Sản xuất nông nghiệp: Cấp bách đầu tư công nghệ mới
- Chủ nhật - 05/04/2015 21:57
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Phát triển nhưng không cân xứng
Tại diễn đàn hợp tác Việt Nam - Nhật Bản về ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, thạc sĩ Từ Minh Thiện, Phó ban Quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) TPHCM cho biết, các hiệp định hợp tác thương mại mang lại tiềm năng to lớn cho kinh tế Việt Nam, nhưng bên cạnh đó cũng xuất hiện nhiều thách thức, nhất là với nhiều mặt hàng nông nghiệp khi vẫn còn sản xuất theo kiểu truyền thống là chính, nông dân chủ yếu dựa vào kinh nghiệm nên dù có thế mạnh nhưng khả năng cạnh tranh còn hạn chế, còn nhiều mặt chưa vượt qua các hàng rào kỹ thuật mà các nước đặt ra.
Hợp tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản trong thời gian qua đã phát triển tốt, mang lại những lợi ích cho các doanh nghiệp và người dân hai nước. Nhưng nếu chỉ tự do hóa thuế quan, kết quả đạt được sẽ không như mong muốn. Thực tế cho thấy, tự do hóa thương mại song phương với Nhật Bản (JBTA) đã giúp lưu chuyển hàng hóa hai nước theo hướng tích cực nhưng không cân xứng. Nhờ tự do hóa thương mại làm tăng gấp đôi kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Nhật Bản sang Việt Nam, trong khi xuất khẩu Việt Nam sang Nhật Bản cũng tăng, nhưng chỉ bằng một nửa, ở mức 53%, trong khi dung lượng thị trường này về nông thủy sản còn rất lớn.
Với tiềm năng thị trường lớn và môi trường pháp lý, kinh tế ngày càng thuận lợi, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tìm thấy nhiều cơ hội xuất khẩu sang thị trường này, đặc biệt là rau quả, góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai nước. Tuy nhiên, với yêu cầu khắt khe về chất lượng, vệ sinh thực phẩm của thị trường Nhật Bản, cùng với cạnh tranh ngày càng khốc liệt từ các nước, đã, đang và sẽ là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi muốn thâm nhập sâu vào thị trường này.
Có thể nói, cách tiếp cận hiện nay dù là tích cực, nhưng tác động không đáng kể trên toàn bộ nền kinh tế. Hay nói cách khác, nếu tăng cường hợp tác thương mại giữa hai nước mà không tăng cường chuyển giao công nghệ, điều mà nền nông nghiệp Việt Nam còn khiếm khuyết, sẽ hạn chế khả năng tăng trưởng cũng như khả năng cạnh tranh các mặt hàng nông sản Việt.
Đẩy mạnh chuyển giao công nghệ ITC
Trong khi lĩnh vực sản xuất công nghiệp và dịch vụ của Việt Nam là điểm đến của nhiều doanh nghiệp Nhật Bản thì việc hợp tác sản xuất, chuyển giao công nghệ lĩnh vực nông nghiệp giữa hai nước vẫn chưa nhiều, khi Việt Nam có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp và Nhật Bản lại rất mạnh và có ưu thế về công nghệ sau thu hoạch, công nghệ chế biến.
Tham gia diễn đàn hợp tác Việt Nam - Nhật Bản về ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp do Ban Quản lý Khu NNCNC TPHCM tổ chức, các doanh nghiệp Nhật Bản cho biết, có những công nghệ trong nuôi trồng, công nghệ sau thu hoạch, tái chế các phụ phẩm nông nghiệp hay công nghệ chế biến trong lĩnh vực nông nghiệp sẵn sàng chuyển giao cho đối tác Việt Nam, hoặc hợp tác sản xuất để có thể xuất khẩu sản phẩm qua thị trường Nhật. Vấn đề là làm sao kết nối giữa hai phía.
Thạc sĩ Từ Minh Thiện cho rằng, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp ở Việt Nam hiện nay còn yếu và đây cũng là lĩnh vực chưa thu hút nhiều đầu tư dù tiềm năng nông nghiệp của Việt Nam rất lớn. Đặc biệt, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ITC) trong lĩnh vực nông nghiệp ở Việt Nam gần như chưa có.
Ông Dang Hiromasa, Tổng Giám đốc Công ty Core - Hiro cho biết, ITC - Information Technology Communication là sự kết nối giữa công nghệ thông tin và truyền thông vào sản xuất nông nghiệp là bước tiến mới, giúp nâng cao năng suất, chất lượng hay đúng hơn là giúp tối ưu hóa trong việc sản xuất, để nâng cao khả năng cạnh tranh và giá trị sản phẩm. ITC ngay cả ở Nhật Bản cũng còn khá mới. Phải chăng vì vậy mà ITC còn rất mới ở Việt Nam và chưa được chú trọng đúng mức. Điều này gây thiệt thòi trong sản xuất, hạn chế việc nâng cao năng suất và đưa nông sản ra nước ngoài, nhất là thị trường Nhật Bản. Do đó việc hợp tác với các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam tiếp cận, học hỏi được công nghệ này.
Tiến sĩ Đinh Minh Hiệp, Trưởng ban Quản lý Khu NNCNC TPHCM cho biết, diễn đàn này là cầu nối mời gọi sự hợp tác, hỗ trợ chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp từ phía các tổ chức, doanh nghiệp của Nhật Bản với Việt Nam. Nhất là việc hỗ trợ công nghệ tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, song song với việc cung ứng hàng hóa cho thị trường trong nước khi nhu cầu cũng ngày càng tăng lên.
Với vai trò là đơn vị đơn vị cầu nối chuyển giao công nghệ giữa Việt Nam và Nhật Bản, ông Nguyễn Trí Dũng, Việt kiều Nhật, Tổng Giám đốc Công ty Liên doanh Minh Trần, cho rằng đây là thời điểm nông nghiệp Việt Nam cần được chuyển giao để ứng dụng các công nghệ cao, giúp cho việc sản xuất nông nghiệp chuyển qua giai đoạn mới, trong đó ứng dụng ITC để giúp sản phẩm chất lượng hơn và cạnh tranh hơn. Dịp này, Công ty Syudensya (Nhật Bản) thông báo việc chuyển giao công nghệ chế biến phân vi sinh từ phế phẩm nông nghiệp cho Khu NNCNC TPHCM. Công nghệ này có ưu điểm là thời gian làm ra phân bón nhanh hơn 5 - 7 lần so với công nghệ cũ.
Theo sggp.org.vn