Tái cơ cấu không phải là đảo lộn mọi thứ

Tái cơ cấu không phải là đảo lộn mọi thứ
“Tái cơ cấu nông nghiệp phải tránh áp đặt, tránh hành chính hóa. Lĩnh vực nào, khâu nào đã tốt rồi thì phải giữ, khâu nào còn yếu thì phải thay đổi để tạo đột phá, chứ không thể cứ làm đảo lộn hết cả lên rồi nghĩ rằng đó là tái cơ cấu”. Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải tại Hội nghị Sơ kết 2 năm tái cơ cấu nông nghiệp nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT cho biết, trên cơ sở Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Bộ đã chỉ đạo xây dựng xong 12 đề án chuyên đề. Nhiều cơ chế chính sách đã được ban hành ở cấp Trung ương và địa phương.

Xuất khẩu nông sản ở Cảng Hải Phòng.

Chưa tạo được chuyển biến rõ nét

Bộ và một số địa phương đã có nhiều giải pháp đẩy mạnh công tác nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ, điều chỉnh đầu tư công phù hợp với định hướng mới về phát triển sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp. Đồng thời, đang nỗ lực thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn. Nhiều doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đã quan tâm tìm hiểu và thực hiện các dự án đầu tư lớn vào phát triển sản xuất, chế biến, kinh doanh nông, lâm, thủy sản.

Những nỗ lực trên đã có những tác động tích cực tới hiệu quả sản xuất kinh doanh. Trong 2 năm 2014-2015, các địa phương đã chuyển đổi được hơn 300.000ha gieo trồng lúa kém hiệu quả sang trồng ngô, cây làm thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản có hiệu quả cao hơn, rõ nhất là ở Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng. Tỷ lệ sử dụng giống lúa xác nhận đã tăng mạnh, các tỉnh phía Bắc đạt 80%, khu vực miền Trung đạt trên 50%, vùng ĐBSCL đạt 41%, nhờ đó nâng cao chất lượng gạo phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu.

Đối với các cây công nghiệp chủ lực, Bộ và các địa phương đang tiến hành rà soát lại quy hoạch, phổ biến áp dụng quy trình sản xuất tốt nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm. Từ năm 2013 đến nay đã trồng tái canh được 46,8 nghìn hecta cà phê, đạt tỷ lệ 39% so với mục tiêu tái canh 120.000ha đến năm 2020. Hai năm qua, cũng đã trồng mới được 32.000ha điều bằng giống mới. Thu nhập bình quân 1ha trồng trọt năm 2014 đạt khoảng 78,7 triệu đồng, tăng 3 triệu đồng/a so với năm 2013. Dự kiến năm 2015 đạt 82,5 triệu đồng/ha, tăng 3,8 triệu đồng/ha so với năm trước.

Qua 2 năm tái cơ cấu, sản xuất chăn nuôi năm 2014 tăng trưởng 4,1% và dự kiến tăng khoảng 5% trong năm 2015. Giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp tăng trưởng mạnh, năm 2013-2014 đạt 6,57%/năm, năm 2015 dự kiến tăng 7-8%, vượt mục tiêu đề án đề ra là 5,5-5,6%/năm. Giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt gần 6,3 tỷ USD/năm trong giai đoạn 2013-2014, gấp hơn 2 lần giai đoạn 2010-2012. Về thủy sản, tổng sản lượng thủy sản năm 2014 đạt 6,3 triệu tấn, tăng 5% so với năm 2013 và giá trị sản xuất của ngành thủy sản tăng 6,8%.

Tuy vậy, quá trình thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp diễn ra còn chậm, chưa tạo ra sự chuyển biến sâu rộng và tác động rõ nét vào sự phát triển của nền nông nghiệp, tăng trưởng của ngành chưa vững chắc. Sự phát triển ồ ạt, diện tích vượt quy hoạch của một số loại cây trồng đã trở thành gánh nặng cho ngành. Thu hút đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài (FDI) và các nguồn lực xã hội vào thực hiện tái cơ cấu còn hạn chế. Tái cơ cấu đầu tư công mới được thực hiện đối với nguồn vốn ngân sách tập trung do Bộ Nông nghiệp và PTNT quản lý, chưa thể hiện rõ ở các địa phương và toàn ngành. Hoạt động nghiên cứu và chuyên giao khoa học kỹ thuật của các tổ chức nhà nước hiệu quả chưa cao, trong khi sự tham gia của doanh nghiệp, sự liên kết của các tổ chức nhà nước và doanh nghiệp còn hạn chế.

Cần sự chung tay của nhiều bộ, ngành

Nhiều ý kiến cho rằng, tái cơ cấu ngành nông nghiệp là một quá trình phức tạp, lâu dài, yêu cầu phải có những điều chỉnh trong cấu trúc của ngành tạo ra khuôn khổ mới để ngành phát triển nhanh hơn với hiệu quả cao hơn và bền vững hơn. Khuôn khổ đó trước hết phải tạo điều kiện thuận lợi để nông dân và các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có hiệu quả cao hơn để tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Để đạt hiệu quả cao cần tập trung hơn vào việc nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất thay vì chạy theo số lượng. Cần điều chỉnh lại tổ chức nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ theo hướng gắn kết chặt chẽ hơn với sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho người sản xuất áp dụng khoa học kỹ thuật, thu hút sự tham gia của doanh nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng với hàng loạt FTA đã và đang được ký kết, thì cần đánh giá lại những khâu liên quan đến công tác quy hoạch. Cần phải coi công tác quy hoạch là khâu không thể thiếu và là công cụ quan trọng trong điều hành kinh tế thị trường. Nếu không có định hướng tốt trong quy hoạch và tổ chức triển khai thực hiện thì sẽ gặp hàng loạt các vấn đề liên quan đến hiệu quả của đầu tư sản xuất vào nông nghiệp.

