Phát triển cánh đồng 3 giảm, 3 tăng: Đầu tư ít, thu lợi lớn

Phát triển cánh đồng 3 giảm, 3 tăng: Đầu tư ít, thu lợi lớn
Giảm giống, giảm phân đạm, giảm thuốc bảo vệ thực vật (BVTV); tăng năng suất, chất lượng và phát triển kinh tế - đó là mô hình cánh đồng “3 giảm, 3 tăng” (3G, 3T) mà tỉnh Quảng Nam đang phát triển mạnh mẽ.

Năm 2006, tỉnh Quảng Nam thực hiện thí điểm chương trình 3G, 3T ở 6 xã với diện tích ban đầu là trên 300ha. Từ những thành quả đem lại, mô hình đã nhân rộng trên địa bàn tỉnh. Trong đó, huyện Điện Bàn có diện tích gieo sạ lớn nhất toàn tỉnh, hiện nay đạt trên 5.700ha.

Ông Phạm Thành Quang - Trưởng trạm Khuyến nông huyện Điện Bàn cho biết: “Chương trình 3G, 3T kết hợp công cụ sạ hàng sẽ giúp nông dân giảm chi phí vật tư, tăng năng suất, chất lượng và tăng hiệu quả trên đơn vị diện tích. Mô hình này thật sự đã làm hài lòng và tạo niềm tin cho nông dân, qua đó đã thay đổi thói quen canh tác cũ, giảm tác hại đối với môi trường sống và sức khỏe con người”. Trong vụ đông xuân vừa qua, toàn huyện có 271ha xuống giống với 11 cánh đồng trên 7 xã.

Ông Trần Văn Định - Phó Chủ tịch UBND xã Điện Phước phấn khởi: “Từ năm 2012 xã thực hiện mô hình 3G, 3T và đến nay trên toàn xã đã có 36ha, năng suất đạt 70 tạ/ha, tăng hơn 30% so với canh tác theo lối cũ. Hiện 8/10 thôn thực hiện mô hình này, các hộ dân tham gia sẽ được hỗ trợ lúa giống 1-2 vụ và được đầu tư một công cụ sạ hàng”.

Dẫn chúng tôi tham quan mô hình 3G, 3T tại thôn La Hòa, xã Điện Phước, ông Võ Văn Long - Phó ban Nông nghiệp xã cho hay: “Sản lượng thu hoạch vụ đông - xuân vừa qua của thôn đạt trên 200.000 tấn, năng suất tăng 0,9 tạ/ha”. Chị Nguyễn Thị Minh (thôn La Hòa) đang chăm sóc ruộng lúa hè thu cho biết:

“Trước khi chuyển sang mô hình 3G, 3T, chị phải mất 9kg giống/vụ, giờ chỉ còn 5kg giống/vụ. Còn phân bón, trước kia, phân bón chủ yếu là NPK, urê, sạ dày lúa nên mất đến 10kg phân bón. Giờ đây chỉ cần 8kg là đủ kết hợp bón thúc, vì sạ hàng nên cánh đồng rất hạn chế sử dụng thuốc BVTV. Chị cho biết thêm: “Mình sạ hàng, nên chuột hay sâu bệnh không tấn công được, lúa nhờ sạ thưa nên quang hợp tốt, phát triển rất đều”.

Tại huyện Điện Bàn, sản xuất lúa không chỉ để phục vụ nhu cầu gia đình, mà hạt lúa đã trở thành sản phẩm hàng hóa đem ra trao đổi trên thị trường. Toàn huyện hiện có 15 hợp tác xã nông nghiệp liên kết với các doanh nghiệp sản xuất lúa giống, với tổng diện tích sản xuất bình quân trên 600ha/vụ.

Xã Điện Phước là một đơn vị sản xuất lúa giống “hàng hóa” điển hình, Hợp tác xã Nông nghiệp I đã liên kết với Công ty cổ phần Phát triển nông nghiệp Minh Tâm kết hợp sản xuất 10ha, cung cấp giống nguyên chủng HT1 và tham gia cung ứng vật tư cho nông dân, cam kết mua sản phẩm sau khi thu hoạch. Ngoài ra, xã cũng đã hoàn thành 3 cánh đồng mẫu lớn, và đang tiếp tục nhân rộng cánh đồng mẫu lớn

Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn về trang thiết bị cơ giới hóa, hệ thống giao thông huyện Điện Bàn chưa thuận lợi. Song, huyện cũng có những chính sách để nhân rộng và đầu tư phát triển cánh đồng mẫu lớn. Ông Phạm Thành Quang cho biết: “Hợp tác xã nông nghiệp đã thực hiện và sẽ tiếp tục đầu tư máy móc thông qua chính sách cho vay vốn dài hạn với lãi suất ưu đãi, quy hoạch giao thông nội đồng, tăng cường tuyên truyền đến nông dân. Chúng tôi phấn đấu đưa sản phẩm lúa Điện Bàn trở thành thương hiệu nổi tiếng”.

Theo danviet.vn