Phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp
- Thứ năm - 02/11/2017 22:16
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Trên tinh thần đó, tỉnh Đồng Tháp đẩy mạnh phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Đồng Tháp tiếp tục tập trung phát triển 5 ngành hàng chủ lực trong đề án tái cơ cấu nông nghiệp, mạnh dạn chuyển đổi, áp dụng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến gắn sản xuất với tiêu thụ và xây dựng nhãn hiệu nông sản. Từ đó, góp phần gia tăng giá trị nông sản hàng hóa làm ra, hình thành và phát triển nhãn hiệu hàng hóa đặc trưng cho mỗi địa phương.
Thời gian qua, tỉnh triển khai thí điểm nhiều mô hình ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ mới, nhằm giúp người nông dân tiếp cận với những cách thức canh tác tiên tiến, giảm giá thành sản xuất. Đơn cử như mô hình 3 giảm 3 tăng, 5 phải 1 giảm và kỹ thuật trồng lúa của SRI; chăn nuôi vịt chuyên trứng TC an toàn sinh học gắn với liên kết; thử nghiệm phân bón tan chậm, thí điểm sản xuất lúa chất lượng cao gắn với liên kết tiêu thụ...
Việc đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ, tổ chức lại sản xuất, phát triển kinh tế hợp tác được tỉnh chú trọng. Thời gian qua, tỉnh tập trung củng cố và nâng cao năng lực cho các đối tác tham gia trong chuỗi liên kết như doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), trang trại và nông dân. Đồng thời đã củng cố 122 HTX nông nghiệp hoạt động theo Luật HTX 2012 và 943 tổ hợp tác (THT) và 50 trang trại.
Đầu ra sản phẩm là vấn đề sống còn của người nông dân, chính vì vậy tỉnh đã tăng cường, mở rộng thị trường; kết nối doanh nghiệp trong thực hiện liên kết tiêu thụ với các HTX, THT. Từ đó, không chỉ có mặt hàng lúa gạo mà các loại trái cây đặc sản của Đồng Tháp như xoài, nhãn, quýt đường,... đã được các công ty liên kết bao tiêu sản phẩm để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Cụ thể, sản phẩm xoài của địa phương đã được Công ty Long Uyên, Công ty TNHH MTV Anh Nhân, Công ty VinEco, Công ty Agricare Việt Nam tiêu thụ. Lượng xoài thực hiện liên kết tiêu thụ đạt hơn 13.000 tấn xoài cát chu, cát hòa lộc trong thời gian qua. Đối với quýt đường của THT sản xuất quýt đường xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung đã được Tập đoàn Vingroup ký hợp đồng liên kết tiêu thụ số lượng 51 tấn/tháng với giá từ 34 - 37 ngàn đồng/kg, giá cao hơn ngày Tết từ 5 - 10 ngàn đồng/kg. Không chỉ vậy, mặt hàng nhãn Edor của huyện Châu Thành cũng được xuất khẩu sang thị trường Mỹ và một số nước lân cận...
Hoa kiểng là một trong những mặt hàng thế mạnh của địa phương, không chỉ dừng lại trong sản xuất, hiện tỉnh còn kết hợp với du lịch góp phần nâng cao giá trị cho ngành hàng hoa kiểng, lợi nhuận cho người trồng hoa. Trung bình, nông dân trồng hoa kiểng thu lãi từ 170 - 500 triệu đồng/ha/năm.
Bên cạnh đó, mô hình thực hiện chuỗi liên kết giá trị ngành hàng cá tra đã giúp người nuôi có lợi nhuận ổn định, dao động từ 1.300 - 4.700 đồng/kg.