Tái cơ cấu nông nghiệp nhìn từ Đồng Tháp: Tạo chuỗi liên kết giá trị

Bằng định hướng tái cơ cấu (TCC) ngành nông nghiệp, tỉnh Đồng Tháp đang dự kiến sẽ xây dựng và tạo ra được nhiều hàng hóa nông sản chủ lực, phục vụ cho tiêu thụ trong nước và cả xuất khẩu. Để thực hiện mục tiêu này, một chuỗi liên kết theo chuỗi giá trị sẽ được hình thành.
(1) Nông dân và doanh nghiệp có quan hệ bình đẳng. (2) Doanh nghiệp cung cấp đầu vào cho nông dân. (3) Nông dân bán nông sản cho doanh nghiệp. (4) Nông dân mua cổ phần của doanh nghiệp

Nông dân làm chủ

Theo đánh giá, cơ cấu sản xuất nông nghiệp Đồng Tháp những năm gần đây đã có dấu hiệu dịch chuyển theo hướng khai thác tiềm năng và lợi thế địa phương; đang từng bước hình thành thế mạnh kinh tế của tỉnh như lúa, cây ăn trái, thủy sản, cây cảnh….

Tuy nhiên, tăng trưởng nông nghiệp chủ yếu còn dựa vào các yếu tố đầu vào, phát triển theo chiều rộng (nhờ mở rộng thêm diện tích), năng suất tăng chậm, hiệu quả các sản phẩm nông nghiệp còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng và còn rất thấp so với khả năng cạnh tranh quốc tế.

Chính vì thế, theo ông Nguyễn Văn Công- Giám đốc Sở NNPTNT Đồng Tháp, khi TCC nông nghiệp, ND sẽ không chỉ chăm bẵm duy nhất mỗi khâu sản xuất (trồng trọt, chăn nuôi) mà còn phải tham gia vào nhiều khâu trong chuỗi, chứ không còn theo khuynh hướng cứ thuê hết mọi việc rồi ngồi chờ đến ngày thu hoạch (dẫn đến rủi ro cao, lệ thuộc vào giá cả).

Báo cáo của UBND tỉnh Đồng Tháp cho thấy, so với cả nước, Đồng Tháp đứng đầu về thủy sản, đứng thứ ba về sản xuất lúa gạo và thuộc tốp đầu về trồng cây ăn quả. Riêng về nuôi cá tra, Đồng Tháp đang có diện tích nuôi lớn nhất ĐBSCL (chiếm hơn 30% diện tích nuôi của ĐBSCL) với gần 2.000ha năm 2012, đem lại sản lượng gần 390.000 tấn/năm.

Do đó, đề án của tỉnh sẽ tập trung nâng cao giá trị gia tăng và phát triển nông nghiệp bền vững dựa trên đổi mới hình thức tổ chức sản xuất; đẩy mạnh liên kết giữa sản xuất và thị trường, ứng dụng KH-CN...

Ông Công cho biết, có thể hình dung chuỗi sản xuất đó là: Huy động liên kết trong chuỗi giá trị là để cung cấp vật tư, tín dụng, hướng dẫn kỹ thuật đảm bảo chất lượng, giá ổn định, phòng chống rủi ro, bảo vệ môi trường.

Ngoài ra liên kết chuỗi sản xuất – tiêu thụ cũng giúp cho việc xây dựng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng, tiến đến hình thành thương hiệu, nhãn mác đồng bộ. Đảm bảo chia sẻ hợp lý thu nhập và rủi ro cho tất cả các tác nhân trong chuỗi giá trị.

