Tái cơ cấu nông nghiệp tại Nghệ An: Chuyển động từ hoạt động khuyến nông

Tái cơ cấu nông nghiệp tại Nghệ An: Chuyển động từ hoạt động khuyến nông
Theo số liệu của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, trong năm 2016 và 6 tháng đầu năm nay, Trung tâm đã triển khai nhân rộng 24 mô hình sản xuất mới.

Trong số các mô hình sản xuất mới, một số mô hình cho hiệu quả cao như: Mô hình chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả do ảnh hưởng của hoạt động khai thác khoáng sản sang trồng ngô tại Quỳ Hợp; Kết quả cho thấy năng suất ngô đạt 6 tấn/ha, thu nhập 36 triệu đồng/ha, cao gấp 2 lần so với trồng lúa, mô hình được nông dân và lãnh đạo huyện, xã đánh giá cao.  

Mô hình trồng bí đỏ an toàn theo hướng VietGAP tại thị xã Thái Hòa, kết quả thu được 6 lứa quả và tận thu được ngọn, năng suất quả đạt 36 tấn quả/ha, lãi thuần đạt trên 86 triệu đồng/ha/5tháng. Mô hình trồng dưa lê Nông Hữu siêu ngọt, triển khai tại huyện Nghi Lộc, cho thu hoạch 2 lứa chính đạt năng suất 18 tấn/ha, tổng thu đạt 234 triệu đồng/ha/vụ. Mô hình sản xuất nấm sò tại Nam Đàn với 8 tấn nguyên liệu cho thu hoạch được 800 kg, bán với giá 45.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí còn lãi 24 triệu đồng, mô hình đang được nhân rộng trên địa bàn... 

Mô hình trồng cây dài ngày như trồng cam kết hợp tưới nhỏ giọt, triển khai tại thị xã Thái Hoà; trồng bưởi Hồng Quang Tiến theo hướng VietGAP triển khai tại các huyện Đô Lương, Thanh Chương; trồng ổi xen cam theo hướng VietGAP tại huyện Con Cuông bước đầu cho kết quả rất khả quan; tỷ lệ sống đạt trên 95%, cây sinh trưởng phát triển tốt. 

Chăn nuôi bò dưới tán rừng ở huyện Con Cuông. Ảnh: Xuân Hoàng
Chăn nuôi bò dưới tán rừng ở huyện Con Cuông. Ảnh: Xuân Hoàng

Trong năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện 8 mô hình chăn nuôi, trong đó chú trọng ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật xây dựng các mô hình tạo sản phẩm an toàn, hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi.

Một số mô hình có hiệu quả cao như: Mô hình chăn nuôi gà thịt theo hướng VietGAP triển khai tại các huyện Anh Sơn và Tân Kỳ, gà đạt tỷ lệ sống đến khi xuất chuồng đạt trên 90%, trọng lượng bình quân đạt 2kg/con/3tháng nuôi, tổng thu đạt trên 100 triệu đồng. Mô hình nuôi lợn nái đen địa phương tại Nam Đàn, lợn tăng trọng nhanh, phát triển tốt, 4 con lợn nái đẻ được 48 con, sản phẩm lợn con giống dễ bán đạt 1 triệu đồng/con, sau khi trừ chi phí lãi từ mô hình đạt 16 triệu đồng; mô hình cải tạo đàn dê tại các huyện Anh Sơn và Nghĩa Đàn. Hiện đàn dê sinh trưởng phát triển tốt, trọng lượng dê sơ sinh đạt 2,5kg, dê đực đạt trọng lượng trung bình 45kg/con.

