Tái cơ cấu nông nghiệp Kỳ Anh - những chuyển động tích cực
- Thứ tư - 08/02/2017 21:53
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Khai thác tiềm năng, lợi thế để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp là một trong những mục tiêu hàng đầu của huyện Kỳ Anh.
Băn khoăn thực trạng
Thực tế, huyện Kỳ Anh vẫn chưa khai thác được tiềm năng, lợi thế. Các sản phẩm sản xuất tại địa phương giá trị kinh tế chưa cao; ruộng đồng manh mún, chưa tích tụ được để sản xuất quy mô lớn. Minh chứng rõ nét nhất là các loại cây trồng như lúa vẫn chiếm diện tích lớn trong cơ cấu cây trồng với trên 9.300 ha, rừng nguyên liệu 2.037 ha, chủ yếu sản xuất gỗ nguyên liệu, chưa có sản phẩm gỗ lớn, giá trị cao, chưa phát triển theo hướng khoanh nuôi, kết hợp du lịch...
Đối với ngành chăn nuôi, một số loại con chủ lực như bò, dù có xu hướng tăng nhanh về số lượng (từ 12.895 con năm 2013 tăng lên 15.075 con năm 2015), tuy nhiên, việc nuôi đại trà còn nhỏ lẻ, chi phí cao, tiêu thụ gặp khó khăn do chưa liên kết được thị trường. Chăn nuôi lợn liên kết quy mô lớn dù đã có bước phát triển với 10 cơ sở nhưng với quy mô vừa và nhỏ đang gặp không ít khó khăn do liên kết chưa chặt chẽ, thị trường tiêu thụ chưa ổn định. Trên thực tế, một số mô hình liên kết đã bị vỡ do chi phí đầu vào cao khiến người dân thua lỗ chỉ sau 1 - 2 vụ nuôi.
Đối với ngành thủy sản, con tôm được xem là mũi kinh tế chủ lực của bà con vùng ven biển, bãi ngang với diện tích nuôi trên 452 ha. Tuy nhiên, đến nay, tỷ lệ nuôi thâm canh công nghiệp, bán thâm canh chỉ mới đạt 52 ha, còn lại hầu hết bà con đang nuôi theo hình thức quảng canh, mức độ rủi ro do dịch bệnh và thời tiết cao, giá trị kinh tế lại thấp. Việc khai thác thủy hải sản chủ yếu tàu công suất nhỏ với 246 chiếc có công suất dưới 20 CV (chiếm 91,4%), còn tàu trên 90 CV chỉ có 4 chiếc (chiếm 1,4%).
Xác định mũi đột phá chiến lược
Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh Bùi Quang Hoàn cho biết, nhiệm vụ trọng tâm của đề án là triển khai sắp xếp lại cơ cấu ngành nông nghiệp, chọn những cây, con có giá trị và quy mô tương đối để xây dựng thành sản phẩm chủ lực, hàng hóa với giá trị gia tăng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường. Từ đó, tạo động lực để nâng cao năng suất, sản lượng của các loại cây, con, đưa nền nông nghiệp phát triển nhanh và vững chắc.
Một trong những mục tiêu trọng tâm của đề án tái cơ cấu nông nghiệp huyện là mỗi địa phương phải có các sản phẩm chủ lực, hàng hóa với giá trị gia tăng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường; tạo động lực để nâng cao năng suất, sản lượng của các loại cây, con và nâng cao thu nhập, đời sống của nhân dân. Phấn đấu 50% số thôn trong xã có mô hình “Mỗi làng một sản phẩm” gắn với thương hiệu sản phẩm. Để đạt được mục tiêu này, Kỳ Anh đang chọn những cây, con mang tính đặc thù để tập trung hỗ trợ: cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn; hỗ trợ các mô hình chăn nuôi lợn, bò; mở rộng diện tích chè, cây ăn quả có múi, cây dược liệu; tăng diện tích nuôi tôm thâm canh và cá nước ngọt…
Nguồn lực thực hiện đề án sẽ được huyện huy động qua việc tiết kiệm các nguồn chi thường xuyên, huy động các nguồn lực đầu tư, xã hội hóa. Trong đó, các đối tượng được hỗ trợ sẽ tập trung cho các mô hình quy mô nhỏ, chưa thuộc diện được tiếp cận các chính sách hỗ trợ của tỉnh.
Cây ăn quả có múi là một trong những loại được Kỳ Anh ưu tiên phát triển, nhất là tại các xã miền núi.
