Tái cơ cấu ngành chăn nuôi có đỡ kịp “sóng lớn” TPP?

Tái cơ cấu ngành chăn nuôi có đỡ kịp “sóng lớn” TPP?
ái cơ cấu ngành chăn nuôi tập trung vào nội dung trọng điểm nào? Cục Chăn nuôi sẽ đưa ra giải pháp gì để thúc đẩy tái cơ cấu đạt hiệu quả?… Bên lề hội nghị “Triển khai công tác Chăn nuôi - Thú y toàn quốc”, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh những vấn đề trên.
 
 

Thưa ông, từ đầu năm đến nay ngành Chăn nuôi khá chật vật, giá cả bấp bênh do không cạnh tranh nổi với thịt nhập ngoại ồ ạt đổ vào Việt Nam?

Đối với chăn nuôi thì không riêng năm nay mà rất nhiều năm, giá cả bấp bênh. Đó không hẳn là do lượng thịt NK tăng lên mà bởi chúng ta chưa có kế hoạch sát với thực tế. Mối quan hệ cung-cầu không tương xứng, dẫn tới tình trạng lúc giá tăng thì người dân tập trung chăn nuôi nhiều và giá giảm lại điều chỉnh nuôi ít đi. Hơn nữa dịch bệnh trong công tác chăn nuôi, an toàn sinh học cũng chưa thực hiện tốt, chưa xây dựng vùng an toàn về dịch bệnh cho nên rủi ro luôn luôn đến với người chăn nuôi ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

Xin ông cho biết, trước mắt, tái cơ cấu ngành chăn nuôi sẽ tập trung hơn cả vào nội dung nào?

Với tái cơ cấu có 4 nội dung là: Vùng chăn nuôi, giống vật nuôi, phương thức chăn nuôi và  thị trường. Bộ NN&PTNT có chỉ đạo tập trung hơn cả vào tái cơ cấu giống vật nuôi, đặc biệt là quản lý giống. Vấn đề phức tạp là ở Việt Nam nhà nhà làm giống, người người làm giống nên chất lượng còn hạn chế. Quản lý nhà nước về giống vật nuôi còn đang buông lỏng, thực hiện pháp lệnh về giống vật nuôi chưa được tốt. Thời gian qua, Cục Chăn nuôi đã bắt đầu tiến hành thí điểm quản lý lợn đực giống tại 4 tỉnh Phú Thọ, Nam Định, Bình Định, Bà Rịa-Vũng Tàu. Dự kiến, bắt đầu 2015 sẽ triển khai trên phạm vi toàn quốc.

Đề án tái cơ cấu ngành Chăn nuôi đặt ra mục tiêu sẽ phát triển chăn nuôi trang trại, quy mô lớn. Trong bối cảnh, số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún ở Việt Nam còn nhiều, liệu mục tiêu này có khả thi, thưa ông?

Cả nước hiện có khoảng 8 triệu hộ chăn nuôi gia cầm, 4 triệu hộ chăn nuôi lợn, số hộ chăn nuôi này tương đối lớn. Đề án tái cơ cấu đặt mục tiêu từng bước giảm quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, tăng chăn nuôi trang trại lên. Cụ thể, mỗi năm giảm 400.000 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Tương ứng với đó, năm 2014 sẽ giảm 10% hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Để đạt được mục tiêu trên, sắp tới đây Bộ NN&PTNT sẽ trình Chính phủ và ngay khi được phê duyệt sẽ ban hành chính sách chăn nuôi nông hộ. Chính sách này định hướng không khuyến khích đẩy mạnh chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ nữa nhưng sẽ đẩy mạnh chăn nuôi an toàn và dần dần tăng quy mô chăn nuôi lên.

Hiệp định TPP sắp sửa được ký kết, dự báo sẽ tạo ra thách thức lớn với ngành chăn nuôi. Xin ông cho biết, đâu sẽ là những giải pháp được Cục Chăn nuôi đưa ra để kịp thời ứng phó?

Kinh tế đất nước càng hội nhập thì ngành chăn nuôi càng phải đối mặt với nhiều thách thức. Nhiều năm qua và cả trong năm nay, người chăn nuôi thường xuyên phải chịu sức ép từ trượt giá, dịch bệnh… Để hạn chế và dần khắc phục tình trạng này, Cục Chăn nuôi sẽ có những dự báo thường xuyên và có những thống kê về mặt giá giúp cho bà con nông dân có thể chủ động hơn. Bên cạnh đó, Cục chủ trương đẩy mạnh xây dựng chăn nuôi theo chuỗi, từng bước nâng cao giá trị và tăng sức cạnh tranh cho toàn ngành.

Trước đây, Đề án tái cơ cấu vẫn được kỳ vọng sẽ giúp ngành chăn nuôi đối mặt tốt hơn trước “sóng lớn” TPP. Nhưng với tiến độ như hiện tại, ông có cho rằng, không nên đặt kỳ vọng nhiều vào tái cơ cấu nữa?

Làm bất kỳ điều gì cũng cần có tiến trình, phải làm từng khâu, từng bước không thể đòi hỏi tái cơ cấu phải phát huy tác dụng ngay trong một sớm một chiều. Tái cơ cấu ngành chăn nuôi được tiến hành ở nhiều địa phương trên toàn quốc với những đặc điểm khác nhau nên càng phức tạp, khó khăn hơn. Dự kiến, cần một vài năm tái cơ cấu mới có thể tạo được những bước chuyển biến nhất định trong ngành chăn nuôi.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

 

Trung tâm Thông tin Phát triển nông nghiệp nông thôn (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn) nhận định: Hiện nay, thuế suất NK các mặt hàng thịt vào Việt Nam ở mức tương đối cao: Thịt bò từ 14% - 30%; thịt lợn từ 15% - 25%; thịt gà từ 15% - 40%; các loại thịt khác cũng từ 5% trở lên. Tuy nhiên trong thời gian tới, khi Hiệp định TPP được ký kết, hàng rào bảo hộ trên sẽ không còn. Dự kiến thuế nhiều sản phẩm thịt NK bằng 0%, ngành chăn nuôi trong nước sẽ chịu tổn thương nặng nề.


 

Uyển Như
Nguồn baohaiquan.vn