác định công nghiệp hóa hiện đại hóa nền nông nghiệp Việt Nam là ưu tiên hàng đầu, số một, chứ không phải công nghiệp hóa hiện đại hóa các ngành khác. Vì xác định nông nghiệp là số một thì ta mới ưu tiên cho đầu tư, đầu tư công cho lĩnh vực này, ưu tiên cho các cơ chế chính sách, ưu tiên cho con người, ưu tiên cho bộ máy quản lý thì lúc đó chúng ta mới làm được việc đẩy mạnh nền nông nghiệp.
Nhưng từ nay đến thời điểm ấy chỉ còn mấy tháng, thưa ông?
- Để làm một vấn đề cần sự thay đổi, cần phải có thời gian nhưng mà phải thay đổi trong suy nghĩ và đưa vào trong hoạch định phát triển chính sách sắp tới.
Vậy trong thảo luận, quyết định về vấn đề về kinh tế xã hội tại kỳ họp này, Quốc hội cần có chính sách thay đổi như thế nào?
- Tôi nghĩ rằng Quốc hội cần phải có một nghị quyết về vấn đề nông nghiệp.
Trân trọng cảm ơn ông!
Theo: daidoanket.vn