Những bước chuyển động mới
Sau hơn 7 tháng triển khai, đề án đã bắt đầu có những tín hiệu tích cực trong phát triển kinh tế, nhất là tại các xã vùng núi. Ông Vũ Trung Tiến - Chủ tịch UBND xã Kỳ Thượng cho biết: Thời gian qua, ngoài cây chè mang lại giá trị kinh tế cao, nâng cao đời sống cho người dân thì các loại cây, con còn lại chưa phát triển tương xứng với lợi thế của xã. Đề án tái cơ cấu của huyện ra đời đã tạo nên khí thế mới cho các hộ sản xuất. Hiện nay, bà con Kỳ Thượng đang tích cực cải tạo vườn tạp để trồng cam. Theo kế hoạch, toàn xã sẽ trồng khoảng 20 ha cam Cao Phong theo chính sách hỗ trợ từ đề án.
Anh Nguyễn Văn Hiến (Kỳ Thượng) chia sẻ: “Sau khi được xã thông báo về chính sách hỗ trợ của huyện, tôi cải tạo vườn để trồng khoảng 1.000 gốc cam. Với mức hỗ trợ 20 ngàn đồng/gốc đã giúp tôi có thêm kinh phí đầu tư cây giống, phân bón”.
Cũng từ sự tiếp sức của đề án, hiện Kỳ Thượng đang tập trung nâng cao chất lượng, năng suất hơn 150 ha chè, bằng việc trồng các loại giống có năng suất và nâng cao kỹ thuật thu hoạch, bảo quản. Hướng tới mục tiêu năm 2018 sẽ xây dựng nhà máy chế biến chè tại địa phương.
Còn tại Kỳ Hợp, cùng với cải tạo vườn tạp, hiện nay, bà con nhân dân đang tích cực chuyển đổi từ trồng keo tràm sang cây ăn quả có múi và chăn nuôi quy mô trang trại, gia trại. Theo ông Phan Văn Duẩn - Chủ tịch UBND Kỳ Hợp, sau khi đề án tái cơ cấu của huyện ra đời, xã tiến hành xây dựng kế hoạch trồng hơn 30 ha cây ăn quả có múi và khuyến khích thành lập các mô hình chăn nuôi bò, gà quy mô vừa. Hiện nay, đã phát triển thêm được 3 ha cam và thành lập trên 25 mô hình sản xuất mới.
Theo báo cáo từ Phòng NN&PTNT Kỳ Anh thì từ khi đề án ra đời đến nay, các địa phương trong toàn huyện đã đăng ký xây dựng 130 mô hình. UBND huyện đã thành lập đoàn công tác thực hiện việc nghiệm thu mô hình và có 125 mô hình đủ điều kiện được hỗ trợ theo chính sách của huyện với số tiền gần 1,5 tỷ đồng. Đây là tín hiệu tích cực để kỳ vọng vào những đột phá của ngành nông nghiệp Kỳ Anh.
Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh - Bùi Quang Hoàn: Đội ngũ cán bộ cơ sở phải “truyền lửa” cho người dân Để thực hiện thành công đề án thì việc cần làm đầu tiên của huyện là nâng cao năng lực, tâm huyết, trách nhiệm, kỹ năng công tác, điều hành cho đội ngũ cán bộ. “Đội ngũ cán bộ cơ sở phải biết việc, biết cách làm và biết cách quản trị, lúc đó mới truyền lửa được cho người dân. Để làm được điều này, huyện sẽ rà soát lại toàn bộ đội ngũ cán bộ các cấp, theo từng chức năng, nhiệm vụ công tác, trên cơ sở đó, bố trí, sắp xếp lại hợp lý. Đánh giá, đề bạt, bổ nhiệm trên cơ sở năng lực, thậm chí đối với những trường hợp không đủ năng lực thì sẵn sàng thay thế. Thường xuyên, định kỳ đối thoại với dân, giải quyết kịp thời vướng mắc để người dân tiếp cận thuận lợi các chính sách hỗ trợ phát triển. Riêng năm 2016, lãnh đạo huyện Kỳ Anh đã tổ chức 18 cuộc đối thoại để giải đáp, tuyên truyền cho bà con, qua đó, tạo được sự đồng thuận trong xã hội. Trưởng phòng NN&PTNT Kỳ Anh - Lê Văn Trọng: Hội tụ các tiềm năng, lợi thế phát triển nông nghiệp Kỳ Anh có quỹ đất dồi dào với 75.960,6 ha, được phân bổ khá đồng đều và đa dạng trên 3 vùng sinh thái (miền núi, đồng bằng, ven biển). Huyện cũng sở hữu nguồn lao động dồi dào với 32.604 người. Nguồn nước tưới tiêu phục vụ sản xuất khá dồi dào với 52 công trình thủy lợi, 396,944 km kênh mương. Với vị trí nằm giữa KKT Vũng Áng năng động và khu du lịch Thiên Cầm, huyện có lợi thế lớn để phát triển các vùng hậu cần lương thực. Khi hệ thống giao thông QL1, 12 được kết nối và hệ thống đường ven biển được hoàn chỉnh sẽ tạo được sự kết nối vùng, liên vùng và các khu vực để phát triển nền nông nghiệp, du lịch phục vụ các trung tâm kinh tế, công nghiệp trọng điểm. |