Tái cơ cấu nền nông nghiệp theo hướng bền vững
- Thứ tư - 15/01/2014 02:19
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Xin ông cho biết những kết quả ấn tượng sau 3 năm ngành NN&PTNT thực hiện tái cơ cấu?
Những năm qua, tỉnh ta đã tập trung chỉ đạo chuyển đổi mô hình kinh tế theo hướng xác định sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực, ban hành đồng bộ hệ thống đề án, quy hoạch, chính sách và ưu tiên bố trí nguồn lực, tập trung chỉ đạo quyết liệt, thực hiện một bước tái cơ cấu ngành và đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực.
Dự án sản xuất rau, củ, quả trên đất cát hoang hóa Thạch Văn (Thạch Hà) mở ra hướng sản xuất công nghệ sinh học, góp phần tái cấu trúc nông nghiệp. Ảnh: Tuệ Anh |
Tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản năm 2013 theo giá trị hiện hành đạt 12.890 tỷ đồng, chiếm 18,3% tổng cơ cấu GDP toàn tỉnh. Tốc độ tăng trưởng bình quân toàn ngành giai đoạn 2011-2013 đạt 4,4%/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng trồng trọt, tăng tỷ trọng chăn nuôi trong nội ngành nông nghiệp; tăng tỷ trọng lâm nghiệp và thủy sản trong tổng giá trị nông, lâm, thủy sản.
Cơ cấu nội ngành chuyển dịch theo hướng phát triển các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực. Trước hết là thành công của cuộc cách mạng chuyển đổi cơ cấu mùa vụ thích ứng với biến đổi khí hậu (bỏ trà xuân sớm), mở rộng quy mô sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng cánh đồng mẫu; tăng diện tích rau, củ, quả (từ 9.634 ha lên 9.928 ha); phát triển nhanh trang trại, gia trại trong chăn nuôi, giảm dần chăn nuôi nhỏ lẻ trong nông hộ. Về thủy sản, mở rộng diện tích nuôi tôm trên cát, nuôi thâm canh ở vùng nuôi tập trung từ 150 ha lên 300 ha. Cùng với đó, tăng nhanh đội tàu công suất lớn (từ 90 CV trở lên), đánh bắt xa bờ, khai thác những đối tượng có giá trị kinh tế cao từ 39 chiếc lên 114 chiếc. Đẩy mạnh trồng rừng sản xuất gắn với phát triển công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu trong lâm nghiệp.
Qua 3 năm, số doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nông nghiệp tăng nhanh, hiện có 368 DN, phát triển nhanh HTX, tổ hợp tác và trang trại. Hình thức liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân và DN đã hình thành và được nhân rộng trên các lĩnh vực. Điển hình: mô hình liên kết giữa các hộ nông dân với Tổng Công ty KS&TM Hà Tĩnh, Công ty CP (Thái Lan); trong sản xuất lúa gạo chất lượng cao đã hình thành nhiều cánh đồng mẫu lớn ở Cẩm Xuyên, Đức Thọ, Thạch Hà, Can Lộc. Ngoài ra còn có sự liên kết trong sản xuất, chế biến chè, cao su, gỗ nguyên liệu.
Hệ thống cơ chế, chính sách được xây dựng, bổ sung, điều chỉnh khá đầy đủ, đồng bộ. Hạ tầng giao thông, thủy lợi từng bước được tăng cường, củng cố theo hướng hiện đại. Tiểu thủ công nghiệp, làng nghề nông thôn có bước chuyển biến tích cực. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 13,69 triệu đồng, đời sống nông dân từng bước cải thiện và nâng cao; công tác XĐGN được triển khai thực hiện có hiệu quả, giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo. Cơ cấu lao động có sự chuyển dịch tích cực, giảm số lượng và tỷ trọng nhóm hộ nông, lâm, thủy sản, tăng số lượng và tỷ trọng nhóm hộ công nghiệp và dịch vụ.
Xây dựng NTM được tập trung chỉ đạo quyết liệt, đạt được những kết quả rõ nét cả về chiều rộng và đi vào chiều sâu; cuối năm 2013, đã có 7 xã về đích xây dựng nông thôn mới.
Vậy theo ông, giai đoạn mới mô hình tăng trưởng sẽ được thực hiện như thế nào? Khâu đột phá là gì?
