Tái cơ cấu nông nghiệp nhìn từ Đồng Tháp: Sẽ có những nông dân chuyên nghiệp
- Thứ hai - 28/07/2014 04:44
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tới năm 2020, Đồng Tháp sẽ có những ND chuyên nghiệp, tức là ND sẽ chỉ chuyên sản xuất các lĩnh vực trong nông nghiệp.
Điểm sáng trên cả nước
So với các địa phương khác của vùng ĐBSCL, Đồng Tháp là tỉnh không có lợi thế về phát triển… công nghiệp và đây lại chính là điều thuận lợi để Đồng Tháp “toàn tâm, toàn ý” vào thực hiện TCC nông nghiệp.
Hiện tại, nông nghiệp đang là ngành sản xuất chính của Đồng Tháp với GDP nông nghiệp đạt trên 14.211 tỷ đồng, chiếm 36% tổng GDP của địa phương. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp Đồng Tháp giảm dần trong gần 10 năm qua. Tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp đạt mức cao nhất ở mức 15,1% năm 2005 và đã giảm xuống chỉ còn 4,5% năm 2013.
Trước thực trạng trên, Đồng Tháp cũng công bố những mục tiêu cụ thể của đề án này, cụ thể đến năm 2020 phục hồi và ổn định tăng trưởng nông nghiệp bằng hoặc hơn mức tăng trưởng nông nghiệp chung của cả nước; tốc độ tăng trưởng 4,5%/năm giai đoạn 2011 – 2015 và 5%/năm giai đoạn 2016 – 2020.
Các lĩnh vực được tập trung TCC gồm: TCC thị trường tiêu thụ nông sản; xây dựng chuỗi ngành hàng và vùng chuyên canh; đổi mới thể chế trong quản lý phát triển nông nghiệp và các lĩnh vực liên quan; đổi mới động lực phát triển nông nghiệp, sử dụng có hiệu quả tài nguyên trong phát triển nông nghiệp; đổi mới nguồn vốn phát triển...”.
Ông Nguyễn Văn Công- Giám đốc Sở NNPTNT Đồng Tháp cho biết: “Trong số các ngành hàng, thủy sản là ngành có tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng nhất trong lĩnh vực nông nghiệp Đồng Tháp. Mức tăng trưởng bình quân hàng năm (giai đoạn 2005 – 2011) là 34,5%/năm, cao hơn các tỉnh trong khu vực như: Kiên Giang, An Giang và chỉ đứng sau Cần Thơ. Do đó, chỉ tiêu diện tích nuôi trồng thủy sản (thích ứng theo đề án) đến năm 2020 là trên 13.000ha, (trong đó cá tra 2.755ha, tôm 4.800ha, cá khác 5.500ha; sản lượng thủy sản nuôi ước đạt 527.500 tấn).
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan cho biết, để thực hiện đề án, tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ 8 giải pháp, trong đó tập trung vào một số giải pháp như: Thu hút đầu tư tư nhân và hỗ trợ liên kết doanh nghiệp – ND, áp dụng các chính sách ưu đãi cao nhất theo quy định của Nhà nước đối với đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ở địa bàn đặc biệt khó khăn.
Song song đó, tỉnh lập ban vận động tài trợ quốc tế phối hợp với các cơ quan tư vấn xác định nhu cầu, mục tiêu, quy mô, cách thức và giải pháp huy động vốn ưu đãi ODA đối với việc phát triển cơ sở hạ tầng và huy động hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ xúc tiến thương mại và xúc tiến đầu tư của các tổ chức quốc tế phục vụ TCC nông nghiệp Đồng Tháp”.
