Tái cơ cấu nông nghiệp với những việc làm thiết thực

Tái cơ cấu nông nghiệp với những việc làm thiết thực
Hưởng ứng phong trào thi đua toàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn chung sức thực hiện tái cơ cấu ngành gắn với xây dựng nông thôn mới, nhiều địa phương đã thực hiện các mô hình dồn điền đổi thửa; liên kết sản xuất, xây dựng cánh đồng mẫu lớn; xây dựng nông thôn mới hiệu quả… góp phần thúc đẩy sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân.

Nhiều địa phương hưởng ứng phong trào thi đua bằng những chương trình cụ thể như tỉnh Nam Định với phong trào thi đua “dồn điền đổi thửa”; Thanh Hóa với phong trào thi đua “chung sức xây dựng nông thôn mới, xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh kiểu mẫu”. Hay tỉnh Hà Tĩnh với phong trào thi đua tích cực đầu tư, thâm canh, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, dự tính dự báo, chủ động phòng, trừ dịch bệnh… Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long tích cực triển khai các phong trào liên kết sản xuất, xây dựng cánh đồng lớn.


Thu hoạch chè tại xã Nậm Búng huyện Văn Chấn (Yên Bái).


Tỉnh Hải Dương với phong trào “ba quản” (quản lý đối tượng dịch hại tốt nhất, quản lý thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) tốt nhất, quản lý và triển khai các biện pháp BVTV an toàn và hiệu quả nhất). Chi cục trưởng BVTV Hải Dương Phạm Nguyên Hạnh cho biết, thực hiện phong trào này, tỉnh đã triển khai mô hình quản lý dịch hại tốt nhất tại huyện Bình Giang. Trên cơ sở đó, các đơn vị của chi cục trực tiếp gặp các đại lý thuốc BVTV vào dịp đầu năm hoặc cuối năm. Đồng thời, hằng tuần gửi thông báo đề nghị cửa hàng nắm tình hình sâu bệnh, từ đó chủ động cung cấp các loại thuốc phòng trừ trong danh mục cho phép phục vụ công tác phòng, trừ sâu, bệnh hại cây trồng cho nông dân. Qua triển khai mô hình, bà con nông dân đã giảm được hai lần phun thuốc, nhờ vậy đã tiết kiệm được thuốc BVTV, ngày công với kinh phí khoảng 1,2 triệu đồng/ha. Đặc biệt, bà con nông dân đã nắm được cách phòng, trừ sâu, bệnh tốt nhất.

Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Hòa Bình Trần Văn Tiệp chia sẻ, sau một thời gian thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đến nay nhận thức của các cấp, ngành, địa phương và nhân dân đã thay đổi, trong đó chú trọng việc nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả kinh tế; chú trọng cách thức sản xuất thông qua thành phần kinh tế hợp tác; tập trung nguồn lực sản xuất sản phẩm chủ lực, lợi thế theo chuỗi sản phẩm; chủ động chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây có hiệu quả kinh tế cao hơn. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, vùng sản xuất tập trung cây lợi thế như cam, nhãn, bưởi, rau an toàn đang tăng mạnh, trong đó những diện tích canh tác cho thu nhập cao ngày càng tăng. Đến nay, diện tích cây ăn quả có múi trên địa bàn khoảng hơn 6.000 ha, trong đó diện tích cam kinh doanh có khoảng 1,5 nghìn ha, cho thu nhập trung bình đạt khoảng 700 triệu đồng/ha/năm; diện tích mía đạt khoảng 6,6 nghìn ha, cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/ha/năm; mướp đắng, bí xanh… với diện tích hơn 700 ha cho thu nhập hơn 120 triệu đồng/ha/vụ.

Tuy nhiên, hiện nay, phong trào thi đua tái cơ cấu ngành chưa thật sự sâu rộng và đồng đều. Ở nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị, phong trào chưa thật sự được quan tâm; việc kiểm tra, đôn đốc thực hiện chưa được sâu sát cho nên phong trào còn chưa được duy trì thường xuyên. Công tác tuyên truyền chưa thật sự đa dạng, nhiều khi còn mang nặng tính hình thức, chưa thường xuyên, liên tục, hiệu quả. Để khắc phục tình trạng này, thời gian tới, Bộ NN và PTNT cần đưa phong trào thi đua tái cơ cấu ngành triển khai sâu rộng, trở thành nhiệm vụ trọng tâm trong toàn ngành. Thông qua tổ chức thực hiện phong trào thi đua góp phần huy động mọi nguồn lực nhằm phấn đấu để đạt, vượt và về đích sớm các mục tiêu, nội dung của Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2017-2020.
 

Bài và ảnh: Hải Lâm/ Báo Nhân Dân