Tái cơ cấu nông nghiệp: Nghiên cứu thị trường phải đi trước
- Chủ nhật - 20/10/2013 00:16
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Sau khi đăng loạt bài về “Tái cơ cấu nông nghiệp để trả nợ nông dân”, Báo điện tử VOV tiếp tục trao đổi và nhận được phản hồi từ nhiều chuyên gia cùng bàn thảo về vấn đề này. Chúng tôi xin giới thiệu ý kiến của Tiến sĩ Đào Thế Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hệ thống Nông nghiệp (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) về vai trò của thị trường đối với quá trình sản xuất và tiêu thụ nông sản.
Phải bắt đầu từ thị trường
Theo TS Đào Thế Anh, tái cơ cấu nông nghiệp phải theo hướng nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm, quan trọng nhất là nâng cao thu nhập cho nông dân. Vế thứ hai này rất quan trọng. Vì nếu không tăng thu nhập cho nông dân thì nông dân không sản xuất nông nghiệp nữa. Và, việc nông dân bỏ ruộng đã xảy ra ở một số nơi.
TS Đào Thế Anh |
Muốn thế, cần phải xem xét lại cơ cấu cây trồng. Chính sách nông nghiệp của nước ta từ khi đổi mới đến nay là hướng vào ưu tiên tăng năng suất để đảm bảo đủ lương thực. Đến nay, rất nhiều mặt hàng đã có thể xuất khẩu, sản phẩm đã thừa rồi. Cho nên, chính sách nông nghiệp cần thay đổi, nhưng thay đổi còn rất chậm.
“Chúng ta thường chỉ đạo là tập trung vào sản xuất một số mặt hàng chính. Nhưng cách này đi ngược với quy luật thị trường. Bởi nếu sản phẩm gì nhiều quá, giá sẽ giảm. Đây là quy luật chung. Trên thế giới, các nước đều tìm cách tránh tình trạng này”- TS Anh nhấn mạnh.
Vì thế, nước ta cần đa dạng hóa các loại cây trồng để không tập trung vào một loại sản phẩm nào đó. Khi có nhiều loại sản phẩm thì thị trường sẽ đa dạng hơn, tăng chất lượng lên để tiếp cận các thị trường cao cấp hơn.
Đặc biệt, theo nhìn nhận của TS Anh, “hiện nay rất nhiều cuộc thảo luận về tái cơ cấu nông nghiệp mới tập trung bàn về hộ nông dân, quy hoạch sản xuất nhưng chưa thấy đề cập đến thị trường là ai, xuất khẩu ở đâu, thị trường trong nước như thế nào? Rồi thì, nói đến thị trường cũng thường chỉ hay nói đến xuất khẩu nhưng chưa đi vào chi tiết là xuất khẩu cái gì, ở thị trường nào, tiêu chuẩn chất lượng thế nào… tức là chưa có thông tin cụ thể về thị trường”.
Muốn tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị để tăng thu nhập, TS Anh cho rằng, “không có cách nào hơn ngoài việc phải gắn với nhu cầu thị trường. Cho nên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải có một nghiên cứu rất kỹ về thị trường. Còn hiện nay, các chính sách bàn ra chủ yếu nói dựa trên kinh nghiệm chủ quan của một số chuyên gia mà chưa có nghiên cứu về thị trường. Nếu có nghiên cứu về thị trường sẽ cho chúng ta rất nhiều ý tưởng mới về tái cơ cấu”.
Không những thế, TS Anh lưu ý, tái cơ cấu cây trồng cần phải đặt trong mối quan hệ tổng thể cả nền nông nghiệp (giữa trồng trọt với chăn nuôi, thủy sản…). Việt Nam được các nước đánh giá rất cao về tiềm năng sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là trồng trọt, vì nước ta có khí hậu tương đối thuận lợi. Còn chăn nuôi gặp cản trở là đất ít và thiếu thức ăn gia súc.
Ngành trồng trọt hiện có rất nhiều cơ hội, ngoài trồng lúa thì có rau, quả rất tiềm năng. Đối với thị trường thế giới, nông sản Việt Nam còn có nhiều cơ hội trước thềm Hiệp định TPP, Hiệp định Tự do hóa Thương mại Việt Nam- EU… “Tất cả các hiệp định này là cơ hội, nhưng nó cũng sẽ là thách thức. Việt Nam phải nắm bắt cơ hội bằng thay đổi cơ cấu sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng tới các sản phẩm mà các thị trường này cần”.
Về chiến lược, Việt Nam vẫn là nước tiềm năng xuất khẩu nông sản với mục tiêu thu nhiều ngoại tệ hơn, trên cơ sở đó thì phân phối lại thỏa đáng lợi ích này cho người nông dân – người sản xuất chính. Chúng ta không cần thiết chỉ tập trung vào một số sản phẩm chính (ví dụ như lúa, cà phê…) như hiện nay. Điều này rất nguy hiểm do luôn có rủi ro lớn vì giá thế giới luôn biến động, giá cả giảm sút rất lớn.
