Phát triển bền vững cây hồ tiêu ở Tây Nguyên

Phát triển bền vững cây hồ tiêu ở Tây Nguyên
Theo Ban chỉ đạo Tây Nguyên, hiện tổng diện tích cây hồ tiêu được trồng tại các tỉnh Gia Lai, Ðác Lắc, Ðác Nông... đã là hơn 33.700 ha, nhưng vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Ðã đến lúc các ngành chức năng cần có biện pháp điều chỉnh kịp thời để phát triển bền vững loại cây công nghiệp dài ngày có giá trị kinh tế cao này.
Bà con nông dân huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai thu hoạch hồ tiêu.
Bà con nông dân huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai thu hoạch hồ tiêu.

Trăm hoa đua nở

Nếu không có gì thay đổi thì năm nay, lần đầu ngành hồ tiêu Việt Nam sẽ tham gia vào nhóm những mặt hàng nông sản xuất khẩu hơn một tỷ đô-la Mỹ. Hiện hồ tiêu của Việt Nam đã xuất sang hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, chiếm 30% sản lượng và 50% thị phần xuất khẩu hồ tiêu thế giới. Nhờ lợi thế này mà giá hồ tiêu trong nước luôn ở mức hơn 120.000 đồng/kg trong suốt hơn hai năm qua. Trong đó, giá hồ tiêu ở Tây Nguyên là 143.000 - 146.000 đồng/kg cho nên nhiều nơi nông dân các tỉnh Ðác Nông, Ðác Lắc, Gia Lai đã chặt bỏ hàng nghìn ha cao-su, cà-phê và điều để chuyển sang trồng hồ tiêu. Theo Phó trưởng phòng Trồng trọt (Sở NN-PTNT Ðác Lắc) Phan Hùng Cường, trong quy hoạch của tỉnh Ðác Lắc thì diện tích hồ tiêu chỉ dừng lại ở mức 5.000 ha, nhưng hiện tại đã phát triển lên hơn gấp hai lần.

Xã Bình Thuận, thị xã Buôn Hồ (tỉnh Ðác Lắc) có tới gần 350 ha, tăng gấp hai lần so với hai năm trước. Theo ông Trương Văn Khánh, một nông dân ở đây cho biết, vì hồ tiêu được giá cho nên nhiều hộ đã không ngần ngại phá bỏ vườn cà-phê để trồng loại cây hiện đang mang lại hiệu quả kinh tế cao này. Ông Khánh bộc bạch thêm: Không những phá bỏ vườn cà-phê, nhiều người còn chặt luôn cả vành đai cây che bóng mát trong vườn để trồng tiêu. Gia đình ông Khánh cũng đã phá bỏ gần nửa sào cà-phê và cây che bóng để trồng thêm hơn 400 trụ tiêu. Ở huyện Krông Búc, tỉnh Ðác Lắc, nông dân tính toán: một sào tiêu hiện nay cho thu nhập gấp hai lần trồng cà-phê và hơn nhiều so với các loại cây trồng khác. Vì vậy, nông dân không ngần ngại phá bỏ vườn cà-phê, cây ăn quả... Một huyện như Krông Búc, từ chỗ chỉ có hơn 400 ha tiêu, tập trung ở các xã Cư Kpô, Krông Búc... đến nay đã được mở rộng ra trên nhiều địa phương khác với diện tích lên hơn 600 ha...

Ở các vùng trọng điểm trồng hồ tiêu của tỉnh Gia Lai như huyện Chư Sê và Chư Pưh, có hàng trăm hộ gia đình thu nhập từ trồng tiêu hàng tỷ đồng/năm. Chẳng hạn, hộ gia đình anh Ngô Kim Anh, ở xã Ia Phang, huyện Chư Pưh có 5.000 trụ tiêu. Vụ vừa rồi sau khi trừ các chi phí, gia đình anh thu lãi hơn 1 tỷ đồng. Ðối với hộ gia đình anh Nguyễn Văn Quéo, ở thị trấn Chư Sê, gia đình anh hiện có 30 ha tiêu, trong đó có 50% diện tích cho thu hoạch. Sau khi trừ các khoản chi phí, anh có thu nhập hơn 15 tỷ đồng. Anh Phạm Ngọc Dũng, thôn 14, xã Ea Ning, huyện Cư Kuin (Ðác Lắc) đã phá bỏ 1 ha cà-phê già cỗi chuyển sang trồng tiêu. Sau bốn năm vườn tiêu đi vào kinh doanh cho thu hoạch ổn định, niên vụ này đã cho thu hoạch 5 tấn tiêu hạt/ha. Với giá bán như hiện nay, sau khi trừ chi phí, gia đình anh đã thu lãi hơn 450 triệu đồng. Theo các hộ trồng tiêu, với giá hồ tiêu như hiện nay và năng suất bình quân 3 tấn/ha, mỗi năm, sau khi trừ chi phí, các hộ nông dân thu lãi từ 400 triệu đồng trở lên/ha.

Hậu quả khó lường

Theo dự báo của các nhà chuyên môn, việc phát triển diện tích trồng hồ tiêu vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, nếu ngành chức năng của các tỉnh Tây Nguyên không kịp thời điều chỉnh thì đến năm 2014 sẽ tăng lên khoảng 10.000 ha (gấp hai lần so với quy hoạch). Trưởng phòng Trồng trọt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ðác Lắc Trịnh Tiến Bộ nhận định, chính việc phát triển nói trên sẽ mang lại nhiều hệ lụy: người dân phá bỏ các cây trồng khác để chuyển sang trồng hồ tiêu; lượng cung tăng, giá giảm, nông dân lại chặt bỏ cây tiêu; ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, nguồn nước. Thêm vào đó, khi nông dân đổ xô vào trồng hồ tiêu nhưng không tiến hành cải tạo đất, xử lý mầm bệnh sẽ dẫn đến tình trạng cây bị bệnh chết hàng loạt gây thiệt hại lớn cho sản xuất và đời sống. Việc tự chọn lọc giống, sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật thiếu kiểm soát, kỹ thuật canh tác, thu hoạch chủ yếu dựa vào kinh nghiệm... cũng là nguyên nhân dẫn đến việc phát triển hồ tiêu thiếu bền vững. Vẫn còn đó những bài học điêu đứng về tiêu trong những năm gần đây, như vụ tiêu cuối năm 2012, nhiều hộ dân ở thôn 5A, xã Ea Hiao, huyện Ea H'leo, tỉnh Ðác Lắc chuẩn bị đến mùa thu hoạch bỗng dưng bị chết hàng loạt, không cách gì cứu chữa nổi... dẫn đến cảnh nợ nần. Tại xã Ea Nuôl (huyện Buôn Ðôn), trong năm 2013 đã có hơn 10.120 trụ tiêu bị chết, tương đương với diện tích gần 10 ha; hay tại huyện Cư Kuin trong năm vừa qua cũng có gần 36 ha hồ tiêu bị nhiễm bệnh vàng lá chết nhanh, gây thiệt hại lớn cho người dân.

Vì vậy, theo khuyến cáo của một số chuyên gia thì bà con phải cân nhắc kỹ trước khi đầu tư vào loại cây này, tránh trồng ồ ạt chạy theo phong trào mà quên đi những loại cây trồng khác thích hợp hơn. Các ngành chức năng ở Tây Nguyên cần đưa ra các biện pháp khuyến cáo người dân nên tập trung vào khâu nâng cao chất lượng cây trồng, tránh đầu tư dàn trải để có hiệu quả kinh tế bền vững, ổn định.

Nguyễn Hồng
Nguồn: nhandan.com.vn