Trong thời gian vừa qua, chứng kiến hàng loạt sản phẩm nông nghiệp hoặc chưa được quy hoạch hoặc quy hoạch không đầy đủ nên việc tiêu thụ sản phẩm gặp vấn đề rất lớn. Vì vậy, nội dung công tác về định hướng quy hoạch cần phải được rà soát trong bối cảnh mới của hội nhập để đảm bảo hiệu quả cạnh tranh của sản phẩm hướng đến xây dựng chuỗi giá trị. “Rất nhiều cây trồng thiếu sự phối hợp trong khâu xây dựng quy hoạch giữa 2 bộ chứ chưa nói đến việc tổ chức thực hiện quy hoạch tại các địa phương.  Nếu thiếu sự phối hợp thì bản thân các quy hoạch và đề án phát triển sản phẩm sẽ khó đảm bảo được hiệu quả cũng như chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh”, ông Tuấn Anh nói.

Kết luận Hội nghị, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải nhận định: Cơ hội đang mở ra cho ngành nông nghiệp rất lớn. Chúng ta phải quyết liệt trong thời điểm này, vì thách thức hội nhập đang tạo ra cuộc cạnh tranh khốc liệt cho nông sản. Nếu chúng ta không đổi mới về mô hình thì sẽ thua ngay. Mọi bước đi, mọi quyết định tái cơ cấu phải theo hướng cạnh tranh quốc tế, xây dựng các mô hình từ chăn nuôi, trồng trọt đến bảo vệ rừng phải theo hướng truy xuất nguồn gốc, quản lý chất lượng.

Ngày nay, nông dân không thể chờ địa phương bảo trồng gì thì trồng cái đó, mà họ phải tự thay đổi cách nghĩ, cách làm, tự lựa chọn đối tượng sản xuất để đạt được lợi nhuận cao. Cơ giới hóa nông nghiệp trong thời gian vừa qua đạt tốc độ cao nhất từ trước tới nay. Cho thấy, khi nhìn thấy lợi nhuận cao hơn thì người dân sẽ tự đầu tư máy móc, nâng cao kỹ thuật và công nghệ, không chờ sự thúc giục của nhà nước. 

“Thay mặt Chính phủ, tôi biểu dương những thành công trong tái cơ cấu nông nghiệp. Mặc dù vậy, các đồng chí cần đưa ra các tiêu chí để đo lường cụ thể từng lĩnh vực xem hiệu quả đến đâu, chứ không phải quanh năm suốt tháng chỉ nhận định bằng một câu cơ bản là tốt. Mục tiêu cuối cùng của chúng ta là giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Nên tìm những khâu nào còn yếu thì phải thay đổi để tạo đột phá, chứ không thể cứ làm đảo lộn hết cả lên rồi nghĩ rằng đó là tái cơ cấu”, Phó thủ tướng nhấn mạnh. 

Phó thủ tướng yêu cầu: Cần xem lại quan điểm về các mô hình sản xuất. Rất nhiều hộ kinh tế nhỏ nhưng rất hiệu quả, không nên tuyệt đối hóa một mô hình kinh tế nào. Hiện, chuyển dịch cơ cấu lao động được đánh giá là yếu tố rất quan trọng, thế nhưng tỷ lệ lao động trong nông nghiệp lên đến 46% là quá cao. Các ngành công nghiệp phải nỗ lực hơn nữa trong việc rút lao động ra khỏi nông nghiệp. Các bộ ngành khác cần vào cuộc chung tay thực hiện tái cơ cấu với ngành nông nghiệp, vì ngành nào cũng phải có trách nhiệm với chuỗi giá trị nông sản. Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt hơn nữa công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho nông dân, nhà sản xuất. Các địa phương cần đẩy mạnh phát triển thương hiệu đồng thời kiểm tra xử lý nghiêm trường hợp cố tình đưa sản phẩm không đảm bảo an toàn ra thị trường với mục tiêu cuối cùng là nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Năm 2014, giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp tăng 3,9%, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 3,49%, vượt mục tiêu Chính phủ đề ra là 3,27%, cao hơn mức 2,64% của năm 2013. Ước tính 6 tháng đầu năm nay mặc dù gặp nhiều khó khăn do điều kiện thời tiết bất thường, bất lợi về thị trường nhưng giá trị sản xuất toàn ngành vẫn tăng 2,41% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt  30,86 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2013.

Chất lượng tăng trưởng tiếp tục được cải thiện, tỷ trọng gia tăng trong tổng giá trị sản xuất ngành đã tăng từ 57% năm 2010 lên 63,9% năm 2012 và 64,7% năm 2013.
 
Chu Khôi
Theo: kinhtenongthon.com.vn