Nông dân chỉ làm… nông dân
Đội ngũ lao động trong nông nghiệp của cả nước nói chung, Đồng Tháp nói riêng mặc dù còn cao, nhưng phần lớn người ND hiện vẫn còn làm việc theo kiểu vừa lo làm nông, vừa lo đi làm thêm nghề khác kiếm thêm thu nhập. Chính vì thế, bằng việc xây dựng Đề án TCC nông nghiệp, Đồng Tháp đang kỳ vọng sẽ tạo lên được những đội ngũ ND chuyên nghiệp chỉ làm… ND.
Ông Nguyễn Thành Hưởng - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Đề án TCC nông nghiệp nói chung và hình thành đội ngũ ND chuyên nghiệp nói riêng của Đồng Tháp đều là những bước đi chiến lược lâu dài của tỉnh. Trong đó, chúng tôi sẽ ưu tiên tập huấn cho ND các kiến thức chuyên sâu về sản xuất nông nghiệp”.
Theo ông Hưởng, trước mắt sẽ tăng cường tập huấn cho ND kiến thức về ứng dụng khoa học kỹ thuật. Chẳng hạn không phải là “3 giảm 3 tăng” nữa, mà là “1 phải, 5 giảm” (1 phải là phải sử dụng giống xác nhận; 5 giảm gồm giảm lượng hạt giống, giảm lượng phân đạm bón thừa, giảm thuốc BVTV hóa học, giảm lượng nước tưới và giảm tổn thất sau thu hoạch).
“Tiếp theo, tỉnh cũng sẽ có nhiều chương trình hợp tác với Nhật theo hướng nâng cao kỹ năng và phát huy kinh nghiệm ND” – ông Hưởng thông tin thêm.
Đón nhận thông tin trên, lão nông Trương Văn Út, ấp Thống Nhất, xã Bình Phú, Tân Hồng chia sẻ: “Là người ND, chúng tôi chỉ mong làm ra càng nhiều sản phẩm nông sản càng tốt, còn việc làm như thế nào để ND có lãi, bán lúa cho ai thì Nhà nước phải giúp chúng tôi. ND đa số cũng đã ý thức được rằng muốn chủ động được giá cả hay biết được giá bán nông sản thì phải liên kết theo các mô hình liên kết hiện nay. Chúng tôi cũng đã hưởng ứng chủ trương của Nhà nước bằng cách tham gia vào các tổ hợp tác, hợp tác xã.
Chúng tôi cũng rất mong muốn được Nhà nước đào tạo để trở thành ND chuyên nghiệp”. Còn lão nông Phạm Xuân Hồng, ở thị trấn Sa Rài, huyện Tân Hồng cho hay: “ND ở đây có thừa kinh nghiệm và họ đã có sự thích nghi khá nhanh với những giải pháp ứng dụng khoa học kỹ thuật”. Theo ông Hồng, chúng tôi khát khao mong chính sách trong nông nghiệp tới đây là thực tiễn hơn nữa; lý thuyết phải đi đôi với thực tiễn; có thể không cần hỗ trợ vốn nhưng làm sao một khi ND đã chuyển theo mô hình (Nhà nuớc khuyến cáo), thì sản phẩm phải bán được có lãi…
Ông Nguyễn Văn Công- Giám đốc Sở NNPTNT Đồng Tháp cho biết thêm: “Chúng tôi cũng sẽ có thêm đề án mới, riêng cho vấn đề hình thành đội ngũ ND chuyên nghiệp. Chẳng hạn, từ trước nay chỉ tập trung vào sản xuất lúa và các khâu gieo trồng, chăm sóc…, trong khi đó, các kỹ năng mới để phát triển nông nghiệp có trình độ khoa học công nghệ cao với máy móc, thiết bị hiện đại vẫn chưa được quan tâm”.
“Đề án xây dựng trung tâm đào tạo ND tay nghề cao, tập trung nghiên cứu thực trạng và nhu cầu của ND từ đó thành lập trung tâm đào tạo ND chuyên nghiệp có tay nghề cao, hướng tới việc xã hội hóa hoạt động của trung tâm” – ông Công cho biết.
Theo danviet.vn