Đối với công tác khuyến lâm, khuyến ngư, nổi bật như mô hình trồng lát xen keo tai tượng ngoại tại Con Cuông. Mô hình trồng thâm canh lùng tại Quỳ Châu cho tỷ lệ sống đạt trên 95%, cây sinh trưởng phát triển tốt. Mô hình trồng nghệ dưới tán rừng, tại TX. Hoàng Mai năng suất đạt 15,52 tấn/ha, thu nhập từ mô hình (0,5 ha) đạt 93 triệu đồng, lãi thuần 40 triệu đồng; mô hình chăm sóc cây lát xen xoan triển khai tại huyện Tương Dương sinh trưởng phát triển rất tốt. Mô hình chăm sóc cây bo bo tại các huyện Quế Phong và Quỳ Châu cho kết quả, cây sinh trưởng phát triển tốt, không bị sâu bệnh.

Một số mô hình nuôi thủy sản đạt kết quả cao như: nuôi cá leo trong ao đất triển khai ở Nghi Lộc. Đây là đối tượng lần đầu tiên được đưa vào nuôi trong ao đất tại Nghệ An với những thuận lợi về nguồn nước và cá tạp làm thức ăn cho cá, ngoài thức ăn công nghiệp. Chỉ trong vòng 5 tháng nuôi, mô hình đã cho khoản lợi nhuận sau khi trừ chi phí đạt 70 triệu đồng/ha ao. Đây là nguồn thu lớn gấp nhiều lần so với nuôi các đối tượng cá truyền thống (mè, trôi, trắm …) và trên 10 lần so với trồng lúa. Thành công của mô hình có thể khẳng định đối tượng cá leo rất phù hợp với điều kiện thời tiết Nghệ An, mô hình rất cần được nhân ra diện rộng ở các địa phương chủ động nguồn nước ngọt.

Mô hình nuôi cá rô phi, cá trắm trong lồng tại huyện Quỳ Châu, sau 6 tháng nuôi cho lãi ròng trên 50 triệu đồng. Mặt khác cá rô phi lần đầu tiên được đưa vào nuôi trong lồng đã góp phần giảm sự lây nhiễm của bệnh trên cá trắm cỏ. 

Mô hình trồng dưa hấu ở xã Diễn Thành (Diễn Châu). Ảnh: Xuân Hoàng
Mô hình trồng dưa hấu ở xã Diễn Thành (Diễn Châu). Ảnh: Xuân Hoàng

Việc đổi mới công tác khuyến nông trong giai đoạn hiện nay đòi hỏi toàn hệ thống cần phải nhận thức khuyến nông là một mắt xích quan trọng trong việc thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Người cán bộ khuyến nông cần tăng cường kiến thức về khoa học công nghệ, kỹ thuật nghiệp vụ chuyên môn và kiến thức về quản lý kinh tế, nắm vững đường lối chính sách về công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Triển khai các mô hình khuyến nông liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Tăng cường thông tin sát với thị trường, tổ chức đào tạo xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho sản phẩm, giúp nông dân đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp, tiếp cận được với các nguồn vốn, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp… Xây dựng hệ thống khuyến nông ngày càng năng động, hoàn thành tốt vai trò trợ giúp, phục vụ sản xuất và phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững.

Những năm tới Trung tâm Khuyến nông tỉnh tích cực phối hợp với các sở, ban ngành, chính quyền cấp xã và tổ chức đoàn thể, nông dân chủ chốt tại các vùng sản xuất hàng hóa trọng điểm tổ chức hội thảo về công tác khuyến nông nhằm tìm ra những khó khăn vướng mắc, định hướng kế hoạch thực hiện để công tác khuyến nông ngày càng vững mạnh, phục vụ tái cơ cấu ngành và xây dựng nông thôn mới.

Từ năm 2016 đến nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã xây dựng 22 mô hình trồng trọt và 8 mô hình chăn nuôi trình diễn đa dạng về các giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất, chất lượng và hiệu quả; tổ chức gần 1.400 lớp tập huấn chuyển giao KHKT cho hàng chục nghìn lượt người là cán bộ khuyến nông viên cấp xã, thôn, xóm, bản và nông dân tham dự. 


Xuân Hoàng/ Báo Nghệ An