Tái cơ cấu nông nghiệp: Phải minh bạch và bắt đầu từ thay đổi tư duy sản xuất

Năm 2015, Chính phủ xác định giải pháp “tạo ra cơ chế linh hoạt để triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp có hiệu quả hơn, có chính sách hỗ trợ, khuyến khích mạnh mẽ, công khai, minh bạch để thu hút đầu tư của tư nhân, đầu tư của nước ngoài có khả năng ứng dụng công nghệ cao vào lĩnh vực này”.
Tái cơ cấu nông nghiệp: Phải minh bạch và bắt đầu từ thay đổi tư duy sản xuất
 
Trao đổi với báo chí về tính cấp thiết đẩy nhanh tốc độ tái cơ cấu nông nghiệp, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Bùi Thị An (TP.Hà Nội) cho rằng đã đến lúc phải thay đổi tư duy làm nông nghiệp thì nông nghiệp nước ta mới hội nhập được với nền kinh tế thế giới và khắc phục tình trạng “sản xuất nông nghiệp được đánh giá là trụ đỡ của nền kinh tế trong lúc khó khăn nhưng tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm dần” như vừa qua.
Thiếu khoa học công nghệ khiến nông nghiệp “dậm chân tại chỗ”
Theo bà, nguyên nhân khiến tỷ trọng nông nghiệp cho nền kinh tế vẫn bị sụt giảm dù chúng ta đang thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có tái cơ cấu ngành nông nghiệp có phải do trong những năm gần đây, lĩnh vực này đang bị giảm đầu tư?
- Tôi cho rằng đó là một trong những nguyên nhân khiến nền nông nghiệp nước ta vẫn ì ạch phát triển dù có lịch sử lâu đời và 70% dân số sống bằng nghề nông chính là thiếu đầu tư phù hợp. Như rất nhiều ĐBQH đã nhận xét, điểm yếu của nền nông nghiệp Việt Nam là thiếu thương hiệu mạnh, nên dù xuất khẩu nhiều nông sản nhưng chưa có tính bền vững trong cạnh tranh với thế giới. 
Trong thời gian qua khi kinh tế khó khăn, nông nghiệp đã là bệ đỡ, giải được bài toán về an ninh lương thực mà các nước khác trên thế giới đang mơ mà không có được. Năm qua, nông nghiệp đã đóng góp cho đất nước 26 tỷ USD, nhưng quan trọng là khi ổn định nông nghiệp sẽ giải quyết được bài toán lao động cho 70% dân số ở nông thôn, với hàng chục triệu lao động. Nếu không làm được điều này thì không giải quyết được các vấn đề khác để ổn định xã hội và từ đó đưa đất nước đi lên.
Tuy nhiên, việc đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp của chúng ta rất manh mún dẫn đến việc nền nông nghiệp của một nước thuần nông lại không có được sự tự chủ, ngay từ yếu tố quan trọng nhất của nông nghiệp là giống cây trồng, vật nuôi. Thời gian qua, phần lớn giống nông sản đều phải nhập khẩu cho thấy tính bền vững của nền nông nghiệp chưa hề có. Việc xuất khẩu cũng chủ yếu là xuất khẩu nông sản thô, mới qua sơ chế chứ chưa có nhiều sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam có khả năng trụ vững trong sự cạnh tranh của thương trường thế giới.
Do đó, đầu tư cho nông nghiệp mà năm sau lại thấp hơn năm trước thì làm sao phát triển được, nói gì đến tính bền vững. Nên tái cơ cấu nông nghiệp là để điều chỉnh lại việc đầu tư cho sản xuất nông nghiệp có trọng tâm, trọng điểm, xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam, dù ít nhưng phải mạnh, đủ sức cạnh tranh và tạo cho nền nông nghiệp sự tự chủ để phát triển bền vững trong quá trình hội nhập. Cho nên tôi cho rằng, nông nghiệp cần được đầu tư cao hơn nữa, năm sau phải cao hơn năm trước.
Bên cạnh đó,  phải chú trọng cải cách thể chế, đảm bảo nguyên tắc số một là tính minh bạch trong chỉ đạo, điều hành từ Chính phủ cho đến địa phương. Thực tế cho thấy, thiếu minh bạch là nguồn cơn của rất nhiều “căn bệnh”. Loại được “bệnh” không minh bạch sẽ loại được các “bệnh” khác, từ tham nhũng cho đến cơ chế xin - cho, có như vậy nông nghiệp mới phát triển được một cách thực sự, đạt được mục tiêu tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
 Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An (TP.Hà Nội)
Có nhiều ý kiến cho rằng, một nguyên nhân khiến nông nghiệp chưa phát triển được là do thời gian qua, chúng ta mới phát triển nông nghiệp theo chiều rộng, nghĩa là mở rộng sản xuất chứ chưa chú trọng đến chiều sâu là ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Quan điểm của bà  về vấn đề này như thế nào?
- Tôi đồng tình với nhận xét này vì trong sản xuất nông nghiệp hiện nay, khoa học công nghệ chính là đòn bẩy để tăng giá trị thực của nông sản. Lấy từ thực tế bảo quản sản phẩm sau qui hoạch, vì thiếu khoa học công nghệ nên việc bảo quản không tốt, nhiều khi bị trung gian ép giá buộc nhà nông phải bán đổ bán tháo nông sản nên mới có điệp khúc “được mùa, mất giá” mà chúng ta chưa giải quyết được. Không những thế, khoa học công nghệ còn giúp cho nông sản được chế biến đạt chất lượng, yêu cầu của thị trường tiêu thụ, giúp cho nông sản Việt Nam có được chỗ đứng trên thị trường quốc tế, chứ không chỉ quanh quẩn ở một vài thị trường dễ tính. Qua đó cho thấy, đầu tư khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp là cách để phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, có giá trị bền vững, hay nói cách khác, thiếu khoa học công nghệ khiến nông nghiệp “dậm chân tại chỗ”. Nhưng để làm được điều này thì phải trông chờ vào công cuộc tái cơ cấu mà chúng ta đang tiến hành.
Không được buông lỏng cho thương lái chèn ép nông dân
Theo bà, tái cơ cấu nông nghiệp sẽ đặt vai trò của Nhà nước như thế nào trong điều hành quản lý tiêu thụ nông sản để nông dân không còn rơi vào thảm cảnh “được mùa, mất giá” như thời gian qua?
- Thực tế cho thấy, việc tổ chức thị trường còn kém chính là “điểm nghẽn” trong quá trình đưa nông nghiệp nước ta phát triển. Việc thiếu vai trò điều tiết của Nhà nước tạo điều kiện cho thương lái bất chính hoạt động hay không trực tiếp hỗ trợ được cho người nông dân gây ra hiện tượng làm ăn thua lỗ khiến nông dân mất việc nghèo đói, gây ra tệ nạn xã hội. Cho nên vai trò của Nhà nước rất quan trọng trong việc tổ chức lại thị trường tiêu thụ nông sản để người sản xuất và người tiêu dùng không bị thiệt thòi. Thời gian qua, chúng ta đã buông lỏng thị trường, để thương lái bất chính ăn chặn đủ đường khiến người nông dân thua lỗ rất nhiều, khóc ròng khi “được mùa, rớt giá”, ép giá. 
Theo tôi, Chính phủ cần khuyến khích tạo mọi điều kiện về cơ chế thông thoáng cho các doanh nghiệp cũng như tư nhân đầu tư vào nông nghiệp, tổ chức lại thị trường, và quản lý rất chặt vì chúng ta đã xác định Việt Nam vẫn phải đi lên trên nền nông nghiệp trong nhiều năm tới. Nước nào cũng cần khoa học công nghệ, sau đó là xúc tiến thương mại để xuất khẩu. Ở đây xuất khẩu phải là ổn định chứ không phải nay được 3 đồng, mai chỉ được 1 đồng. Nghĩa là mang thương hiệu mạnh, bền vững trên quốc tế. Vì vậy việc xúc tiến thương mại cần được thúc đẩy, như vậy mới có đầu ra cho nông nghiệp. Và xúc tiến thương mại chính là việc của Nhà nước.
Ở các nước, khi tái cơ cấu nông nghiệp, họ đặt ra 3 vấn đề quan trọng, đó là tiền, thị trường và tư duy. Theo bà, chúng ta đã đến lúc cần thay đổi về tư duy làm nông nghiệp khi đất nước đã hội nhập?
- Đúng là chúng ta phải thay đổi tư duy. Tư duy rất quan trọng cho việc định hướng sự phát triển của nền nông nghiệp trong thời đại hội nhập. Từ đổi mới tư duy, chúng ta sẽ có thể chế, cơ chế, chính sách tạo ra thông thoáng, tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp làm một cách tổng thể từ khoa học cho đến thị trường trong lĩnh vực nông nghiệp và cũng định hướng cho người nông dân biết cách sản xuất theo kịp yêu cầu của thị trường, chứ không làm ăn nhỏ lẻ, manh mún và phụ thuộc vào tự nhiên. 


Phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội ngày 31/10, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát khẳng định: “Nông nghiệp, nông thôn vẫn tiếp tục có nhiều khó khăn, yếu kém và giải pháp căn cơ đối với nông nghiệp là triển khai thực hiện chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển bền vững. Trong hơn một năm qua, thực hiện chủ trương này, cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã có sự chuyển biến. Hơn 100.000ha diện tích trồng lúa đã được chuyển sang trồng cây màu và các cây trồng khác có hiệu quả cao hơn. Bản thân ngành trồng lúa cũng đang có sự chuyển biến. 
Ở nhiều địa phương đã chuyển sang trồng những giống lúa có chất lượng cao hơn, giá bán cao hơn từ 7.000-8.000/kg, thay vì 5.000-6.000/kg như trước đây. Đã có hơn 120.000ha lúa được sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn. 
Về phát triển chăn nuôi, mặc dù đã có những chuyển biến mạnh theo hướng phát triển chăn nuôi công nghiệp hoặc chăn nuôi theo kiểu công nghiệp tại trang trại và gia trại nhưng sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi nước ta nói chung còn thấp, bởi vì khoảng gần 60% đàn gia súc, gia cầm vẫn nuôi ở những hộ chăn nuôi nhỏ. Vì vậy, để nâng cao sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi, nhất là khi chúng ta đang đàm phán và sẽ mở cửa từng bước thị trường chăn nuôi để đổi lấy sự mở cửa của các nước cho các loại sản phẩm hàng hóa khác của nước ta thì ngành nông nghiệp cũng đang rất quyết liệt triển khai thực hiện các biện pháp để nâng cao sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi. Trong đó, khuyến khích phát triển chăn nuôi công nghiệp và Chính phủ cũng có chính sách để hỗ trợ phát triển chăn nuôi nông hộ có hiệu quả cao hơn. 
Tuy nhiên, những kết quả trên mới là bước đầu. Để triển khai thực hiện chủ trương này một cách có hiệu quả hơn, có tác động rõ nét hơn, góp phần tăng nhanh hơn thu nhập của bà con nông dân, cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn của các bộ, ngành, đặc biệt là các địa phương, cũng như cần bổ sung thêm các nguồn lực để triển khai thực hiện”.
 
Hương Hương
Nguồn baophapluat.vn