Phối hợp chính sách cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Phối hợp chính sách cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Sản xuất nông nghiệp quy mô lớn và ứng dụng công nghệ cao (CNC) là hai nội dung quan trọng nhất trong tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp.
 
Ảnh minh họa
Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát tại Hội thảo “Giải pháp phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng CNC” tổ chức ngày 15/5 tại Hà Nội.

Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh, nông nghiệp Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới, phát triển theo chiều sâu với quy mô lớn hơn để hội nhập kinh tế quốc tế. Điều đó đặt ra yêu cầu về ứng dụng CNC, nhằm nâng cao hiệu quả, khả năng cạnh tranh, chất lượng sản phẩm và đáp ứng nhu cầu ngày một đa dạng của người tiêu dùng, đặc biệt đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu.

Thực tiễn sản xuất nông nghiệp trong thời gian qua đã xuất hiện một số mô hình sản xuất theo hướng sản xuất quy mô lớn, tăng cường tính liên kết và  ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất tại một số địa phương như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Nghệ An, Lâm Đồng, Hậu Giang, Thái Nguyên... và bước đầu đã được thực tế kiểm nghiệm có hiệu quả.

Theo ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), thời gian qua Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ NNPTNT, Bộ Khoa học và Công nghệ và các tổ chức tín dụng đã đi khảo sát và dự kiến lựa chọn khoảng 20 mô hình liên kết trong nông nghiệp để thí điểm cho vay.

Các mô hình liên kết có nhiều kiểu như giữa doanh nghiệp với hộ nông dân, mô hình cánh đồng mẫu lớn, mô hình liên kết theo chuỗi giá trị của sản phẩm, các doanh nghiệp ứng dụng CNC. Các sản phẩm xuất khẩu chủ lực trong nông nghiệp như lúa gạo, thủy sản, chăn nuôi, sản xuất rau màu... đều có trong chương trình thí điểm CNC.

Với chương trình thí điểm này, ngành Ngân hàng không những giải quyết vấn đề tín dụng cho nông nghiệp mà còn hướng sản xuất nông nghiệp từ nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn, liên kết hiệu quả, có tính cạnh tranh cao, theo mục tiêu của đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; từng bước nâng cao đời sống nông dân và thực hiện mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Sau khi kết thúc chương trình thí điểm (khoảng 2 năm), Ngân hàng Nhà nước sẽ tổng kết thí điểm và xem xét để hoàn thiện chính sách và nhân rộng trên phạm vi cả nước. Chương trình thí điểm này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nhiều doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp ứng dụng CNC và thoát khỏi sản xuất manh mún. Đây cũng là một trong những tín hiệu tích cực cho thấy sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành liên quan cho “cuộc cách mạng trong ngành nông nghiệp” như lời Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.

 Đỗ Hương

 Nguồn baodientu.chinhphu.vn