Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững
- Thứ sáu - 16/12/2016 08:10
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Chuỗi giá trị - nhu cầu bức bách
Theo Bộ NN&PTNT, chuỗi giá trị có ý nghĩa quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, nhất là ở nước ta đang hội nhập sâu rộng với quốc tế. Sản xuất nông nghiệp chủ yếu là xuất khẩu, do đó từng nông dân hoặc các tổ hợp tác, hợp tác xã nhỏ lẻ sẽ không thể tự thực hiện được chuỗi sản xuất và tiêu thụ ở thị trường quốc tế. Vì vậy, cần tập hợp các nông hộ với nhau gắn kết cùng doanh nghiệp nhằm đủ năng lực đưa sản phẩm ra thế giới, đồng thời tăng giá trị chuỗi sản xuất nông nghiệp.
Ông Võ Thành Hạo, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, cho rằng: “Thực trạng của nền nông nghiệp nước ta nói chung và Bến Tre nói riêng trong thời gian qua vẫn là sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, việc tới mùa mất giá luôn ám ảnh nông dân. Hàng hóa do nông dân làm ra nhưng việc tiêu thụ và giá cả thì phụ thuộc vào thương lái. Vấn đề ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất còn hạn chế. Các mô hình mới chỉ là bước đi ban đầu, rất chập chững, còn lúng túng, chưa sâu. Vai trò của Nhà nước còn mờ nhạt trong mối liên kết 4 nhà… Nguyên nhân một phần do thiếu liên kết, chưa phát triển được chuỗi giá trị”.
GS.TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ, đặt vấn đề: “Tại sao nông dân cứ mãi rơi vào tình trạng “trồng - chặt” hoặc làm nông nghiệp theo ý thích của mình, nay trồng cây này, mai nuôi con kia… mà không theo quy hoạch, không có định hướng hay chiến lược dài hơi. Điều đó phải chăng do quản lý nhà nước lỏng lẻo, còn doanh nghiệp thì hời hợt chưa định ra được thị trường tiêu thụ để khuyến cáo nông dân sản xuất”.
Ông Yuttana ThongPhur, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Nam, trăn trở: “Cách nay hơn 5 năm, khi công ty bắt đầu triển khai mô hình nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra ở vùng ĐBSCL thì chúng tôi đã nhận thấy tiềm năng và thế mạnh của con cá tra. Có thể nói, cá tra là sản phẩm đặc thù của vùng sông nước này, nhưng mấy năm nay cứ mãi ì ạch khiến người nuôi và doanh nghiệp đều khốn đốn. Nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, trong đó vấn đề sản xuất riêng lẻ, thiếu liên kết làm sản phẩm giá trị thấp, môi trường nuôi thiếu an toàn…”. Sở Công thương tỉnh An Giang, nhìn nhận: Mô hình liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp và nông dân mang lại hiệu quả kinh tế tăng từ 5-15% so sản xuất bên ngoài. Điều này cho thấy việc phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp là hướng đi đúng. Thế nhưng, vấn đề nan giải hiện nay là thực hiện “thí điểm” thì thành công, nhưng khi nhân rộng đại trà là gặp khó bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có chính sách chưa hấp dẫn để thu hút doanh nghiệp tham gia…
Tháo gỡ để phát triển
Các chuyên gia cho rằng, để phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp có hiệu quả thì cần có những “con sếu đầu đàn”, mà cụ thể là doanh nghiệp và hợp tác xã (HTX). Để kéo doanh nghiệp vào thì Nhà nước cần có chính sách hợp lý, có cơ chế về thuế sử dụng đất, hạn điền… tạo sức hút để doanh nghiệp an tâm đầu tư vào nông nghiệp. Đối với HTX cũng vậy, cần có người giám đốc giỏi về kinh doanh và trái tim “từ thiện” để quy tụ nhiều nông dân tham gia vào tổ chức HTX; từ HTX mới liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông sản.
Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty TNHH Trung An (thành phố Cần Thơ) nêu thực tế hiện nay khi các địa phương khuyến khích phát triển “cánh đồng lớn”, trong khi nguồn vốn đầu tư hạ tầng để phục vụ cánh đồng lớn của doanh nghiệp khá lớn, thu hồi chậm, nhiều rủi ro. Áp lực thua lỗ do cạnh tranh không lành mạnh từ đa số các doanh nghiệp khác không thực hiện cánh đồng lớn mang lại. Thị trường tiêu thụ còn bấp bênh, cơ chế chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với doanh nghiệp thực hiện cánh đồng lớn còn ít. Trong khi trên thực tế doanh nghiệp thực hiện cánh đồng lớn là đã phải hỗ trợ ngay cho nông dân mỗi kg lúa không dưới 300 đồng/vụ.
Ông Bình cho rằng, trong chuỗi liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và nông dân thì người đóng vai trò chủ lực chính là doanh nghiệp. Cụ thể, doanh nghiệp đặt hàng cho nông dân sản xuất; doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vụ cho nông dân không tính lãi; doanh nghiệp bao tiêu đầu ra; doanh nghiệp chịu trách nhiệm vận chuyển lúa từ ruộng về nhà máy, bảo quản, xay xát; doanh nghiệp là người tìm thị trường xuất khẩu… Dù doanh nghiệp làm rất nhiều việc, thế nhưng trong thông tư hướng dẫn của Bộ NN&PTNT về cơ giới hóa thì nông dân là đối tượng được hỗ trợ về mua máy móc, còn doanh nghiệp không được nói đến. Về nhập khẩu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để phục vụ dự án nông nghiệp thì những doanh nghiệp nước ngoài (hoặc liên doanh có vốn nước ngoài) được nhập; trong khi doanh nghiệp trong nước thì không được nhập…
Vì vậy, để phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp, ông Phạm Thái Bình kiến nghị: “Nhà nước cần có những chính sách ưu đãi cụ thể và nhiều hơn nữa đối với doanh nghiệp thực hiện cánh đồng lớn, cụ thể như: doanh nghiệp mua máy cày, máy cấy, máy san ủi đồng ruộng, máy tưới tiêu, xây kho chứa lúa, máy xay xát, chế biến lúa gạo… thì được vay vốn trung hoặc dài hạn với lãi suất ưu đãi. Về đất, được Nhà nước cho thuê 50 năm với mức ưu đãi, được miễn tiền thuê đất 15 năm đầu… Ngoài ra, nghiên cứu bãi bỏ việc mua tạm trữ lúa gạo vì doanh nghiệp đã mua toàn bộ lúa của nông dân khi tham gia cánh đồng lớn… Có như vậy mới thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia phát triển nông nghiệp”.
Theo Báo Hậu Giang