Phát triển cánh đồng lớn thế nào cho hiệu quả?

Ngoài nỗ lực của doanh nghiệp, việc phát triển cánh đồng mẫu lớn cần tới sự vào cuộc của cơ quan quản lý Nhà nước.
Thực tế, trong 3 năm qua, khi tham gia xây dựng cánh đồng mẫu lớn, doanh nghiệp đã thấy rõ hơn lợi ích. Tuy nhiên, làm thế nào để có nhiều doanh nghiệp tham gia cánh đồng mẫu lớn vẫn là câu hỏi đặt ra cho các nhà quản lý.

Ông Nguyễn Đình Bích (nguyên cán bộ Viện Nghiên cứu thương mại Bộ Công Thương), một chuyên gia phân tích thị trường lúa gạo cho biết, hiệu quả cánh đồng mẫu lớn đã từng bước thay đổi quan điểm của các nhà nhập khẩu là “Việt Nam chỉ có gạo chất lượng thấp” bằng suy nghĩ “Việt Nam đã có gạo chất lượng cao”; gạo Việt Nam có thể cạnh trang sòng phẳng với gạo Thái Lan cả về chất lượng lẫn giá cả.

Thời gian qua, lý do gạo Việt Nam tiêu thụ được là nhờ vào những hợp đồng tập trung với Philippines, Indonesia, Malaysia, châu Phi... hoặc xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc. Nói chung, đây là những thị trường tiêu thụ gạo chất lượng thấp. Vấn đề đặt ra là nếu cứ canh tác như cũ, với chất lượng cũ thì gạo Việt Nam rất khó chen chân vào những thị trường cấp cao như Nhật Bản, châu Âu hay Mỹ.

Hạn chế này có thể giải quyết được khi áp dụng canh tác theo mô hình cánh đồng mẫu lớn.

Ông Bích cho rằng cánh đồng mẫu lớn từ mô hình thí điểm của Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS) chứng minh được rằng mô hình này đã và đang giải quyết những “lỗ hổng” của ngành lúa gạo của Việt Nam lâu nay.

Tuy nhiên, nếu một doanh nghiệp nào đó nhìn vào cách làm của AGPPS và áp dụng thì rất khó theo được vì thiếu nguồn tài chính (chẳng hạn, chỉ riêng việc trả lương hằng tháng cho 1.200 cán bộ của công ty “3 cùng” với nông dân đã lên tới 6 tỷ đồng).

Vì vậy, ông Bích cho rằng để cánh đồng lớn tiếp tục phát triển trong những năm tới, cơ quan quản lý Nhà nước cần có chính sách và cơ chế cụ thể, mà ở đây là nên sử dụng dùng một phần ngân sách khuyến nông để hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân thay cho doanh nghiệp.

Ông Lê Thanh Tùng, người phụ trách lĩnh vực cánh đồng mẫu lớn của Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết, hiện ngành lúa gạo Việt Nam đã qua giai đoạn mô hình thí điểm cánh đồng mẫu lớn. Khoảng vài năm nữa, ĐBSCL sẽ có cánh đồng lớn trồng những giống lúa chất lượng cao.

Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) và AGPPS đang có kế hoạch chuyển 30% diện tích canh tác lúa ở ĐBSCL trở thành vùng nguyên liệu xuất khẩu.

Theo ông Tùng, hiện các doanh nghiệp tham gia cánh đồng mẫu lớn mới chỉ tập trung hỗ trợ kỹ thuật, tìm đầu ra cho sản phẩm mà chưa có doanh nghiệp nào đầu tư sản xuất những giống lúa chất lượng cao. Mục tiêu của Việt Nam là xây dựng thương hiệu gạo chất lượng có thể xuất khẩu với giá từ 600-800 USD/tấn thì phải có được giống tốt. Do đó, doanh nghiệp phải đầu tư vào cả khâu giống.

Đại diện Cục Trồng trọt cho hay Bộ NNPTNT sẽ đẩy mạnh phát triển cánh đồng lớn. Theo đó, mỗi tỉnh chọn từ 2-3 vùng nguyên liệu tập trung rồi phát triển tăng dần theo nhu cầu thực tế. Trong vùng nguyên liệu phải đầu tư hạ tầng và hệ thống thủy lợi; quy mô diện tích phải tùy theo thực tế thị trường.

Một thành viên trong ban điều hành Vinafood 2 cho biết, hiện Tổng công ty có nhiều công ty con trực thuộc hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh thực phẩm ở vùng ĐBSCL. Theo kế hoạch, những công ty này nằm trong quy hoạch của các tỉnh để phát triển cánh đồng mẫu lớn và mỗi công ty tùy theo khả năng của mình mà phát triển diện tích cách đồng mẫu lớn thích hợp.

Về phía cơ quan quản lý, ông Tùng cho biết, nhiều khả năng Bộ NNPTNT và Bộ Công Thương sẽ kiến nghị Chính phủ điều chỉnh Nghị định số 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo cho phù hợp với cánh đồng lớn.

Vũ Hạ
Theo chinhphu.vn