Những thành công bước đầu có thể khẳng định sự phát triển của nông nghiệp tỉnh nhà đang đi đúng hướng. Vì vậy, thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục thực hiện tốt mô hình tăng trưởng này, trong đó tập trung nâng cao GTGT và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực; phát triển nông nghiệp toàn diện, theo hướng hiện đại và bền vững cả về kinh tế, xã hội, môi trường. Chuyển đổi mô hình sản xuất hàng hóa theo hướng vừa tập trung (đối với các khâu giống, quy trình kỹ thuật, chế biến), vừa phân tán (đối với khâu sản xuất tại các HTX, tổ hợp tác, trang trại) để tạo khối lượng hàng hóa lớn, đồng đều về chất lượng và kết nối thị trường.
Tái cơ cấu trên từng sản phẩm phải được thực hiện đồng bộ, nhằm nâng cao GTGT trên cả 6 nội dung của quá trình sản xuất, gồm: cơ cấu lại quy mô, sản xuất và cung ứng giống, kỹ thuật - công nghệ, hình thức tổ chức sản xuất, chế biến và thị trường, chính sách kích hoạt. Trong đó sẽ tập trung vào 3 khâu đột phá chủ yếu, gồm:
Thứ nhất, đổi mới tổ chức, thể chế để giúp nông dân gắn bó với nhau và liên kết với doanh nghiệp; đẩy mạnh phát triển trang trại, tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp, liên kết vùng trong sản xuất; tổ chức chuỗi giá trị ngành hàng theo hướng quy hoạch, hình thành khu sản xuất tập trung làm hạt nhân phát triển các sản phẩm chủ lực.
Thứ hai, cập nhật nhanh các tiến bộ kỹ thuật – công nghệ từ sản xuất, đến bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm để ứng dụng, phổ cập, tạo đồng nhất về sản phẩm sử dụng một quy trình, công nghệ.
Thứ ba, phải hỗ trợ cho nông dân đầu ra, làm tốt công tác chế biến, thương mại, phát triển thị trường. Tập trung đầu tư phát triển công nghiệp chế biến tinh, sâu, tạo GTGT cao, gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm theo hướng tận dụng cơ hội thị trường đối với những sản phẩm có lợi thế; đồng thời tăng cường xúc tiến, mở rộng thị trường, liên kết bao tiêu sản phẩm cho sản xuất nông hộ, trang trại, tổ hợp tác, doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Tái cơ cấu gắn với chuỗi ngành hàng (sản xuất theo chuỗi khép kín), muốn thực hiện được thì cần những điều kiện gì, thưa ông?
Trước hết, nói về chuỗi ngành hàng, đây là một khái niệm, một cách làm mới đối với chúng ta. Chuỗi ngành hàng là một tổ chức, ở đó có một hội đồng kinh doanh (trong đó có đại diện nông dân, nhà xuất khẩu, nhà chế biến). Các đại diện tham gia chuỗi sẽ quyết định lấy tiêu chuẩn gì, thương hiệu gì cho sản phẩm.
Muốn làm được chuỗi ngành hàng, cần một hệ thống chính sách, tổ chức và đầu tư. Phải thu hút được doanh nghiệp vào đầu tư phát triển sản xuất, liên kết chặt chẽ với hộ nông dân xây dựng chuỗi giá trị hàng hóa; doanh nghiệp đứng ra tổ chức sản xuất, cung ứng đầu vào và thu mua sản phẩm, trong đó lợi ích được phân chia hài hòa giữa các khâu và các bên tham gia chuỗi giá trị. Việc thu hút doanh nghiệp vào đầu tư phát triển sản xuất theo chuỗi (doanh nghiệp hóa sản phẩm) sẽ được thực hiện theo 3 hướng cơ bản:
Một là, hỗ trợ nông dân hình thành các gia trại, trang trại, tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Hai là, hỗ trợ tư thương từng bước thành doanh nghiệp gắn bó lâu dài với người dân (từ chỗ bị động chuyển sang chủ động gắn kết, khắc phục tình trạng được mùa - mất giá, tư thương làm ăn theo tình huống, cơ hội, chộp giật).
Ba là, mỗi sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực cần có một hoặc một số doanh nghiệp lớn đầu tư tổ chức phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị.
Vâng, xin cảm ơn ông!
PV (thực hiện)
Nguồn baohatinh.vn