Để dễ hình dung về đề án này, ông Nguyễn Phước Tuyên – Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học và thông tin, Sở NNPTNT Đồng Tháp cho biết: “ND tham gia liên kết theo chuỗi giá trị trong đề án thì họ đã được lo cho đầu vào (mua vật tư, phân, thuốc bảo vệ thực vật…) trực tiếp với nhà sản xuất không phải qua trung gian. Rồi tiếp đến là liên kết đầu tư giống má, nhà máy sấy, xay xát và tiếp nữa là tham gia mua cổ phần… Theo cách này, ND sẽ liên kết chặt với nhau (theo chuỗi - xem đồ họa).

“Đánh” vào 5 mặt hàng

Mới đây, UBND tỉnh Đồng Tháp đã chính thức công bố, 5 ngành hàng chủ lực sẽ được tập trung TCC, đó là: Lúa gạo, cá tra, vịt, xoài và hoa kiểng. “Đây là nhóm ngành hàng tiêu biểu, ưu tiên, tập trung TCC chứ không phải Đồng Tháp chỉ tái cơ cấu 5 ngành hàng này. Yếu tố “chủ lực” có thể thay đổi tùy tình hình cụ thể và dựa vào “định vị thị trường”. Trước mắt, Đồng Tháp đang tiến hành xây dựng các mô hình ứng dụng nông nghiệp cao trong sản xuất.

Ông Dương Nghĩa Quốc - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Đồng Tháp cho biết: “Chúng tôi đã trình UBND tỉnh cho triển khai ngay dự án đa dạng hoá một số giống hoa truyền thống Sa Đéc có giá trị thông qua giải pháp đột biến để nâng cao giá trị nông sản, đây là một trong những ngành hàng chủ lực của tỉnh”.

Theo ông Công, trong giai đoạn đầu, Đồng Tháp sẽ phân ra từng giai đoạn, thực hiện từng phần việc cụ thể, trong đó giai đoạn đầu (2014-2015) sẽ tập trung thực hiện 3 vấn đề chính là: Định hình những ngành hàng có lợi thế cạnh tranh cao (gồm 5 ngành hàng); tập trung nâng cao chất lượng kinh tế hợp tác và liên kết các doanh nghiệp tiêu thụ, chế biến nông sản đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn của tỉnh; kiến nghị, đề xuất đến Trung ương, tỉnh những chính sách hỗ trợ nông nghiệp phù hợp.

Cũng theo ông Công, điểm nổi bật của TCC nông nghiệp của Đồng Tháp là sẽ biến những “lão nông tri điền” mà phải là những “trí nhân tri điền” trên từng mảnh ruộng của mình, bằng cách trang bị thêm nhiều kiến thức về làm nông nghiệp hơn nữa.

Ông Lê Minh Hoan – Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp cho rằng: “TCCNN không chỉ đơn thuần phân bố sản xuất mà là định hình lại sản xuất, nâng dần năng lực của người sản xuất và doanh nghiệp, tạo ra lòng tin lẫn nhau. Đây không chỉ là đề án riêng của ngành nông nghiệp, mà còn mang ý nghĩa lớn hơn, đó là phát triển kinh tế, xã hội chung của tỉnh Đồng Tháp gắn với xây dựng hệ thống chính trị và xây dựng nông thôn mới”.
 

Còn ít trang trại

Đồng Tháp là một trong hai tỉnh thuộc vùng đầu nguồn sông Cửu Long, có hai nhánh chính (sông Tiền và Hậu) chảy qua với tổng chiều dài khoảng 15km, cùng với hàng ngàn kênh rạch lớn nhỏ là nguồn tài nguyên nước dồi dào cho sản xuất lúa và nuôi trồng, đánh bắt thủy sản.

Tuy vậy toàn tỉnh chỉ có 219 trang trại, khá ít so với các tỉnh khác ở ĐBSCL. Các trang trại trồng trọt có quy mô trung bình ở mức 12,8ha, trang trại thủy sản trung bình ở mức 1ha/trang trại, bình quân 6 lao động/trang trại. Các trang trại chủ yếu tập trung vào lĩnh vực trồng trọt (171 trang trại) và thủy sản (39 trang trại).
  
Theo danviet.vn