Nhiều nơi như Thái Lan, Đài Loan… họ đã rất thành công với chiến lược xuất khẩu đa dạng hóa sản phẩm nông sản. Làm được việc này là nhờ họ có nghiên cứu rất kỹ về thị trường thế giới. Họ sản xuất ra để đáp ứng yêu cầu của thị trường cả về chất lượng và khối lượng, không bị dư thừa hoặc thiếu quá nhiều hàng xuất khẩu.
Phải khắc phục “cắt đoạn trong chính sách”
TS Đào Thế Anh đánh giá: Chúng ta đang nói nhiều đến phát triển chuỗi giá trị nông sản, quan hệ chặt chẽ giữa sản xuất và thương mại, maketing trong nông nghiệp. Nhưng đang có cản trở lớn về chính sách. Vì hai lĩnh vực này ở hai bộ khác nhau. Bộ NN-PTNT chuyên phụ trách về sản xuất, bộ Công Thương phụ trách maketing. Tuy nhiên, khả năng làm về thương mại nông sản của ta rất kém, không đáp ứng được yêu cầu. Còn maketing nông sản thực ra chưa làm đươc.
TS Đào Thế Anh cho rằng, tình trạng cắt đoạn chính sách gây khó cho phát triển nông nghiệp (Ảnh: Vietnamnet) |
Ngay cả năng lực của một số doanh nghiệp đang làm xuất khẩu, TS Anh cũng đánh giá về maketing, tiếp cận thị trường yếu, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước. Vì thực ra đến nay, ví dụ như xuất khẩu gạo, các nhà xuất khẩu gạo của Việt Nam chủ yếu hướng đến phục vụ các hợp đồng lương thực cứu đói. Với các hợp đồng này, ưu tiên đầu tiên của họ là giá thấp. Cho nên, chúng ta không thể bán được giá cao trong những thị trường như vậy.
Nói phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị, tức là phải nghiên cứu phát triển sản phẩm bắt đầu từ đồng ruộng của nông dân, rồi qua các khâu trung gian, doanh nghiệp chế biến, và đến người tiêu dùng. Chính sách hỗ trợ thì cũng cần tác động theo cả chuỗi. Hiện chúng ta có nhiều chính sách có thể hỗ trợ rất tốt cho sản xuất, nhưng khâu thương mại rất kém nên cuối cùng sản phẩm bán ra vẫn kém. Ngược lại, có chỗ làm thương mại tốt nhưng khâu sản xuất không tốt nên không có sản phẩm tốt để đáp ứng nhu cầu. Tức là cách làm này vẫn không đồng bộ theo chuỗi để có sản phẩm tốt.Tức là chúng ta đang bị cắt đoạn trong chính sách.
Nếu muốn có chuỗi giá trị, phải đầu tư cho maketing. Nếu không, không chỉ khó xuất khẩu, kể cả thị trường trong nước cũng khó tiếp cận. Hiện nay, các doanh nghiệp của ta cũng ít đi maketing, chủ yếu dựa vào các thị trường sẵn có, không mở ra được thị trường mới.
Vì tái cơ cấu, thực ra là tạo ra một cơ cấu kinh tế do thị trường quyết định. Trong nền kinh tế thị trường, nếu ta không tiếp cận được thị trường thì sẽ không có động cơ để thúc đẩy sản xuất.
“Theo tôi, để hoạch định được tái cơ cấu nông nghiệp, phải có nghiên cứu rất kỹ thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu, kể cả phải nghiên cứu kỹ về thị trường xa (như châu Âu, Mỹ) và thị trường gần (như Trung Quốc, ASEAN). Vì thực tế, ngay thị trường Trung Quốc chúng ta cũng không có thông tin để biết họ cần gì. Chỉ thấy họ cứ sang Việt Nam mua đủ thứ mà cũng không biết họ mua về làm gì. Chúng ta đang thiếu nghiêm trọng thông tin về thị trường, bán hàng chủ yếu như đang đoán mò”.
Vì thế, TS Đào Thế Anh đề nghị để tái cơ cấu được nông nghiệp, chính sách về thương mại và maketing nông sản nên trao về cho Bộ NN-PTNT thì mới làm đồng bộ được. Ví dụ, tại Indonesia, Bộ trưởng NN có quyền quyết định khi đến mùa hoa quả, ví dụ như sầu riêng, thì có thể tạm cấm nhập khẩu để bảo hộ cho sầu riêng trong nước. Còn ở Việt Nam thì việc này cần phải chuyển sang Bộ Công Thương, nhưng Bộ này cũng không có cơ sở nào để quyết định./.
Xuân Thân
Nguồn vov online